Tôi yêu làn khói lam chiều lửng lơ trên mái ngói trong mưa bụi, nhớ tiếng củi gộc lép nhép cháy và thương cháy lòng những bữa cơm nghèo nhưng ấm áp hương vị tình thân.
Thanh Hóa quê tôi có một thứ “đặc sản” đặc trưng là mưa phùn, gió rét, nồm ẩm. Dù nhiều khi ớn ngại tiết trời khắc nghiệt ấy, nhưng tôi vẫn yêu cái vẻ trầm lặng của làng mạc những ngày này. Tôi yêu làn khói lam chiều lửng lơ trên mái ngói trong mưa bụi, nhớ tiếng củi gộc lép nhép cháy và thương cháy lòng những bữa cơm nghèo nhưng ấm áp hương vị tình thân.
Mẹ luôn dồn hết tình thương vào từng bữa cơm cho chồng con |
Những ngày này, khi mạ non đã phủ xanh đất ruộng, trời bắt đầu giăng giăng mưa bụi, mẹ tôi sẽ nấu ngô bung. Những bắp ngô được bóc bẹ phơi khô, túm thành từng chùm treo lủng lẳng gần góc bếp. Khi gỡ ra khỏi lõi, hạt trôi tuột qua kẽ tay, lao xao như biết mình sắp trở nên hữu dụng.
Mẹ đem ngô ấy ngâm vào nước vôi trong nửa ngày mới vớt ra rửa sạch rồi đổ ngập nước, đun sôi. Sau đó đổ ra chà rửa cho bong hết mày. Qua vài lần đun và chà rửa như thế, món ngô bung mới yên vị trên bếp lửa liu riu mấy tiếng đồng hồ mà trở nên nở tung, thơm mềm. Bữa ăn dọn ra, trên mâm chỉ có bát muối vừng. Từng bát ngô bung được múc ra ngào ngạt khói, trộn chút muối vừng, ăn no mà không chán.
Cũng mùa này, tôi nhớ và thèm món cá nục kho mía “thương hiệu” của mẹ. Có nồi cá này, chị em tôi ăn sạch bách nồi cơm, bụng thì no căng mà miệng vẫn thòm thèm. Cái mùi thơm mặn mà đặc trưng vị biển, từng thớ thịt cá dai, mềm, ngọt đậm quấn quýt nơi đầu lưỡi. Khi nhìn mẹ chế biến món ăn, tôi biết bà đã đặt vào đó tình yêu thương lớn lao cho chồng, con.
Bà cẩn thận rán cá cho vàng cứng lớp da, chăm chút khúc mía được nướng trên than đến khi dậy mùi thơm, róc bỏ lớp vỏ rồi cắt khúc, đập giập, đem xếp vào đáy nồi. Tiếp đó là lớp cá, rồi lại thêm một lớp mía phủ đều bề mặt. Cuối cùng là chế nước màu đã pha mắm muối, hạt tiêu vừa miệng xăm xắp, đem đun trên lửa nhỏ cho đến khi chỉ còn một phần nước đã vàng sánh. Mưa rét mà gặp mùi thơm ngọt bay ra ngõ, người làng đi ngang cũng thấy cồn cào cái bụng.
Món cá nục kho mía chẳng phải món hiếm có khó tìm gì, nhưng được ăn trong những ngày cuộc sống còn khó khăn, ăn trong tiết mưa dầm gió bấc, với tôi nó đích thị là món ngon đời người.
Món tép biển khô om chuối xanh mẹ chỉ dẫn một lần là chị em chúng tôi có thể tự nấu. Tép đem rửa sạch và gạn bỏ sạn. Phi hành với mỡ cho vàng thơm rồi trút tép vào xào, bỏ chuối đã gọt vỏ, ngâm muối cho hết mủ chát, nêm gia vị là vài thìa cơm mẻ, chút bột nghệ, mắm muối vào cùng và đảo đều. Sau cùng, thêm nước, đun sôi một lúc nữa là chín. Trước khi nhắc ra khỏi bếp, thả nắm lá lốt thái sợi vào đảo đều lượt nữa là hoàn chỉnh.
Những ngày thơ bé gần mẹ, tôi còn được thưởng thức nhiều món ngon dân dã khác như món trứng gà chiên lá mơ, hay lá ngải cứu, lá lốt… Nhiều khi thành phẩm trứng chiên với các loại lá ấy rặt màu nâu xám, vì lá nhiều hơn trứng, vậy nhưng vẫn rất hấp dẫn, chấm kèm nước mắm là đủ đưa cơm. Rồi món cà pháo muối nén, lấy ra rửa qua với nước sôi để nguội cho bớt mặn, cắt làm đôi làm ba, dặm vào chút đường, bột ngọt, xóc đều cho ngấm, ăn kèm canh rau nấu lạt là tròn vị.
Tôi đi học, công tác rồi theo chồng xa quê cả ngàn cây số. Nơi tôi sống không có mùa đông, không có cảnh mưa phùn gió bấc dầm dề. Nhưng cứ mỗi lần trời mưa lạnh lạnh, là nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ lại bừng lên thao thiết. Trong giấc chiêm bao, tôi luôn thấy mẹ bận rộn bên bếp lửa với bao món ăn quê xưa.
Mai Đình
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/them-an-la-nho-me-a1460479.html” name=””]