Dạo trên mạng xã hội, gặp những câu chuyện buồn về việc học sinh thi trượt lớp Mười, tôi như thấy chính mình của 17 năm về trước.
Tác giả chụp ảnh chung với cô giáo dạy môn ngữ văn lớp Mười (nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Thời gian qua, các tỉnh, thành đã lần lượt công bố điểm thi và điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp Mười năm học 2024-2025. Dạo trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những câu chuyện buồn về việc học sinh thi trượt lớp Mười ở trường công lập có những suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột. Bất giác, tôi như thấy chính mình của 17 năm về trước – là một học sinh thi trượt, là một người con chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của ba mẹ.
Năm 2007, tôi cũng như bao bạn bè khác đều háo hức mong chờ ngày công bố điểm thi chính thức. Tôi đạt 36 điểm. Thế nhưng điểm chuẩn tại trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) năm đó lấy 36,5 điểm. Do chỉ thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn nên tôi quyết định làm đơn xin phúc khảo môn toán và văn. Sau gần 10 ngày chờ đợi, kết quả điểm thi của tôi vẫn giữ nguyên. Và khi đó, tôi chính thức trượt lớp Mười vào trường công lập.
Những ngày tiếp theo, không khí trong gia đình tôi căng thẳng và nặng nề. Tuy ba mẹ không buông lời gắt gỏng, mắng nhiếc trực tiếp, nhưng gương mặt không nở nụ cười của mẹ và cái im lặng không trò chuyện của ba khiến tôi tự thấy mình là nguồn cơn của mọi việc.
Phải mất hơn một tuần, khi ba mẹ được một người cô phía họ nội “gỡ nút thắt” trong lòng bằng những lời khuyên chân thành: “Thôi, học tài thi phận mà. Giờ cũng đâu thay đổi được kết quả. Ở đời, con người chỉ hướng về phía trước mà sống, chứ ít ai nhìn lại phía sau để trách móc cả. Hai đứa giờ lo đăng ký trường khác cho con nó học đi…”.
Thật sự, cô như là một “vị cứu tinh” giúp không khí gia đình bớt căng thẳng và chính ba mẹ cũng chịu mở lời hơn để thăm dò nguyện vọng của tôi như thế nào. Đồng thời ba cũng chạy đôn chạy đáo, hỏi han khắp nơi để nộp hồ sơ cho tôi vào học trường THPT bán công Chu Văn An – một ngôi trường ngoài công lập có tiếng về chất lượng giảng dạy, nhưng kèm theo đó mức học phí đóng hàng tháng không hề thấp.
3 năm học cấp III, tôi luôn chú tâm học tập và không có tâm lý xao nhãng, chơi bời như trước. Kết quả học tập của tôi đạt mức khá. Và tôi quyết định dành toàn lực ôn thi tốt nghiệp THPT (đạt 46,5 điểm) và thi tuyển sinh đại học – cao đẳng, với điểm thi khối C cao nhất trường, tôi trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn (Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang).
Trong suốt thời gian học tập trên giảng đường, tôi không ngừng cố gắng để tránh lặp lại “sai lầm” năm xưa. Những kết quả học tập khá, giỏi; liên tục nhận học bổng của trường và bất ngờ hơn khi tôi cũng trở thành thủ khoa tốt nghiệp của ngành. Cũng trong năm đó, tôi thi viên chức thành phố đạt “á khoa” – chính thức trở thành giáo viên ở tuổi 21.
Thầy Đức Bảo và học sinh lớp anh chủ nhiệm trong buổi liên hoan chia tay cuối năm học (nguồn ảnh: tác giả cung cấp) |
Gần 11 năm được đứng trên bục giảng, những thành tích cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia mà tôi đạt được chính là “phần thưởng” xứng đáng sau những ngày tháng “giông bão” tưởng chừng bản thân sẽ gục ngã.
Cứ sau mỗi kỳ thi vào lớp Mười, nếu học sinh hay phụ huynh tìm đến tôi để nghe lời khuyên chân thành, tôi luôn đề cao và nhắc họ về vai trò của cha mẹ trong hoàn cảnh này. Vì các con đang cần cha mẹ hơn lúc nào hết. Cần sự thấu hiểu và cả cái ôm khi các con cảm thấy bơ vơ, lạc lõng nhất.
Còn với học sinh, tôi muốn các em hiểu rằng, một kỳ thi hay một con điểm chưa thật sự tốt không có quyền lấy đi ước mơ và tương lai của mỗi người. Bởi trong cuộc đời này, các em sẽ còn đối mặt với nhiều cuộc thi, kỳ thi cam go và quan trọng hơn rất nhiều. Khi cảm thấy tuyệt vọng nhất, các em hãy tìm đến cha mẹ, thầy cô và bạn bè để chia sẻ. Để khi vượt qua giai đoạn khó khăn này, các em sẽ là một “phiên bản” tốt hơn của chính mình trong tương lai.
Lê Đức Bảo
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/thi-truot-lop-muoi-chua-phai-dieu-toi-te-nhat-a1523586.html” name=””]