Gắp một miếng bánh mỏng tang, chấm vào nước mắm, vị ngọt bắp cải, vị thanh rau cần cùng vị bùi của tép quyện với nhau, làm người ta càng ăn càng “khoái”.
Bánh được làm từ bột tẻ, rau cần, bắp cải, hành và đặc biệt không thể thiếu tép đồng tươi, bánh khoái tép là một món ăn dân dã, bình dị của người dân Thanh hóa. Sau khi được áp trên chảo gang, bánh mang theo hương vị làm “đắm say” lòng người.
Bình dị từ nguyên liệu làm bánh
Không ai ở xứ Thanh biết rõ nguồn gốc ra đời của bánh khoái tép. Tuy nhiên, ở trên những con phố ăn vặt ở xứ Thanh như Đinh Lễ, Trường Thi, Đào Duy Từ, chợ Vườn Hoa,… mọi người vẫn truyền tay, chỉ việc nhau tạo ra một chiếc bánh khoái tép “chuẩn vị” quê Thanh.
Theo chủ quán bánh khoái tép Nguyễn Huệ, phường Lam Sơn (Tp Thanh Hóa) thì gạo làm bột bánh khoái tép phải là loại gạo tẻ khô nhưng vẫn giữ được độ mềm dẻo. Gạo tẻ sau khi ngâm với nước khoảng 2-3 giờ đồng hồ sẽ được xay nhuyễn thành bột nước rồi chờ tráng bánh.
Tép làm bánh khoái phải là tép đồng hãy còn tươi rói, nhảy tanh tách, sau đó ướp gia vị và xào chín. Rau cần và bắp cải rửa sạch, rau cần bỏ lá, còn thân cắt khúc vừa ăn, bắp cải được thái sợi mỏng. Tùy vào sở thích của thực khách, người chế biến có thể bỏ thêm một quả trứng gà vào bột bánh, để chiếc bánh thêm phần thơm ngon.
Để làm ra một chiếc banh khoái “đạt chuẩn”, người làm phải chờ chảo gang nóng đều rồi cho chút mỡ (mỡ lợn) láng một lớp thật mỏng trên mặt chảo, sau đó rải đều rau cần, rau bắp cải lên rồi rắc những con tép đỏ hồng lên phía trên và cuối cùng là cho một lượng bột vừa phải tráng đều trong lòng chảo.
Để bánh chín nhanh, người làm nhanh chóng đậy nắp nồi lại, chờ khoảng 1 phút thì lật bánh cho bánh chín đều.
“Một chiếc bánh khoái tép ngon là bánh phải được tráng mỏng, càng mỏng càng tốt, giòn mà không bị cháy. Để đạt được yêu cầu trên thì chảo tráng bánh phải là chảo gang có độ dày hợp lý, sâu lòng, càng lâu năm sử dụng càng cho ra những chiếc bánh ưng ý” – Bà Huệ nhấn mạnh.
Bánh khoái tép – Thử là mê!
Theo bà Bùi Thị Duyên, chủ quán bánh khoái tép trên đường Đào Duy Từ, Tp Thanh Hóa, tỉnh Tanh Hóa, sở dĩ nhiều thực khách vẫn gọi bánh khoái tép là bánh “khoái” bởi, đây là một loại bánh có thể ăn no mà không bị ngấy.
Hơn nữa, càng ăn bánh khoái, người ăn sẽ càng cảm thấy sảng khoái khi bị cuốn hút bởi vị ngọt của bắp cải, vị thanh mát của rau cần cùng vị bùi thơm của tép hòa quyện với nhau, cùng vỏ bánh giòn tan tạo nên những cảm nhận thú vị.
Nước mắm chấm bánh khoái tép phải là nước mắm cốt được pha với nước sôi để nguội và một lượng đường phù hợp để khi chấm không quá ngọt cũng không quá mặn. Ngoài ra, để cho nước chấm được thơm ngon phù hợp với chấm bánh khoái, người ăn có thể vắt thêm chanh, rắc một chút tiêu hoặc cắt thêm vài lát ớt.
Mùi thơm của bánh cùng với vị chua chua, cay cay của nước mắm khiến những ai từng thưởng thức bánh khoái tép xứ Thanh cũng phải nhớ nhung.
Cũng giống như nhiều loại bánh ở xứ Thanh, bánh khoái tép ăn ngon hơn khi còn nóng hổi. Vì thế, khi có khách, chủ quán mới bắt đầu làm bánh. Một chiếc bánh khoái tròn trịa, mỏng xinh lại có thể chia nhỏ ra cho nhiều người cùng thưởng thức. Mỗi người một miếng vừa thổi, vừa ăn, vừa hít hà mùi bánh thơm ngon rồi cùng nhau cảm nhận đủ đầy vị ngọt đậm đà của món quà mộc mạc, giản dị.
Trước đây, bánh khoái tép được làm chín hoàn toàn bằng bếp củi. Ngày nay nhiều quán trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã chuyển sang tráng bánh bằng bếp ga cho tiện lợi. Bánh khoái tép được ưu chuộng vào thời tiết lạnh bởi chỉ khi lạnh thì ở xứ Thanh mới có rau cần, bắp cải để tráng cùng với tép đồng và bột gạo tẻ. Tuy nhiên, những năm gần đây, bánh khoái tép được tráng, bán quanh năm phục vụ nhu cầu của thực khách.
Một chiếc bánh khoái tép nguyên vị bao gồm tép, rau cần, rau bắp cải và nước bột gạo tẻ. Tuy nhiên vào sở thích của thực khách, người tráng có thể đập thêm một quả trứng gà vào bột bánh, để chiếc bánh thêm phần thơm ngon, hấp dẫn. Một chiếc bánh khoái thường có giá được bán với giá từ 5.000 – 15.000 đồng tùy nơi và tùy loại bánh không trứng hoặc có trứng.
Những quán bánh khoái tép thường nép mình trong những con ngõ nhỏ nhưng mùi thơm của bánh tỏa ra những con phố lớn “dẫn lối” thực khách đến với thứ quà quê giản dị, chân chất ở xứ Thanh. Để rồi, ta cùng trò chuyện, chờ đợi từng chiếc bánh khoái tép có xanh mát của rau, ươm vàng của bột và trứng, vàng ruộm của tép cùng nước mắm chấm thơm ngon… chỉ chừng ấy thôi cũng “đánh thức” tất cả các giác quan khiến ta mê đắm, thèm thuồng.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/thuong-thuc-mon-banh-che-bien-tren-chao-gang-cang-an-cang-khoai-20230303204612943.chn” name=””]