Những câu truyện ngụ ngôn thú vị nhất dành cho thiếu nhi, mang đầy ý nghĩa, nhân văn sâu sắc.
Điều đặc biệt từ những câu chuyện ngụ ngôn là gửi gắm những tư tưởng của tác giả chủ yếu là châm biếm, hoặc phê phán một lối sống tiêu cực của con người.
Những câu chuyện ngụ ngôn có rất nhiều trên thế giới, phong phú về hình thức thể hiện lẫn nội dung truyền tải. Dưới đây là top 4 cậu chuyện ngụ ngôn tiêu biểu, mẹ nên kể cho các bé nghe.
Trạng Lợn xem bói
Chung Nhi đến kinh, mở một ngôi hàng xem bói. Thế nào lại gặp hai ông bạn đồng hành khi trước vào nhờ xem một quẻ. Ba người gặp nhau vui mừng khôn xiết. Hai người bạn kia liền bảo Chung Nhi gieo cho một quẻ xem phận rồng mây phen này thế nào. Chung Nhi khấn khứa, xem quẻ rồi đoán:
– Trong quẻ này Thánh dạy: “Quần long vô chủ” tất kỳ thi năm nay hoãn.
Thì ra mấy hôm trước, có hai vị quan đến xem bói nói chuyện riêng với nhau để lộ ra. Chung Nhi nghe lỏm được nên mới dám đoán già như thế. Hai người bạn, tuy biết tài Chung Nhi nhưng trong lòng thì chưa tin lắm, còn những người xem bói khác thì hoàn toàn bảo lão thầy bói nói láo.
Khi sắp đến kỳ thi, quả nhiên có giấy niêm yết báo hoãn. Ai nấy giật mình, cho Chung Nhi là bậc tiên tri. Từ đó tiếng đồn gần xa, khắp kinh kỳ rủ nhau đến xem bói đông nghìn nghịt…
Một hôm, quan Thượng thư bộ Binh lạc mất con thiên lý mã. Quan tiếc lắm, vì là con ngựa rất quý. Nghe đồn có thầy bói giỏi, quan sai cho gọi Chung Nhi vào dinh. Nằm trong dinh quan Thượng, được cung phụng đầy đủ mọi thứ, nhưng Chung Nhi lo lắm, ăn không ngon, ngủ không yên giấc, trằn trọc suốt đêm, bụng luôn nghĩ đến chuyện mất ngựa.
Bất giác Chung Nhi nhớ đến mấy câu trong “Tam tự kinh” học hồi còn nhỏ, liền ngâm to lên cho khuây khỏa: “Mã ngưu dương, thử lục súc, nhân sở tự…”.
Ảnh minh họa.
Chẳng dè tên lính hầu trong dinh đúng là tên trộm ngựa. Khi mới nghe tin quan Thượng mời Chung Nhi vào, hắn đã lo, nên ngày đêm lai vãng gần đó để nghe ngóng. Đêm hôm ấy, hắn chui xuống gầm giường Chung Nhi nằm, xem động tĩnh ra sao, đương hồi hộp đợi chờ, bỗng nghe thấy Chung Nhi đọc vanh vách nào là “mã” với “tự”.
“Mã” là ngựa, còn “tự” thì đúng là tên hắn. Hắn sợ quá, cho là Chung Nhi đã hô đích danh mình rồi, bèn lóp ngóp bò ra khỏi gầm giường, vừa vái vừa kêu, xin khai hết sự thật, nhưng xin Chung Nhi đừng nói rõ tên với quan Thượng. Chung Nhi được thể, thét bảo:
– Ừ, mày lấy trộm ngựa ngày nào, giờ nào, bây giờ giấu ngựa ở đâu? Muốn sống khai ra ngay, không tao hô lên tất cả đến đây thì khó mà cứu vãn đó!
Tên ăn trộm khai hết đầu đuôi. Hôm sau, Chung Nhi vào hầu quan Thượng, giả cách khấn khứa gieo quẻ, rồi cứ lời tên kẻ trộm khai mà nói ra vanh vách. Quan cho người đến tận nơi, quả thấy ngựa quý, mừng lắm, thưởng cho Chung Nhi rất nhiều vàng bạc. Từ đó, tiếng tăm Chung Nhi càng lừng lẫy, ai ai cũng gọi chàng là Trạng.. bói!!!
Con Công và làng chim
Một hôm làng chim hội họp cùng nhau nhất định cất một người lên làm đàn anh để chủ trương mọi việc trong làng.
Đủ mặt: nào anh Diệc, anh Cò, nào anh Giang, anh Sếu, nào anh Cốc, anh Vạc, nào anh Hạc, anh Công, cả đến anh Ngỗng, anh Vịt, anh Ri, anh Sẻ, không thiếu một anh nào.
Nhiều anh cất tiếng xin làng cử anh Cò lên làm chủ.
Anh Cò nghe nói, vội vàng từ chối rằng:
– Các anh coi tôi: khăn trắng, áo trắng thật không xứng đáng chút nào. Đây có anh Diệc, sức dài vai rộng, tôi xin nhường.
Diệc nghe nói, cũng mau miệng chối từ rằng:
– Các anh đã biết: Mình tôi lẳng khẳng, tính tôi ương ương. Tôi nói chẳng ai nghe, sợ sau nó sinh ra lắm chuyện. Đây có anh Công, trong nhà giàu có, quần xanh, áo tía, thật đáng làm anh, làng ta nên thuận tình bầu anh ra làm việc.
Ảnh minh họa.
Công nghe nói đến mình, lấy làm hả dạ chạy ra giữa đám giương cánh, xòe đuôi, múa may, ưỡn ẹo, rồi thưa với làng rằng:
– Làng đã bảo đến, biết tránh làm sao. Vậy những ông nào thuận tình cử tôi, thì xin ký kết vào giấy.
Công nói ra dáng tự đắc và chắc mình lắm.
Không ngờ, bao nhiêu loài chim đồng thanh nói to lên rằng:
– Cái đuôi anh xòe, chúng tôi chịu là đẹp thật. Nhưng cái đầu bé nhỏ, trông nó loắt choắt làm sao, anh làm đàn anh chúng tôi không được. Làng bảo thì bảo, chớ chúng tôi không thuận.
Công thấy thế, chữa thẹn nói rằng:
– Việc làng đã thuận, kẻ nói thì có người nghe. Ai ngờ, người nghe thì ít mà người chê lại nhiều. Thật tôi lấy làm xấu hổ cho tôi và cả làng chim tôi nữa.
Làng chim nhao nhao không ai thèm nghe Công, liền giải tán tức thì. Công cụp đuôi, thu cánh, lủi vào một xó, vừa lủi, vừa kêu “Xấu hổ! Xấu hổ!”. Và rồi từ ngày ấy đến nay vẫn còn nguyên hai tiếng kêu “xấu hổ” mãi.
Hai chú gấu tham ăn
Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng rậm nọ chưa từng có ai đặt chân đến, có một con gấu mẹ và hai chú gấu con. Gấu mẹ đã già rồi, nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi đi kiếm ăn về nuôi hai con của mình.
Thương mẹ vất vả, hai chú gấu con liền bảo:
– Mẹ ơi, chúng con giờ cũng đã lớn rồi. Ngày mai, mẹ cho phép anh em con ra ngoài, tự đi kiếm thức ăn nhé!
Thấy hai con đã có ý thức tự lập, gấu mẹ mừng lắm. Ôm hai anh em vào lòng và căn dặn rất nhiều thứ. Lần đầu hai con tự ra ngoài kiếm ăn, trong lòng gấu mẹ tuy có nhiều lo lắng, nhưng cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Sáng sớm hôm sau, hai anh em gấu chào mẹ ra đi. Dọc đường, chúng thấy rất nhiều điều lạ lẫm và thú vị mà ở nhà chưa từng biết đến. Từng đàn bớm xanh bướm đỏ dập dờn bay qua chọc ghẹo, ngay cả những bông hoa rực rỡ trong rừng cũng thi nhau tỏa hương thơm như mời gọi hai chú gấu nán lại cùng chơi.
Hai anh em mải mê khám phá thế giới và chơi đùa đến chiều. Khi bắt đầu thấm mệt, cơn đói ập đến cồn cào ruột gan. Bỗng chúng nhìn thấy một miếng pho mát to bên đường. Cả hai reo lên sung sướng.
Thế rồi hai chú gấu lao đến, cùng vồ vào miếng pho mát. Chúng định chia thành hai phần bằng nhau. Nhưng lòng tham nổi lên, hễ chú này định bẻ đôi ra thì chú kia lại giật lại vì sợ bị thiệt thòi nhận phần ít.
Hai anh em quên mất lời mẹ dặn, không ai chịu nhường ai. Lúc đầu còn nói nhẹ nhàng, sau bắt đầu đầu to tiếng và tranh giành nhau kịch liệt.
Đúng lúc ấy, có một con cáo già đi qua, nghe thấy tiếng ồn ào, nó liền đứng lại hỏi:
– Hai cậu có việc gì mà sao lại to tiếng với nhau thế?
Hai chú gấu tham ăn kể lại đầu đuôi câu chuyện cho cáo nghe. Vốn bản tính gian xảo, sống lõi đời trong khu rừng này, cáo cười và nói:
– Tưởng chuyện gì to lớn. Hai cậu đưa đây, tôi chia giúp cho. Đảm bảo sẽ được hai phần đều nhau, không hơn không kém.
Hai anh em gấu nghe thế, reo lên đầy mừng rỡ:
– Hay quá! Thế nhờ bác chia hộ chúng cháu với ạ!
Cáo cầm trên tay miếng pho mát bẻ ra làm đôi. Nhưng nó cố ý bẻ ra làm hai phần to nhỏ rõ rệt. Gấu anh nhìn thấy, kêu lên:
– Phần này to hơn rồi bác ơi!
Cáo già gian xảo đáp lại:
– Không sao! Không sao! Tôi sửa lại một chút là sẽ đều ngay ấy mà!
Ảnh minh họa.
Nói xong, cáo liền đưa phần pho mát to hơn lên miệng, ngoạm một miếng thật lớn và nhai ngấu nghiến. Miếng pho mát to lại trở thành phần nhỏ. Lần này, đến lượt gấu em kêu lên:
– Không phải! Chúng lại không bằng nhau rồi!
Cáo già liếm mép, nhìn hai chú gấu tham ăn, tỏ vẻ thông cảm:
– Đừng lo! Tôi chữa lại một chút là chúng sẽ đều ngay.
Thế là cáo lại há mồm ngoạm một miếng nữa thật to vào phần pho mát lớn hơn. Phần này lại trở thành miếng nhỏ.
Hai chú gấu thấy vậy, đồng thành thanh gào lên:
– Lại không đều! Hai phần lại không đều nhau rồi!
Cáo nhìn hai anh em an ủi:
– Được rồi! Tôi chỉ cần sửa một tí nữa thôi!
Cứ như thế, con cáo già gian xảo chén hết miếng này đến miếng khác, mặc hai anh em nhà gấu ngồi nhìn thèm nhỏ dãi. Sau mỗi miếng của cáo, các chú vẫn cứ mải tranh cãi xem phần chia đã được đều nhau hay chưa.
Khi đã chén no bụng, miếng pho mát to chỉ còn lại hai phần nhỏ tí, cáo mới chia đều và nói với hai anh em:
– Xong rồi nhé! Bây giờ thì chúng đã đều nhau rồi! Hai cậu ăn đi, nhớ đừng tranh nhau nữa đấy!
Nói xong, cáo cười khi khì rồi chuồn thẳng.
Hai chú gấu tham ăn tiu nghỉu nhận lấy phần của mình. Chẳng ai nói với ai câu nào, nhưng chắc chúng cũng đã nhận được bài học bởi tính tham lam không biết nhường nhịn nhau của mình.
Đeo nhạc cho mèo
Tự bao giờ đến giờ, mèo cứ xơi chuột mãi, nên chuột mới đẻ ra là đã sợ mèo rồi.
Nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn, chuột ta lấy thế làm giận. Một hôm, mới hội cả nhau lại làm một làng chuột để chống lại mèo. Thôi thì đủ mặt: nào anh Chù, mùi hôi đến nỗi thành câu ca; nào chú Nhắt, có tính nhí nhắt đã nên câu ví; nào lại anh Cống, rung rinh béo tốt, quan trường lại chấm cho ở trên ông Đồ,…
Khi làng dài răng đã tề tựu đông đủ cả rồi, ông Cống mới lên giọng rằng:
– Cái giống quái kia sở dĩ nó chụp được anh em mình chỉ vì trời phú cho nó cái tài rình mò và khéo bắt lén mà thôi. Bây giờ, bà con ta mua một cái nhạc buộc vào cổ nó, để khi nào nó đến, nghe tiếng nhạc, ta biết đường chạy trước, thì nó còn làm gì nổi ta nữa.
Cả làng chuột nghe nói, dẫu mõm, quật đuôi, đều lấy làm phục cái câu chí lí của ông Cống và đồng thanh ưng thuận.
Khi nhạc đã kiếm được rồi, hội đồng chuột lại họp. Con nào con nấy lao xao hớn hở, bảo nhau đã sắp tới ngày thoát được cái ách ông Miu ranh mãnh rồi.
Nhưng kịp lúc hội đồng hỏi ai dám đem nhạc đeo vào cổ mèo, thì thấy cả hội đồng im phăng phắc, không một cái tai nào nhích, một cái răng nào nhe cả.
Không biết cử ai vào việc đại sự ấy, bất đắc dĩ làng cắt ông Cống phải đi, vì chính ông Cống đã xướng lên cái thuyết đeo nhạc vậy.
Ấy mới khốn! Nhưng Cống ta trong lòng tuy nao, mà ngoài mặt làm ra bộ bệ vệ kẻ cả, nói rằng:
– Tôi đây, chẳng gì nhờ tổ ấm cũng được vào bậc ông Cống, ông Nghè, ăn trên ngồi trước trong làng, có đâu làng lại cắt tôi đi làm cái việc tầm thường ấy được! Trong làng ta nào có thiếu chi người! Tôi xin cử anh Nhắt, anh ấy nhanh nhảu chắc làm được việc.
Ấy mới hay! Nhưng Nhắt ta trở mặt láu, cãi lí rằng:
– Làng cắt tôi đi, tôi cũng xin vâng, không dám chối từ. Nhưng tôi, dù bé vậy, mà cũng còn ở chiếu trên, chưa đến nỗi nào. Ông Cống không đi, phải; tôi đây không đi, cũng phải. Để xin cắt anh Chù, anh ấy tuy chậm, nhưng chắc chắn, làng không lo hỏng việc.
Ảnh minh họa.
Ấy mới không có gì lạ! Chù ta thật thà, không biết cãi sao, ụt ịt nói rằng:
– Tôi là đầy tớ làng, làng sai tôi đi là phải lắm. Nhưng tôi chỉ sợ, nếu tôi đến gần mèo mà mèo thịt tôi đi, thì rồi lấy ai thay tôi mà buộc nhạc được nữa.
Chuột Cống nhanh miệng bảo:
– Mèo nó có vờn là vờn chúng tao, vờn cái anh Nhắt kia, chớ chú mày hôi hám như thế, thì nó bắt mà thèm vào. Thôi cứ nhận đi ngay đi, không được nói lôi thôi gì nữa.
Chuột Chù ì ạch phải nhận, vác nhạc ra đi tìm mèo thật. Khốn chưa trông thấy mèo, mới nghe thấy tiếng, Chù đã sợ run cả mình, không dám tiến. Nhưng sợ lệ làng, sau đánh bạo, phải lại gần, thì thấy mèo quả nhiên không thèm vờn đến thật.
Song mèo cũng nhe nanh giương vuốt, làm cho Chù cắm đầu, vác cái thân ì ạch chạy khổ về báo cho làng ngay. Cả làng nghe báo cũng sợ, bỏ chạy tán loạn, chẳng ai hỏi đến cái nhạc, nó bon đi đâu, và bon tự bao giờ không biết.
Thành ra từ đó, chuột vốn sợ mèo, vẫn hoàn sợ mèo mãi.
Bài học hay từ những câu truyện ngụ ngôn
Một số câu chuyện ngụ ngôn có ý nghĩa giáo dục đức tính kiên nhẫn, chịu khó, chế giễu những kẻ tham ăn tham uống. Đồng thời mang đến bài học bổ ích dạy các bé phải biết hòa thuận, nhường nhịn, thương yêu nhau trong cuộc sống.
Những câu truyện ngụ ngôn thú vị nhất dành cho thiếu nhi, mang đầy ý nghĩa, nhân văn sâu sắc.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/top-4-truyen-ngu-ngon-hay-va-y-nghia-mang-den-bai-hoc-don-gian-ma-sau-sac-d303217.html” alt_src=”” name=””]