Cháy rừng đã tàn phá nhiều vùng ở Nam Âu và Bắc Phi giữa lúc nhiệt độ tăng cao lên mức gần như kỷ lục.
Hòn đảo nghỉ mát Rhodes của Hy Lạp đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cháy rừng. (Ảnh: AP)
Hơn 40 người đã tử vong do cháy rừng trong tuần qua, mặc dù các nhà chức trách trên khắp khu vực tuyên bố vào ngày 26/7 rằng điều tồi tệ nhất đã qua.
Các vụ cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của 34 người ở Algeria, Đài truyền hình nhà nước Algeria EPTV đưa tin hôm 26/7, trong đó 10 nạn nhân được cho là binh sỹ đang nỗ lực sơ tán người dân ra khỏi tỉnh ven biển Bejaia. Cảnh báo cháy rừng đã được các dịch vụ bảo vệ dân sự của nước này ban bố cùng ngày sau khi hơn 8.000 lính cứu hỏa được triển khai để khống chế ngọn lửa.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, ít nhất 4 người đã thiệt mạng khi 10 đám cháy rừng riêng biệt hoành hành ở miền Nam nước này. Các nạn nhân bao gồm một người đàn ông 98 tuổi trong ngôi nhà ở Reggio Calabria của ông, hai người ở độ tuổi 70 trong ngôi nhà của họ ở Palermo và một phụ nữ 88 tuổi. Một số vùng của Italy đã ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng thấy khi nền nhiệt tăng vọt lên 47,4°C, gần với mức kỷ lục trên toàn châu Âu vào năm 2021 là 48,8°C.
Người dân địa phương cố gắng dập tắt đám cháy rừng ở làng Gennadi trên đảo Rhodes, Hy Lạp. (Ảnh: AP)
Hơn 20.000 người đã được sơ tán khỏi nhà và các điểm nghỉ dưỡng trên đảo Rhodes của Hy Lạp. Chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp về cháy rừng. Hàng nghìn người đã buộc phải rời khỏi đảo Evia và Corfu, trong khi đảo Crete đang trong tình trạng báo động cao. Bộ Bảo vệ dân sự của Hy Lạp đã cảnh báo về “nguy cơ cực cao” từ cháy rừng ở 6 trong số 13 khu vực của nước này hôm 26/7.
Các hãng hàng không của Vương quốc Anh Jet2 và TUI đã hủy tất cả các chuyến khởi hành đến Rhodes, trong khi một quan chức sân bay nói với AFP rằng hơn 5.000 người đã rời đảo trên các chuyến bay khẩn cấp từ ngày 24/7 đến ngày 26/7.
Tại Tunisia, do cháy rừng, 300 người đã buộc phải sơ tán khỏi ngôi làng ven biển Melloula. Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến cháy rừng bùng phát ở tỉnh Antalya, miền Nam nước này. Croatia cũng báo cáo các vụ cháy rừng ở miền Nam Dubrovnik vào ngày 24/7. Đến ngày 26/7, cơ quan cứu hỏa Croatia xác nhận, các đám cháy này đã được kiểm soát.
Phương tiện bị thiêu rụi sau vụ cháy rừng dữ dội ở Algeria. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Dân sự Italy Nello Musumeci cho biết trong một tuyên bố hôm 25/7: “Biến động khí hậu đòi hỏi tất cả chúng ta phải thay đổi, không có lý do “ngoại phạm” nào cho bất kỳ ai”.
Tổ chức World Weather Attribution đã công bố một báo cáo vào ngày 24/7, tuyên bố rằng nếu con người không làm nóng hành tinh bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch, những đợt nắng nóng như đang nhấn chìm châu Âu sẽ không thể xảy ra. Châu Âu đã phải chịu đựng những thảm họa khí hậu tương tự vào năm 2022, với 61.000 người chết vì các căn bệnh liên quan đến nhiệt trong cùng năm.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tren-40-nguoi-tu-vong-hang-nghin-nguoi-so-tan-khi-chay-rung-tan-pha-chau-au-20230727182816235.chn” name=””]