Những câu chuyện cổ tích dạy bé bài học đạo đức giá trị, không nên tham lam những thứ không phải của mình.
Của trời, trời lại lấy đi
Ngày xưa có một người nghèo khổ quá. Ngày ngày ông ra bãi biển cố sức mò cua bắt ốc để lấy miếng ăn, nhưng không bao giờ đủ. Thấy người ta sung sướng giàu có, ông ao ước được như họ.
Luôn luôn ông cầu Trời khấn Phật xin cho đỡ khổ một tí, dù có bị giảm tuổi thọ đi bao nhiêu cũng được. Ông cầu khấn như thế trong ba năm liền. Tuy không thấy thân phận khá hơn chút nào nhưng ông vẫn kêu xin không mỏi.
Một hôm, trong khi đào cua ở một cái hang, ông bỗng bắt được một thỏi gì vuông vuông nằng nặng và sáng chói. Vừa lạ vừa mừng, ông mang về hỏi hàng xóm. Người hàng xóm cho biết đó là vàng. Mừng quá ông lại cố công đào tìm thêm nữa. Kết quả được cả thảy mười thỏi vàng.
Ông hết lời cảm tạ Trời Phật. Ông định giấu kĩ rồi đưa về quê tậu ruộng làm nhà và lấy một người vợ. Không ngờ người hàng xóm không giữ kín miệng, nên tin đồn được vàng lan đi rất nhanh. Một tên trọc phú ở gần đó vừa nghe thế, vội tìm đến làm quen. Hắn dùng những lời đường mật gạ đổi ruộng đất của hắn để lấy vàng.
Thấy ông chưa có vợ, hắn gả em gái cho. Nghe bùi tai ông vui lòng kết thân với hắn. Từ đó, ông làm ăn ngày một khấm khá: có vợ đẹp, có ruộng cày, có nhà cửa, cuộc sống rất dễ chịu. Nhưng do mưu mô xảo quyệt của tên trọc phú, cuối cùng mười thỏi vàng về tay hắn cả.
Tuy vậy, tên trọc phú nuốt số vàng không trôi. Tin đồn “một người bắt cua được vàng” bay nhanh đến tai mọi người, và đến tai một viên quan huyện.
Nghe nói vàng về tay một tên trọc phú, viên quan huyện không kìm được lòng ham muốn. Hắn gọi lão trọc phú đến tư thất và gạ chia cho mình một nửa.
Ảnh minh họa.
Nhưng gã trọc phú đời nào lại chịu mất không như thế. Viên quan đành giận để bụng. Nhân bắt được một đám cướp lộn, hắn bèn bảo chúng khai vu cho tên trọc phú và do đó hắn ép y vào tội “thông phỉ”.
Trọc phú bị kìm kẹp đánh đập rất khổ cực, đành phải nhả của ra để mua lấy sự yên thân. Cuối cùng không những 10 thỏi vàng nọ lọt vào tay viên quan huyện mà nhiều tiền gạo khác của hắn cũng đội nón ra đi để đấm mõm bọn hương lý, bọn sai nha…
Lại nói chuyện viên quan huyện chỉ dùng một mẹo nhỏ mà chiếm được số vàng lớn thì mừng quá. Hắn sai con cùng với một người lão bộc bí mật đem số vàng đó về quê để tậu thêm ruộng đất. Nhưng đứa con của hắn là một tay có máu me cờ bạc.
Trong khi đi thuyền, thấy có canh bạc to, hắn định đem một số ít vàng của bố để mong “dậy hóa”. Mặc dầu người lão bộc can gián hết lời, hắn vẫn không nghe. Quả nhiên chỉ trong một đêm hắn thua hết cả chẳng còn một đồng dính túi.
Thế là bao nhiêu vàng của viên quan huyện tự nhiên lọt vào tay một lão lái buôn. Nhờ ngón cờ gian bạc lận, lão lái buôn và một tên đồng bọn đã vét sạch bàn, và qua ngày hôm sau hai người hí hửng mang số tiền chiếm được một cách dễ dàng, trong đó có 10 thỏi vàng của con quan huyện về nhà, mặc kệ kẻ mất của kêu trời khóc đất.
Không ngờ hôm đấy có bốn tên ăn cướp đang lảng vảng ở khu rừng gần đấy. Thấy có hai người bộ hành mang tay nải nặng đi qua, chúng bèn đuổi theo không rời một bước.
Khi hai con mồi đến chỗ vắng, chúng nhảy xổ ra giết chết và cướp lấy tay nải. Nhìn thấy những thỏi vàng sáng chóe, chúng mừng rú lên, vội chia nhau, cứ hai đứa năm thỏi, còn số tiền lẻ bạc vụn thì giao cho hai đứa trong số bốn đứa, đi mua rượu thịt về đánh chén một bữa.
Lại nói chuyện hai tên cướp được cử đi chợ tự nhiên sinh lòng tham, muốn chiếm lấy tất cả số vàng để chia nhau mỗi đứa năm thỏi, chả cần phải cắt phải chặt, cân đi lường lại mất công. Chúng bỗng nảy ra một kế là mua thuốc độc bỏ vào rượu cho hai tên kia uống. Thế là hai đứa vào chợ ăn uống no say, đoạn mua bún lòng và rượu có pha thuốc độc mang về.
Trong khi đó thì hai đứa ở nhà cũng bàn mưu tính kế để độc chiếm số vàng. Cuối cùng chúng quyết định chờ cho hai tên kia về đến nơi, bất thình lình mỗi đứa cầm dao hạ thủ một tên.
Và rồi chúng làm y như lời chúng đã bàn. Vừa đi chợ về đến nơi, hai đứa kia đã bị mỗi đứa một nhát dao vào lưng ngã vật ra. Xong việc, hai tên còn lại mới giở rượu thịt ra đánh chén. Nhưng chỉ một lát, sau khi rượu ngấm, chúng cũng vật vã và nằm chết luôn bên cạnh.
Mười thỏi vàng bỗng trở nên vô chủ. Nhưng chỉ nội ngày hôm đó, một người khách thương tình cờ đi qua chỗ nọ đã nhanh tay chiếm lấy làm của mình. Được món của lớn bên cạnh những xác chết, hắn vội vã tìm về thuyền, và mặc dầu chưa cất được hết hàng, hắn đã sai nhổ neo vượt vội để tránh mọi lôi thôi xảy đến.
Thuyền đi ra biển đến ngày thứ hai thì tự nhiên có một cơn bão nổi lên rất dữ dội. Cột buồm bị gãy và thân thuyền bị sóng đánh vỡ làm nhiều mảnh.
Tất cả mọi thứ đều chìm xuống đáy biển hoặc lọt vào bụng cá. Duy chỉ có một số người ôm được ván và nhờ sóng đánh dạt vào đất liền. Trong số đó có cả người khách thương. Khi được người dân địa phương cứu cho hồi tỉnh, hắn chép miệng than thở:
– Của trời, trời lại lấy đi,Giương đôi mắt ếch làm chi được trời.
Rạch đùi giấu ngọc
Ngày xưa, một ông vua nước ngoài có một viên ngọc vô cùng quý giá. Viên ngọc có hai điều lạ: một là cầm trên tay tưởng chừng rất nhẹ, thế nhưng đặt vào đâu thì ở đấy nặng trĩu; hai là đêm đến ngọc tỏa ánh sáng rực, dẫu cất chỗ kín thế nào đi nữa, ánh sáng vẫn cứ lọt ra ngoài. Từ lúc được làm chủ viên ngọc, nhà vua mừng lắm, đêm ngày ôm ấp không rời.
Nhưng một hôm, ngọc quý bỗng không cánh mà bay. Nhà vua tiếc ngơ tiếc ngẩn, hạ lệnh cho thần dân khắp hang cùng ngõ hẻm phải hết sức dò tìm, tuy vậy vẫn vô hiệu. Mãi về sau, vua sai người đem kính thiên lý ra nhìn, thì mới biết ngọc đã bay về phương Nam.
Lập tức, vua sai một viên đại thần đem năm trăm quân sĩ ngồi lên mấy chiếc thuyền lớn, theo hướng Nam mà đi. Lệnh vua truyền thế nào cũng phải dò tìm bằng được. Sau bao ngày vượt biển tìm tòi, viên đại thần theo dõi kính thiên lý bỗng nhìn thấy viên ngọc bay vụt vào nước Nam, bèn ra lệnh cho quân sĩ cứ hướng ấy đuổi theo.
Bấy giờ ở làng Đại Lại, huyện Gia Bình có một người tên là Điển Chi. Một đêm nọ, ông đang ngồi chơi ở sân, chợt thấy có ánh sáng lạ bay xuống chiếu sáng cả một khu vườn.
Ông lấy làm kinh ngạc, nhưng cũng đánh bạo chạy tới chỗ ấy tìm xem, không ngờ bắt được một viên ngọc. Biết đó là của hiếm trên thế gian, ông mừng quá, vội đưa về nhà cất trong hộp gỗ. Nhưng ông lấy làm lạ khi thấy đêm đến, ánh sáng của viên ngọc vẫn tỏa sáng khắp nhà.
Ông lại cho vào một cái thùng sắt đậy kín, nhưng thùng sắt cũng không đủ sức che kín ánh sáng chói chang. Sợ ngọc có thể bị lộ và về tay người khác mất, ông bèn đào hố chôn đi. Nhưng dầu đào sâu chôn chặt bao nhiêu cũng hoài công vô ích. Đêm đêm, ngọc vẫn phát ra ánh sáng.
Sau nhiều ngày mò mẫm đủ cách, ông mới biết chỉ có bỏ ngọc vào giữa thịt sống thì ánh sáng của ngọc mới được che kín trọn vẹn. Cuối cùng, ông đánh liều cầm dao rạch đùi mình nhét ngọc vào rồi khâu lại. Từ đó chân ông đau tê buốt không đi lại được, nhưng của báu thì hoàn toàn giấu kín không ai biết cả.
Lại nói chuyện quan quân nước ngoài theo dõi dấu ngọc tới vùng Gia Bình thì bỗng mất hút. Kính thiên lý cũng không còn tìm ra. Quan đại thần bèn cho quân sĩ vào dò la khắp miền, nhưng thảy đều vô ích.
“Hẳn có người nào ở vùng này bắt được ngọc biết cách dấu vào da thịt nên ngọc không phát sáng nữa” – Viên đại thần nghĩ vậy. Và ông cố moi óc tìm ra một kế để đưa ngọc về. Ông mới sai quân sĩ dựng rạp trên một hòn đảo giữa sông, rồi giết bò mổ lợn làm tiệc linh đình.
Ảnh minh họa.
Đoạn nhờ quan huyện ở đây mời tất cả nam phụ lão ấu các làng tới dự. Mỗi người đến dự tiệc đều phải đi qua một chiếc bè nứa thả nổi trên sông, nối liền với đảo. Ông còn cắt mấy người đứng đón ở bè nứa, dặn hễ thấy lúc nào có người đi qua, bè chìm thì báo ngay cho ông.
Suốt mấy ngày liền, dân làng các vùng Gia Bình, kể cả dân làng Đại Lại lũ lượt đến ăn tiệc hết lớp này đến lớp khác, nhưng chẳng một ai có sức nặng làm cho bè chìm. Viên đại thần vẫn không nản lòng. Ông cố cho hỏi trong trong đám khách dự tiệc các làng xem may còn sót ai chưa đi chăng. Một người ở làng Đại Lại mách:
– Người làng tôi thiếu mặt họa chỉ có ông Điển Chi vì ông ta gần đây bị đau chân không đi đâu được.
Nghe nói thế, viên đại thần vội sai mấy người lính sắm sửa cáng xá, đến tận nhà ông Điển Chi dặn họ cố dùng lời nói khéo mời ông đi.
Về phần ông Điển Chi, không biết được mưu sâu nên nghe lời mời, liền vui vẻ lên cáng. Quả nhiên, vì có viên ngọc nhét trong đùi cáng ông vừa bước lên bè nứa, thì bè tròng trành dữ dội rồi chìm ngập xuống nước. Thấy vậy, viên đại thần reo lên:
– Ngọc đây rồi! Ta tìm được ngọc đây rồi!
Không thể giấu được nữa, ông Điển Chi đành phải thú thực mọi việc. Viên đại thần nói:
– Hoàng đế nước chúng tôi mất một viên ngọc, hòn ngọc bay sang quý quốc, ông bắt được ngọc đó là một điều may mắn. Chúng tôi không có ý lấy không của ông. Nhưng để có ngọc về nộp hoàng đế, mong ông vui lòng đánh đổi hoặc quan tước, hoặc bạc vàng cho chúng tôi. Ông muốn gì, cũng xin làm cho ông vui lòng.
Thấy bọn quan quân không có gì ác ý, ông Điển Chi bảo họ:
– Hãy chồng tiền vác cao bằng đầu người từ chỗ tôi đứng cho tới nơi nào hòn chì của tôi ném ra dừng lại!
Viên đại thần nước ngoài gật đầu. Cuộc trao đổi giải quyết chóng vánh. Từ đấy, ông Điển Chi trở nên giàu có, trong nước ít người sánh kịp.
Tin ông Điển Chi bỗng nhiên giàu bốc lên bay đến kinh đô. Nhà vua bèn cho đòi ông về kinh hỏi chuyện. Thấy ông tốt số kỳ lạ, vua chọn một công chúa gả cho ông, phong ông làm phò mã.
Hai vợ chồng ông Điển Chi sống với nhau rất tương đắc. Công chúa chiều chuộng ông rất mực. Ông Điển Chi những tưởng đời mình không còn gì sung sướng hơn thế nữa.
Nhưng một hôm, một người bạn nối khố của ông từ phương xa tới thăm. Ông vui vẻ dắt bạn đi khắp nơi xem tư cơ đồ sộ của mình. Thấy bạn luôn miệng tấm tắc khen ngợi, ông có vẻ đắc chí:
– Giàu như tôi mới thật là nhất nước!
Không ngờ câu nói ấy lọt vào tai công chúa. Không chịu được sự ngạo mạn của chồng, trong một lúc giận dữ, công chúa vội vàng về mách cha. Nhà vua không ngăn được cơn thịnh nộ, lập tức cho triệu phò mã về triều và ra lệnh:
– Nhà ngươi tự khoe mình giàu có nhất nước. Được lắm! Bây giờ ngươi hãy thi với ta đem tiền ra phát chẩn cho dân. Ta phát ba ngày đầu, ngươi phát ba ngày cuối. Nếu ta không đủ tiền để phát thì coi như lời ngươi nói đúng, ngươi sẽ không có tội gì cả.
Nhưng nếu ngươi không đủ tiền để phát, thì tức là ngươi đã nói láo, đã khinh mạn “quan gia”, phải phạt tội lột da nhồi trấu để làm gương cho thiên hạ!
Nghe lời truyền dõng dạc, ông Điển Chi khôn xiết kinh hoàng. Ông sụp xuống dưới chân vua kêu xin tha tội. Nhưng nét mặt vua thản nhiên như không nghe thấy. Chẳng biết tính sao nữa, ông đành tuân lời.
Sau những ngày bận rộn chuyển vận tất cả của cải về kinh đô, ông Điển Chi lại ra mắt vua. Cuộc thi bắt đầu. Mấy ngày đầu vua phát chẩn, dân chúng chưa mấy ai biết tin nên đến lĩnh chẩn còn thưa thớt. Cho nên số tiền vua ứng ra vẫn không phát hết.
Nhưng đến lượt ông Điển Chi phát thì khắp nơi dân chúng đã hay tin, nên nô nức tuôn về lĩnh chẩn ùn ùn. Ông Điển Chi phát mãi, phát mãi, vợi hết cả kho tiền mà vẫn không đủ.
Hết tiền, ông lại đem gạo trong kho ra phát, mong có thể cứu được tính mạng. Nhưng không may cho ông, các kho gạo bắt đầu vơi mà dòng người vẫn tuôn về như nước chảy. Vì thế ông đành chịu thua cuộc.
Nhà vua vẫn không chút thương hại chàng rể ngạo mạn. Ông Điển Chi bị quân lính bắt ra lột da nhồi trấu, đem bêu trước cửa thành. Tất cả tài sản còn lại của ông đều bị sung công.
Thấy chồng bị vua cha làm tội, công chúa đâm ra hối hận. “Thì ra ta là gái giết chồng” – câu nói ấy luôn luôn ám ảnh lòng nàng. Rồi một hôm, công chúa giao tất cả ruộng đất của mình cho dân làng, bỏ đi tu. Ngày nay ở làng Đại Lại vẫn còn cánh đồng mà công chúa để lại cho dân, người ta gọi đó là cánh đồng Mả, cũng có người gọi là cánh đồng Ngọc.
Xin chôn ở núi vàng
Xưa có hai vợ chồng một anh nông dân nghèo phát được miếng rẫy [1] ở bìa rừng để trỉa ngô. Khi ngô đã có bắp non thì ngày nào khỉ cũng kéo nhau đến ăn. Vợ chồng anh phải canh giữ rất vất vả.
Một hôm, vợ anh bàn:
– Cứ đà này, chỉ vài hôm nữa, cả rẫy ngô sẽ không còn bắp nào. Bầy khi đông quá, canh giữ mãi không được đâu. Chi bằng chúng ta bẻ nấu ăn non cho đỡ phí.
Người chồng nghe vợ nói có lí liên bằng lòng. Rồi cả hai lên rẫy bẻ bắp, phần thì luộc, phần thì nướng ăn. Ăn no rồi lăn ra ngủ.
Tối đến, bầy khỉ kéo xuống, thấy vợ chồng anh nông dân ngủ say không cựa quậy tưởng rằng họ đã chết bèn hò nhau khiêng đi chôn.
Sáng ra, tỉnh giấc thấy mình nằm dưới chân núi, vợ chồng anh nông dân rất ngạc nhiên. Họ đang bàng hoàng chưa nhận ra lối trở về rẫy thì bỗng xung quanh có nhiều hòn đá óng ánh màu vàng chói.
Ảnh minh họa.
Họ nhặt lên xem thì ra đó chính là vàng khối. Rất mừng rỡ, họ lượm mỗi người một túi rồi vội vã đemvề nhà. Từ đó, họ tậu được ruộng nương, trâu bò và trở nên giàu có.
Láng giêng có một tên phú hộ thấy vợ chồng anh nông dân bỗng chốc trở nên sung sướng, lấy làm thèm khát bèn lân la hỏi chuyện.
Vốn tính thật thà, vợ chồng anh nông dân kể lại đầu đuôi, không giấu giếm điều gì. Nghe xong, tênphú hộ hí hửng ra về.
Sau khi nhỏ to bàn bạc với vợ, hắn đến hỏi mua đám rẫy và sai người nhà trỉa ngô ngay. Chẳng mấy chốc ngô đã trổ cờ, ra bắp. Hai vợ chồng hắn cũng lên rẫy, cũng bẻ bắp nướng và luộc ăn rồi vờ lăn ra ngủ.
Lát sau, bầy khi đến rất đông, chúng thấy hai người nằm im, tưởng họ đã chết lại xúm nhau khiêng đi chôn. Chúng chuyển tay vợ chồng tên phú hộ từ cành này qua cành khác, qua nhiều mỏm núi cao, suối sâu.
Đang lưng chừng suối, chúng dừng lại hỏi nhau nên chôn chỗ nào. Khỉ đầu đàn bảo:
– Nên chôn ở núi bạc, vì đôi vợ chồng trước đã chôn ở núi vàng.
Vợ tên phú hộ nghe vậy, không kìm được máu tham bật kêu lên :
– Chôn núi vàng thôi, đừng chôn núi bạc!
Bầy khi nghe tiếng người, hốt hoắng buông tay, vợ chồng tên phú hộ rơi tõm xuống vực. Bầy khỉ hè nhau chạy trốn.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu truyện cổ tích nhắc nhở chúng ta hãy làm giàu bằng chính sức lao động của mình, và là bài học cho những kẻ tham lam. Đồng thời, cho thấy những người ở hiền thường gặp điều tốt đẹp, còn những kẻ tham lam sẽ luôn chuốc phải tai họa.
Những câu truyện cổ tích nhắc nhở chúng ta hãy làm giàu bằng chính sức lao động của mình, và là bài học cho những kẻ tham lam.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/top-3-cau-chuyen-co-tich-day-be-bai-hoc-ve-long-tham-tu-duong-dao-duc-tot-c59a6004.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/top-3-cau-chuyen-co-tich-day-be-bai-hoc-ve-long-tham-tu-duong-dao-duc-tot-c429a521885.html” name=””]