Thành phố này có đặc điểm gì đặc biệt?
Gần đỉnh của một ngọn núi dưới nước ở phía tây của Sống núi giữa Đại Tây Dương (Mid-Atlantic Ridge) – dãy núi dài nhất Trái Đất, hiện lên một khung cảnh lởm chởm của những ngọn tháp nhô lên từ sự u ám.
Các bức tường và cột cacbonat màu kem của chúng xuất hiện màu xanh lam ma quái dưới ánh sáng của một thiết bị điều khiển từ xa được các nhà khoa học thả xuống đại dương để khám phá. Chúng có chiều cao đến 60 mét. Đây chính là ” Thành phố đã mất”.
Thiết bị khoa học chiếu sáng vào một phần của “Thành phố đã mất” ở dưới đại dương. Nguồn: D. Kelley / UW / URI-IAO / NOAA
Được phát hiện bởi các nhà khoa học vào năm 2000, ở độ sau hơn 700 mét dưới bề mặt đại dương, “Thành phố thủy nhiệt đã mất” là môi trường thông hơi tồn tại lâu nhất được biết đến trong đại dương. Chưa có một nơi nào khác trên Trái Đất giống như nó từng được tìm thấy.
Trong ít nhất 120.000 năm và có thể lâu hơn nữa, lớp phủ của Trái Đất tại đây đã phản ứng với nước biển để đẩy hydro, mêtan (CH4) và các khí hòa tan khác ra đại dương.
*Lớp phủ là lớp vỏ đá dày khoảng 2.900 km, chiếm khoảng gần 70% thể tích Trái Đất.
Trong các vết nứt và kẽ hở của các lỗ thông hơi trong “Thành phố thủy nhiệt đã mất”, các hydrocacbon nuôi các cộng đồng vi sinh vật mới ngay cả khi không có sự hiện diện của oxy.
Các lỗ thông hơi phun ra khí nóng tới 40 độ C là nơi sinh sống của rất nhiều ốc sên và động vật giáp xác. Các loài động vật lớn hơn như cua, tôm, nhím biển và cá chình tuy hiếm nhưng vẫn có ở đây.
SỰ SỐNG KỲ DIỆU Ở “THÀNH PHỐ ĐÃ MẤT”
Bất chấp tính chất khắc nghiệt của môi trường, nó dường như chứa đầy sự sống, và một số nhà nghiên cứu cho rằng điều đó đáng để chúng ta quan tâm và bảo vệ.
Các loại vi khuẩn sống trên một lỗ thông hơi bằng canxit ở Thành phố đã mất. Nguồn ảnh: Đại học Washington / CC BY 3.0.
Trong khi các vùng thủy nhiệt khác như vùng này có thể tồn tại ở những nơi khác trên đại dương trên thế giới, đây là vùng thủy nhiệt duy nhất trên Trái Đất có niên đại hàng trăm nghìn năm có thể tìm thấy cho đến nay.
Các hydrocacbon được tạo ra từ các lỗ thông hơi của “Thành phố đã mất” không được hình thành từ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển hoặc ánh sáng Mặt Trời, mà do các phản ứng hóa học dưới đáy biển sâu.
Bởi vì hydrocacbon là thành phần xây dựng của sự sống, điều này mở ra khả năng sự sống bắt nguồn từ một môi trường sống giống như môi trường sống khắc nghiệt này. Và không chỉ tồn tại trên hành tinh của chúng ta.
“Đây là một ví dụ về một loại hệ sinh thái có thể hoạt động trên mặt trăng Enceladus (của sao Thổ) hoặc mặt trăng Europa (của sao Mộc) ngay trong giây phút này”, nhà vi sinh vật học William Brazelton nói với The Smithsonian vào năm 2018. “Và cũng có thể là hệ sinh thái trên sao Hỏa trong quá khứ.”
Không giống như các lỗ thông núi lửa dưới nước – được mệnh danh là cột khói đen – cũng được công nhận là môi trường sống khả dụng đầu tiên dưới đại dương, hệ sinh thái của “Thành phố đã mất” không phụ thuộc vào sức nóng của magma.
Các lỗ thông núi lửa dưới nước – được mệnh danh là cột khói đen. Nguồn ảnh: Oceanservice.noaa.gov
Các “cột khói đen” tạo ra hầu hết các khoáng chất giàu sắt và lưu huỳnh, trong khi các lỗ thông nhiệt của “Thành phố đã mất” tạo ra hydro và mêtan nhiều hơn gấp 100 lần.
Các lỗ thông hơi bằng canxit của “Thành phố đã mất” cũng lớn hơn nhiều so với những “cột khói đen”, điều này cho thấy chúng đã hoạt động lâu hơn.
Ngọn núi cao nhất trong số các khối đá nguyên khối của Sống núi giữa Đại Tây Dương được đặt tên là Poseidon, theo tên thần biển cả của người Hy Lạp, và nó trải dài hơn 60 mét.
Trong khi đó, ngay phía đông bắc của Poseidon là một vách đá với các đợt hoạt động thông nhiệt ngắn. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) mô tả các lỗ thông hơi ở đây giống như đang ‘đổ lệ’ để tạo ra “các cột cacbonat mỏng manh, nhiều ngạnh vươn ra bên ngoài giống như các ngón tay thon”.
Cột cacbonat cao 9 mét ở Thành phố đã mất. Nguồn ảnh: Đại học Washington / Viện Hải dương học Woods Hole.
Thật không may, các nhà khoa học không phải là những người duy nhất phát hiện ra “Thành phố thủy nhiệt đã mất” hiếm có đó.
Vào năm 2018, đã có thông báo rằng Ba Lan đã giành được quyền khai thác vùng biển sâu xung quanh The Lost City. Việc phá hủy môi trường xung quanh thành phố ngầm này có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng bất kỳ luồng khí hoặc chất thải nào do hoạt động khai thác gây ra đều có thể dễ dàng rửa trôi môi trường sống đáng chú ý này.
Do đó, một số chuyên gia đang kêu gọi đưa “Thành phố đã mất” vào danh sách Di sản Thế giới, để bảo vệ kỳ quan thiên nhiên trước khi quá muộn.
Trong hàng chục nghìn năm, “Thành phố đã mất” đã đứng như một minh chứng cho sức mạnh trường tồn của sự sống.
Còn chúng ta thì đang cố hủy hoại nó!
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tim-thay-thanh-pho-da-mat-nam-sau-duoi-day-dai-duong-khong-giong-bat-ky-noi-nao-tren-trai-dat-20220827073836124.chn” name=””]