Một số câu chuyện cổ tích Việt Nam với nội dung hấp dẫn, thú vị, có tác dụng góp phần làm tăng thêm tình yêu và sự gần gũi của trẻ nhỏ với thế giới xung quanh.
Con chó, con mèo và anh chàng nghèo khổ
Ngày xưa có hai mẹ con một anh chàng nhà nghèo rớt mùng tơi. Anh chàng lang thang đi kiếm việc làm nhưng chả có ai thuê cả. Mãi sau có một chủ thuyền buôn thấy anh khỏe mạnh lại biết bơi lội mới thuê làm thủy thủ.
Hắn hứa cho anh cơm một ngày ba bữa và bốn mươi quan tiền trả trước. Anh chàng mừng rỡ tưởng không có hạnh phúc nào hơn thế nữa, vội cầm ba mươi quan đem về cho mẹ tiêu, còn mười quan thì mang theo định để dành may mặc.
Thuyền cất hàng, vượt biển luôn năm ngày đến một thị trấn lớn. Trên bến người mua kẻ bán chen chúc như hội. Bọn thủy thủ bảo chàng:
– Ở đây thứ gì cũng buôn được. Cứ mua một ít đưa về quê nhà bán là tự khắc có lãi.
Anh chàng xưa nay không quen buôn bán nên cầm mười quan tiền trong tay chưa biết nên mua thứ hàng gì. Bỗng chốc anh thấy có một người mang ra bến một con chó bị trói toan vứt xuống sông. Lấy làm thương, anh vội ngăn lại và hỏi duyên cớ.
Người ấy cho biết chó này là của chủ mình. Hôm nay chủ đi chợ mua thịt về dọn tiệc, không rõ cắt đặt thế nào để chó ăn vụng mất cả. Chủ tức giận trói chó đánh một trận thừa sống thiếu chết rồi sai đi buông sông. Nghe kể thế, anh chàng xin mua lại con chó. Người kia cười mà rằng:
– Nó chỉ chuyên môn ăn vụng, anh mua về làm gì?
Chàng đáp:
– Thây kệ, cứ bán cho tôi đi!
Cuối cùng anh chàng xỉa ra ba quan mua lấy con chó, cởi trói cho nó, đoạn xích lại bên chỗ mình làm việc.
Sau đó một chốc, anh lại trông thấy có một người đàn bà mang một con mèo toan vứt xuống sông. Anh chàng vội ngăn lại và hỏi duyên cớ. Khi biết tội trạng của mèo cũng chỉ là ăn vụng, anh nài nỉ để con vật lại cho mình. Thấy người đàn bà khuyên can không nên mua thứ mèo xấu nết, anh không nghe và nói:
– Thây kệ! Chị cứ bán cho tôi đi!
Thế là cuối cùng mèo cũng thoát chết. Và người chủ mới của nó sau khi xỉa ra ba quan để mua, đem buộc lại gần bên con chó.
Ngồi một mình trên thuyền, thấy buồn, anh chàng bèn bỏ thuyền lên bộ đi dạo bờ sông. Bỗng chốc anh thấy có ba đứa trẻ chăn trâu bắt được một con rắn nước, toan dùng roi xử tội. Anh chàng vội chạy lại ngăn cản:
– Các em đừng đánh nó, nó là rắn nước, có làm hại ai đâu?
Ảnh minh họa.
– Mặc kệ chúng tôi. – Bọn trẻ đáp – Chúng tôi bắt được nó, chúng tôi đánh, ông cản làm gì?
Thấy bọn chúng khăng khăng cố tình giết rắn, anh chàng lại dùng tiền để cứu con vật vô tội. Chúng đòi năm quan. Mãi sau anh mới bớt được một. Thế là tất cả số tiền mang theo đều lần lượt vợi đến hết.
Mua được con rắn, anh vội thả xuống sông cho nó trở về xứ sở. Bọn thủy thủ khi nghe anh kể lại những việc mua bán của mình thì đều cười ngất, cho là một người khờ dại ít có. Anh chỉ ngồi lặng yên không nói gì cả.
Khi thuyền bắt đầu trở về, vào khoảng nửa đêm, anh đang chèo bỗng thấy con rắn nước bơi từ dưới sông bơi lên trao cho mình một viên ngọc và nói:
– Cha tôi là Long Vương, cảm ơn anh đã cứu mạng tôi, cho tôi đem biếu anh một viên ngọc “băng xuyên” để mời anh xuống chơi. Mang ngọc vào mình, anh có thể đi được dưới nước cũng dễ dàng như đi trên bộ.
Anh chàng nghe nói vội buông chèo đi theo rắn nước xống Thủy phủ. Quả nhiên, anh được vua Long Vương tiếp đãi rất hậu, tống tiễn ngọc vàng châu báu rất nhiều. Sau đó anh được người của Long Vương đưa về tận nhà.
Chủ thuyền thấy mất hút anh, tưởng anh đã rơi xuống nước, bèn đỗ thuyền lại, lên bộ trình với quan sở tại. Nhưng khi mọi người về đến quê hương thì họ rất lấy làm ngạc nhiên, vì anh thủy thủ trẻ tuổi đã về đến nhà ba ngày trước rồi.
Từ đó anh trở nên giàu có. Nhưng anh vẫn sống một cuộc đời bình thường với người mẹ già. Con chó, con mèo được anh cứu vẫn theo anh không rời. Về sau, anh lấy vợ. Vợ anh là một cô gái đẹp.
Nàng rất thích đeo nữ trang. Thấy viên ngọc “băng xuyên” chiếu sáng một góc tủ, nàng thích lắm nên một hôm lấy mang đến cho một người thợ kim hoàn bảo đánh cho mình một chiếc nhẫn. Không ngờ, người thợ kim hoàn biết là ngọc quý ít có trong thế gian, bèn đi kiếm một viên khác tương tự như thế đánh tráo vào mà cướp lấy bảo vật.
Khi biết rõ chuyện mất cắp, anh chàng thủy thủ trở nên buồn bã. Hàng ngày anh ra bờ sông mong tìm lại con rắn nước nhưng chả làm sao gặp được. Chó và mèo thấy chủ không vui, một hôm nói với chủ xin đi tìm viên ngọc.
Đường đi đến nhà người thợ kim hoàn phải qua một con sông rộng. Không có cách gì vượt qua cả, hai con vật cứ loanh quanh ở trên bờ. Về sau chúng tìm được vào nhà một con rái cá.
Chúng kể sự tình cho rái cá nghe và nhờ nó đưa giúp qua sông. Rái cá vui lòng gọi các bạn bè của nó đứng sát vào nhau, kết thành một cái bè cho chó và mèo ngồi lên lưng, chở qua sông yên lành.
Khi đến nhà người thợ kim hoàn, mèo bảo chó:
– Để tôi trèo lên nóc nhà kêu lên mấy tiếng cho những con chó trong nhà xúm lại sủa. Thế là anh cứ đường hoàng theo cổng mà vào không ai biết.
Quả nhiên, bầy chó nhà của người thợ kim hoàn nghe mấy tiếng mèo kêu vội xông ra đuổi. Mèo dẫn chúng đi thật xa nên chó ta lẻn vào nấp dưới một cái hầm, vô sự.
Khi hai con vật gặp lại nhau, chúng tìm tòi khắp trong nhà. Tất cả của cải của lão thợ kim hoàn đều bỏ trong một cái rương xe, luôn luôn khóa kín, không dễ gì lọt vào được. Mèo bèn cố sức tìm tòi, chụp bắt được một con chuột. Chuột van lạy xin tha mạng.
Mèo bảo nó dẫn mình đến gặp chuột chúa đàn. Mèo nói rõ cho chuột chúa biết việc mình đến đây, và nhờ hắn giúp mình lấy cho được viên ngọc, đổi lại, mèo hứa sẽ luôn luôn để ý không phạm đến tôn tộc nhà chuột ở đấy. Chuột chúa đàn vâng lời ngay:
– Để tôi bảo lũ con cháu, tôi tớ trong nhà khoét chiếc rương của nó ra, tìm cho các ông.
Nhưng đến khi lọt được vào trong rương, lũ chuột tìm mãi vẫn không thấy ngọc. Chuột chúa đàn ra báo lại cho mèo biết, và nói:
– Trong rương này có một cái hộp bằng bạc. Có lẽ nó giấu ngọc trong đó; cái hộp đó thì khó lòng mà gặm được.
– Vậy làm thế nào bây giờ? – Mèo hỏi.
– Chỉ có cách là chúng tôi sẽ nhờ xóm giềng hợp sức cùng chúng tôi khoét rộng lỗ thủng làm sao đưa lọt cái hộp ấy ra đây cho các ông tìm.
– Thế thì làm gấp lên đi!
Chỉ trong một đêm, cả xóm nhà chuột đã gặm nát rương, lấy được cái hộp đưa ra cho mèo. Hai con vật tìm cách phá hộp ra, quả thấy viên ngọc của chủ. Chúng vô cùng mừng rỡ.
Sau khi ra khỏi nhà người thợ kim hoàn, chó tranh mèo mang ngọc. Nhưng đến lúc sắp sửa sang sông, vì mắng nhau với một con chó khác, nên chó đã để ngọc văng xuống nước. Một con cá trông thấy ngọc sáng vội bơi tới đớp và nuốt ngay.
Thấy chó để mất ngọc, mèo giận quá mắng chó một trận thậm tệ. Chó biết lỗi, lặng thinh, cuối cùng mếu máo:
– Biết làm sao bây giờ?
Suy nghĩ một lát, mèo tìm được một kế bảo chó:
– Chúng ta sẽ tìm đến một nhà thuyền chài ở vùng này xin ở với họ. Thế rồi chờ khi họ câu được con cá đã nuốt viên ngọc thì sẽ kiếm cách cướp lấy đem về.
Chó khen mưu kế hay, bèn cùng mèo tìm đến một gia đình ông chài đang đỗ thuyền lại ở bờ sông phơi lưới. Hai con vật cỏ ra rất khôn ngoan, hiền lành nên được cả nhà đối đãi tử tế.
Mấy hôm sau, ông chài đánh mẻ lưới được một con cá chày rất lớn, mổ ruột ra, thấy có viên ngọc. Chó và mèo khấp khởi mừng thầm. Trong khi cả nhà đang trao ngọc cho nhau để xem của lạ, thì mèo nhẹ nhàng tiến lại cọ người vào chân chủ.
Nhân khi chủ sơ ý, nó nhảy lên ngoạm lấy viên ngọc và lập tức cong đuôi nhảy lên bờ chạy mất. Thấy thế, chó cũng ba chân bốn cẳng chạy theo làm mấy bố con ông chài ngơ ngác chẳng hiểu vì sao.
Lần này mèo tranh chó mang ngọc. Mèo lên mặt khôn, bảo chó:
– Lần trước ngậm bị rơi mất, lần này có cách rất hay là đội lên đầu. Sắp đến nhà rồi, chả sợ gì nữa.
Nó nói thế nào thì làm như thế.
Nào ngờ mới đi được một quãng đường, bấy giờ có một con quạ đang bay trên không trung, nhác thấy có cái gì lấp lánh trên đầu mèo, thình lình sà xuống đớp lấy rồi bay lên đậu trên cành cây cao. Thấy ngọc lại mất, chó đến lượt mắng chửi mèo rất dữ, rồi nói:
– Ngọc rơi xuống nước còn có thể lấy được, chứ bay lên trời thì đừng có hòng.
Mèo buồn rầu, nhưng ngẫm nghĩ một lát, nó lại bảo chó:
– Đúng rồi. Tôi đã nghĩ ra được một kế.
Chó hỏi:
– Kế gì?
Đáp:
– Giả chết bắt quạ.
Nói xong mèo chạy xuống bờ sông uống một bụng nước đầy căng. Đoạn trở về xua chó trốn đi một chỗ, còn mình thì tới nằm dưới gốc cây phơi bụng trắng hếu giả vờ chết.
Quạ đang ngậm ngọc đậu trên ngọn cây nhìn xuống thoáng thấy có bóng con vật chết, vội vàng bay xuống toan rỉa thịt. Nhưng khi quạ vừa đáp tới thì mèo đã nhảy xổ lên vồ lấy quạ. Quạ van lạy xin trả lại viên ngọc cho mèo để được tha mạng. Mèo chỉ đợi có thế, ngoạm lấy viên ngọc, ra đi.
Lần này, cả hai con đưa ngọc về đến nhà vẹn toàn. Anh chàng thủy thủ lấy lại được món tặng vật của Long Vương hết sức vui mừng. Anh càng thêm quý mến hai con vật có tình có nghĩa.
Hai bảy mười ba
Ngày xưa, ở huyện Hà Đông thuộc tỉnh Quảng có hai vợ chồng nhà nọ, chồng quen thói lấn lướt vợ, nhưng vợ cũng không phải tay vừa.
Một hôm nhà có giỗ. Người vợ nấu một nồi chè để cúng. Chè nấu xong, vợ lần lượt múc vào bát. Nhưng vì mâm ở bếp còn bận, nên vợ cứ hai tay hai bát bưng lên cho chồng bày lên bàn thờ. Cứ như thế, vợ lần lượt bưng đến bảy chuyến mới hết. Vợ lẩm bẩm một mình:
– Bảy chuyến vị chi là mười bốn bát.
Chồng xếp tới xếp lui mấy bát chè vào lòng mâm trên bàn thờ. Cuối cùng thấy thừa một bát, xếp gọn thế nào cũng không để lọt. Bụng bảo dạ: “Chẳng lẽ lại đặt nó lẻ loi ra ngoài mâm. Thôi, sẵn dịp vắng vẻ không có ai, ta hãy nếm thử, chắc vợ mình cũng chẳng đếm đâu mà biết”.
Nghĩ vậy, nhân lúc vợ còn loay hoay sau nhà, chồng bèn lấy bát chè thừa đưa ra sau bàn thờ húp lấy húp để. Húp xong, hắn ra bể cạn rửa, rồi đi vào bếp úp cái bát sạch vào rổ. Đoạn trở lên nhà trên làm nốt công việc khác.
Đến chừng cúng xong, bưng mâm chè xuống, người vợ ngẩn ra khi thấy đếm đi đếm lại mấy lần vẫn cứ thiếu một bát chè. Vợ tự hỏi: “Quái, chắc là chồng ta ăn, hay là trong khi xếp làm đổ mất một. Ta phải tìm cho ra lẽ mới được”. Nghĩ vậy vợ bèn hỏi chồng:
– Tại sao lại thiếu một bát chè?
Chồng làm ra vẻ tự nhiên:
– Ủa, mình bưng lên bao nhiêu thì tôi bày ra bấy nhiêu đó.
Vợ phân trần:
– Tôi bưng lên cả thảy là bảy lần, mỗi lần hai bát, hai bảy mười bốn. Đầu đuôi là thế. Tại sao bây giờ chỉ còn mười ba?
Chồng không ngờ vợ đã có đếm hằn hoi, nhưng chẳng lẽ bây giờ lại nhận là mình ăn thì đâm ngượng. “Nhận mình ăn cũng chẳng sao, nhưng có nhận thì nhận ngay từ đầu, để đến bây giờ đã muộn”. Bèn làm mặt giận:
– Tôi biết đâu đấy. Hay là mình nghi cho tôi ăn chăng?
Vợ không nhịn được:
– Còn gì nữa. Trong nhà lúc ấy chỉ có tôi với mình, con thì đi vắng. Vậy chẳng lẽ ai vào đây mà nuốt mất bát chè.
Đến đây chồng đỏ mặt tía tai, sừng sộ:
– Mày bảo tao ăn thì tang chứng đâu? À, quân này láo!
Nói rồi chồng sấn lại. Vợ không xuống nước, nhất quyết đổ riệt cho chồng ăn vụng. Thế là một cuộc xô xát xảy ra giữa hai người, đi liền theo là mâm bát đổ vỡ, bàn ghế xiêu vẹo. Bữa giỗ vì thế không những mất ngon mà còn thiệt hại cả đơn lẫn kép.
Thấy mình nắm chắc phần đúng trong tay, không ngờ kết quả lại đến thế, người vợ vừa đau thân vừa giận đời, bèn phát đơn kiện lên quan.
Ảnh minh họa.
Biết vậy, người chồng từ chỗ hung hăng chuyển sang lo lắng. Hắn nghĩ bụng: “Nếu nó làm ra chuyện thì chuyến này không những xấu hổ với bà con làng xóm, mà rồi đây còn khó ăn khó nói với con cái trong nhà!”. Hắn bèn mang lễ vật lên lo lót quan, xin quan gỡ cho để khỏi “mất mặt”. Nhìn món lễ vật hậu hĩ, quan gật gù:
– Được được, ta sẽ lo cho êm thắm.
Hôm ra trước công đường, sau khi nghe nguyên cáo trình bày, quan phán:
– Giỗ là giỗ ông bà nhà nó, không lẽ nó lại thất lễ với ông bà. Hơn nữa hai bảy không nhất thiết là mười bốn, cũng có khi hai bảy mười ba kia đấy. Này, hãy ngước mắt nhìn những đường đòn tay trên mái công đường mà xem.
Mái trước bảy đường, mái sau cũng bảy đường. Vậy mà hai bảy chỉ có mười ba thôi. Đó, cả vợ lẫn chồng hãy mở to con mắt thử đếm xem có đích là hai bảy mười ba không?
Vợ chồng cùng ngửa mặt lên nhìn. Chồng chịu là quan có tài. Nhưng vợ thì còn muốn cãi lại. Quan đập bàn phán tiếp:
– Thánh nhân có nói: “Phu xướng phụ tùy”. Vợ chồng chúng bay hãy dẫn nhau về ăn ở hòa thuận, đừng có bày điều kiện tụng làm cho thiên hạ chê cười. Lần này ta tha cho, lần sau tái phạm ta sẽ phạt nặng.
Nói rồi thét lính đuổi cả vợ lẫn chồng ra khỏi công đường.
Khi họ về đến nhà, bà con xóm giềng tới hỏi thăm. Giữa lúc người chồng hoa chân múa tay có vẻ thích chí, thì người vợ than:
– Nực cười ông huyện Hà Đông,Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba.Không nghe tan cửa hại nhà,Nghe thì hai bảy mười ba cực lòng.
Người ta còn nói câu tục ngữ: “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” là do truyện trên mà ra.
Chàng ngốc học khôn
Ngày xưa, ở một làng nọ có anh chàng Ngốc bố mẹ mất sớm. Ngày bố mẹ anh còn sống có cưới cho anh một người vợ và để lại cho hai vợ chồng một ngôi nhà, một đám vườn và vài sào ruộng. Nhưng thấy Ngốc đần độn, vợ anh có ý định bỏ anh đi lấy người khác. Cho nên, sau khi bố mẹ chồng nối nhau qua đời, vợ Ngốc cũng bỏ về nhà bố mẹ đẻ hơn một năm trời không trở lại.
Giữa lúc ấy có một thầy khóa góa vợ, thấy vợ Ngốc coi được thì muốn lấy tranh. Bố mẹ vợ Ngốc vốn ham của và ham chức vị nên hối hả nhận lời. Bèn bảo chàng rể mới cứ chuẩn bị lễ vật rồi làm lễ cưới bừa, dù Ngốc có biết cũng không hơi sức đâu mà kiện tụng, vả chăng anh em họ hàng nhà Ngốc chẳng còn có ai để mà bày vẽ.
Về phía Ngốc, tuy bị vợ bỏ, nhưng anh cũng không biết làm thế nào để khuyên dỗ vợ trở lại với mình, cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện thưa kiện, vì đối với anh, việc đó to lớn rắc rối quá, y như chim chích lạc vào rừng vậy.
Lật đật mà ngày cưới của đôi bên đã đến. Ngốc ta tuy biết, nhưng chẳng có ai bày mưu tính kế, nên anh cũng cứ để mặc. Mãi đến trước ngày cưới một hôm, một người đàn bà xóm giềng thương hại Ngốc, bèn đến báo tin:
– Này anh kia, anh sắp mất vợ đến nơi rồi. Chỉ nội nhật ngày kia là chúng nó làm lễ cưới đấy. Anh có biết gì không?
– Có biết. – Ngốc đáp.
– Thế tại sao anh không làm cách gì để trị cho chúng một mẻ?
– Tôi có biết cách gì đâu, làm thế nào bây giờ?
– Không biết thì phải đi học khôn với người ta chứ!
Qua ngày mai, chàng Ngốc dậy sớm quyết định đi học khôn một phen như lời bà láng giềng khuyên bảo. Anh cứ thẳng đường đi mãi. Khi mặt trời đã lên cao, anh vẫn chưa có dịp học được cái gì, vì mọi người còn bận công việc làm ăn của họ. Qua một bãi cỏ rộng, anh thấy một lũ trẻ chăn trâu đang chơi đùa vui vẻ. Anh sán lại gần, bỗng nghe một đứa nói:
– Thênh thênh ngồi đám cỏ xanh hơn ngồi chiếu hoa.
Ngốc ta thấy câu nói hay hay, liền lẩm nhẩm học thuộc lòng.
Anh lại đi thêm một đoạn đường dài. Đến một bờ ruộng, anh thấy có một người đang lom khom bắt chuột. Người ấy hì hục đào lỗ, đặt hom, rồi đốt một nắm rạ, quạt khói vào hang. Bỗng có một con chuột từ trong hang thò đầu ra khỏi lỗ sắp chui vào hom, nhưng thấy bóng người, lại thụt trở vào. Người kia giơ ngón tay chỉ và nói:
– Thập thò, thập thò, lo chẳng chết!.
Ngốc ta thấy câu nói hay hay lại lẩm nhẩm học thuộc.
Bỏ người bắt chuột, chàng Ngốc lại tiếp lục cuộc hành trình. Qua một cánh đồng khác, anh nhìn thấy có hai người lực điền tát nước, đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, hút thuốc. Người này bảo người kia:
– Thượng điều tích thủy, hạ điền khan.
Ảnh minh họa.
Ngốc ta cho là câu nói hay, lại lẩm nhẩm học thuộc.
Bấy giờ trời đã trưa, anh lại đi thêm một đoạn đường nữa. Trước mặt anh là dòng sông nước chảy xiết. Giữa sông, anh nhìn thấy có một cái bè gỗ đang xuôi dòng. Một ông lão mà anh gặp đứng ở trên đồi nhìn xuống cái bè, rồi bỗng chốc thốt lên một câu:
– Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố.
Ngốc ta cho là câu nói hay quá, lại lẩm nhẩm học thuộc.
Buổi chiều, trên đường về, anh đi qua một hàng cơm. Có hai người từ trong cửa hàng bước ra, mặt đỏ gay, đang chuyện trò với nhau rôm rả. Sau đó một lát, họ từ giã nhau, người này nói với người kia:
– Thôi, cơm no rượu say, tôi xin vô phép, mai ta lên quan sớm.
Ngốc ta lại học thuộc lòng câu này. Cho như thế là đã đủ, và đi bộ suốt ngày đã mệt, bụng lại đói, chàng Ngốc bèn trở về nhà thổi cơm ăn, rồi lên giường nằm nhẩm lại những câu vừa học. Đoạn ngủ quên lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, chàng Ngốc ăn mặc chỉnh tề đi sang nhà bố mẹ vợ.
Khi đến nơi đã thấy khách khứa tấp nập, cỗ bàn bày la liệt, hai họ đang chia nhau ngồi vào tiệc. Ngốc ta chẳng nói chẳng rằng bước vào cổng.
Một người nhà chạy vào loan báo cho bố mẹ vợ Ngốc và chàng rể mới biết là chàng rể cũ tự nhiên không mời mà đến. Mọi người cười ồ tỏ ý khinh thường, nhưng cũng bảo người nhà ra mời Ngốc vào xem hắn ta định làm gì cho biết. Họ ngạc nhiên thấy Ngốc ung dung ngồi phịch xuống một đám cỏ trước sân, vừa ngồi vừa nói câu nói thứ nhất học được ngày hôm qua:
– Thênh thênh ngồi đám cỏ xanh hơn ngồi chiếu hoa.
Cho rằng lời nói đó có ngụ ý thách thức, nhiều người từ chỗ coi thường Ngốc chuyển sang lo lắng. Họ bèn đứng lố nhố ở cửa nhìn ra để dò thái độ. Ngốc đang ngồi, nhìn thấy họ, sực nhớ tới câu thứ hai đã học được, liền chỉ ngón tay vào nhà mà nói:
– Thập thò, thập thò, lo chẳng chết!
Từ lo lắng, mọi người chuyển sang sợ sệt khi cảm thấy trong câu nói thứ hai của Ngốc không phải chỉ là sự thách thức mà còn có ý đe dọa.
Thầy khóa hết đứng lại ngồi, rấm rứt như sắp có tai vạ. Hắn bảo bố vợ:
– Thằng này không phải ngốc nghếch như bố tưởng. Con cho rằng nó đang có âm mưu gì đây.
Nhưng người bố vợ thì vẫn coi thường Ngốc, đáp:
– Con đừng lo. Nó ù lì như một hòn đá. Bố dám đoan với con rằng nó chẳng có phá đám gì đâu!
Tuy nhiên, ông cũng ra lệnh cho mời chàng Ngốc vào nhà, nhưng chỉ đưa anh vào ngồi ở những mâm phía dưới dành cho kẻ hầu người hạ. Đó là hạng cỗ xoàng đã không có nem, mọc, giò, chả, lại cũng không có rượu. Họ thấy Ngốc ta vui vẻ bước vào ngồi lên chiếu. Và sẵn đói bụng, anh cầm đũa bát ăn rất ngon lành. Bố vợ bảo nhỏ chàng rể mới:
– Con thấy không. Thậm chí nó cũng không biết nhục. Bố nói có sai đâu mà.
Nhưng đang ăn, Ngốc ta cũng không quên câu nói thứ ba đã học được, nên anh ngừng lại, mỉm cười nói:
– Thượng điền tích thủy, hạ điền khan.
Nghe câu đòi rượu uống một cách rất văn hoa, thầy khóa sợ xanh cả mắt. Hắn bụng bảo dạ: “Nó nói được những câu như thế thì nhất định nó không chịu để mất vợ đâu, chỉ tại lão già khuyên dỗ, một hai nói nó chẳng biết gì. Thực ra nó đâu có ngốc như người ta tưởng. Việc này rồi sẽ lôi thôi to. Cái bằng khóa sinh không khéo bị lột mất, vì ta đã phạm đến danh giáo”.
Nghĩ vậy, hắn biết là dại, liền hầm hầm làm mặt giận, bỏ ra về. Thấy chàng rể mới toan bỏ dở cuộc, bố vợ chạy ra cố sức níu hắn lại, bảo:
– Con cứ nghe bố ngồi lại mà tổ chức cho xong đám cưới. Nó là thằng ngốc, nó nói gì thì nó cũng không thể làm được gì sất.
Những người khác cũng chạy ra giữ thầy khóa ở lại. Trong khi kẻ lôi người kéo ngoài sân thì ở trong nhà người ta bưng rượu đến cho Ngốc. Cầm chén rượu, Ngốc ta sực nhớ tới câu thứ tư, anh nói ngay:
– Đại mộc lưu giang bất đắc hồi cố!
Thầy khóa đang chần chừ, nửa muốn về nửa muốn ở lại, chợt nghe câu nói ấy, liền bước thẳng ra cổng không ngoái cổ lại, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Nó “chửi chữ” mình đấy! Thế mà ông lão cứ một hai bảo nó ngốc đặc.
Thấy Ngốc ăn nói khôn ngoan khác trước, người bố vợ lúc này mới chột dạ, sai người ra tiếp Ngốc tử tế. Sau khi uống mấy chén rượu mặt đã đỏ gay, chàng Ngốc đặt đũa đứng dậy ra về. Đến sân, anh còn ngoảnh lại nói nốt câu nói cuối cùng:
– Thôi, cơm no rượu say, tôi xin vô phép. Mai ta lên quan sớm!
Cả nhà nghe câu nói dõng dạc bao nhiêu hồn vía đều lên mây.
– Thằng này nó dọa đi kiện đây! Chắc đã có đứa nào làm thầy cho nó. Đành phải bảo con gái trở về với nó, không thì oan gia.
Tuy nghĩ vậy, bố vợ Ngốc vẫn chưa tin là Ngốc đã có thể biết đường kiện cáo, bèn cho tên người nhà là Kềnh chạy sang nhà Ngốc rình xem Ngốc làm gì để biết mà lo liệu.
Chàng Ngốc từ nhà bố mẹ vợ trở về đánh một giác ngủ say. Khi tỉnh dậy thấy trong người ngứa ngáy khó chịu, liền cởi áo xoay trần bắt rận.
Giữa lúc đó Kềnh đã lén tới trèo lên một cây ổi ở góc vườn, nhìn vào cửa sổ để nghe ngóng. Hắn chỉ thấy Ngốc quay lưng về phía mình, người đang cúi xuống trước một vật gì trăng trắng. Kềnh bụng bảo dạ: “Có lẽ hắn đang viết đơn kiện”. Trong lòng hồi hộp, Kềnh nín thở lắng tai nghe. Lúc này, Ngốc ta bắt được hai con rận lớn, bèn reo lên:
– A! Thằng Đực và con Cái! Phải giết chúng mày mới được!
Kềnh giật thót mình. Hắn lo sợ đến tái mặt. Vì Đực và Cái chính là tên vợ chồng lão chủ nhà hắn. Hắn nói thầm:
– Như vậy là hắn đã viết tên ông bà chủ mình vào đơn.
Kế đó, Kềnh lại nghe tiếng Ngốc nói:
– Lại thằng Béo, giết.
Béo là tên thây khóa. Kềnh vẫn cố lắng tai nghe. Tiếng của Ngốc lại vọng ra:
– Lại con Lớn, giết.
Lớn là tên vợ Ngốc. Kềnh vẫn lắng tai. Lại có tiếng của Ngốc:
– À! Thằng Kềnh! Giết, giết.
Kềnh sửng sốt: “Không ngờ hắn viết cả tên mình vào đơn. Thật là tai vạ”. Bèn tụt xuống đất rồi chạy vào nhà van lạy, nước mắt giàn giụa:
– Thưa ông, ông tha cho con. Việc gả bán là ở ông bà chủ của con và thầy khóa cả. Phận con là đầy tớ, có biết gì đâu. Xin ông sinh phúc tha cho, đừng viết tên con vào đơn! Ngốc nói:
– Vậy thì, mày hãy về bảo với ông bà phải trả vợ cho tao.
Nghe nói, Kềnh ba chân bốn cũng chạy về. Đến nhà, hắn vừa thở hổn hển vừa kể lại mọi việc. Mẹ vợ Ngốc bảo chồng:
– Thôi ông ạ! Vô phúc đáo tụng đình! Bảo con chịu khó trở về với nó đi thôi. Trả lễ lại cho thầy khóa! Đừng để của trong nhà tự dưng vô cố đội nón ra đi!
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Một số câu chuyện cổ tích Việt Nam với nội dung hấp dẫn, thú vị, có tác dụng góp phần làm tăng thêm tình yêu và sự gần gũi của trẻ nhỏ với thế giới xung quanh.
Một số câu chuyện cổ tích góp phần làm tăng thêm tình yêu và sự gần gũi của trẻ nhỏ với thế giới xung quanh.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/top-3-cau-truyen-co-tich-ngay-xua-hay-nhat-me-hay-ke-con-nghe-it-nhat-mot-lan-c59a5540.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/top-3-cau-truyen-co-tich-ngay-xua-hay-nhat-me-hay-ke-con-nghe-it-nhat-mot-lan-c429a520845.html” name=””]