Những câu chuyện cổ tích với nội dung thú vị, ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học cuộc sống giá trị, đáng học hỏi.
Ông vua và anh thợ giày
Ngày xưa, tại kinh đô một nước nọ, có một người thợ đóng giày rất nghèo. Anh khâu vá giày suốt ngày mà chỉ đủ ăn.
Một hôm, nhà vua muốn biết trong kinh đô mọi người sống ra sao. Tối hôm đó, vua bèn đóng giả một người dân thường và đi ra phố. Nhà nào cũng ngủ cả, chỉ có gia đình anh thợ giày còn thức. Vua liền vào.
Anh thợ giày không biết là ai nhưng vẫn niềm nở mời khách ngồi vào bàn cùng ăn cơm. Vua hỏi:
– Tôi muốn biết anh làm nghề gì?
– Thưa bác, tôi là một người thợ giày tầm thương, cả ngày làm lụng vất vả, được bao nhiêu tiền là mua gạo nuôi cả nhà. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.
– A! Thế nếu người ta đóng cửa hàng của anh thì anh làm thế nào?
Anh thợ giày trả lời:
– Ai có quyền đóng của hàng của tôi, chỉ trừ nhà vua. Nhưng tôi chắc nhà vua không điên rồ như vậy.
Nhà vua ra về. Sáng hôm sau chợt có lệnh ban ra: “Bất cứ cửa hàng nào cũng phải đóng cửa trong ngày hôm nay”.
Các của hàng đều phải đóng cửa. Đến tối, nhà vua lại đóng giả dân thường, đến thăm anh thợ giày xem anh ta làm gì. Nhưng anh thợ giày vẫn vui vẻ như hôm qua.
Thấy có khách đến, anh reo lên:
Ảnh minh họa.
– A! Bác vẫn mạnh khỏe đấy chứ? Mời bác vào đây.
Vua ngồi xuống bên bàn và hỏi:
– Sao hôm nay anh cũng kiếm được đủ ăn cả ngày thế?
Anh thợ giày nói:
– Nhà vua thật đáng ghét. Nhưng tôi ra phố gánh nước thuê, nên vẫn kiếm ăn được. Có sức lao động thì chả sợ gì chết đói.
Nhà vua về và sáng hôm sau cho gọi anh thợ giày vào cung. Vì vua mặc áo mũ dát vàng ngọc lấp lánh nên anh thợ giày không nhận ra người khách hôm qua.
Vua trao cho anh thợ giày một thanh kiếm và bắt đứng gác ở cổng thành. Đến gần tối, vua cho anh về và bắt sáng mai lại phải đến gác.
Về nhà, anh thợ giày lo vợ con đói, liền tháo lưỡi kiếm của vua đem bán để lấy tiền đong gạo. Anh đẽo một lưỡi kiếm gỗ tra vào cán và vẫn để vào bao để treo như cũ.
Tối hôm đó, vua lại cải trang ra thăm anh thợ giày.
Anh thợ giày nói với khách:
– Hôm nay, ông vua ngốc bắt tôi đi gác. Tôi lo không kiếm ra tiền thì cả nhà đói. Sau tôi nghĩ: “Không đời nào nhà vua lại sai tôi dùng kiếm để chém ai cả, nên tôi đã bán đi và đẽo một thanh kiếm gỗ thay vào. Nhà vua ngu ngốc biết sao được trong bao kiếm có cái gì”.
Sáng hôm sau, anh thợ giày vẫn phải gác ở cổng thành. Nhà vua gọi một người hầu ra và quát mắng. Sau vua truyền lệnh đem chém người hầu đó. Vua gọi anh thợ giày vào và bắt anh chém đầu người hầu.
Anh thở giày thở dài, rồi nói:
– Tâu bệ hạ, tên hầy này là người ngay thật. Xin bệ hạ tha cho hắn.
Vua quát:
– Không phải thương cho hắn. Ngươi hãy chém đầu hắn ngay trước mặt ta.
Anh thợ giày nói:
– Nếu người hầu đây không phạm tội gì thì xin lưỡi kiếm này sẽ biến thành lưỡi gỗ.
Anh rút kiếm ra và lưỡi kiếm sắt biến thành lưỡi kiếm gỗ thật.
Nhà vua đành chịu thua anh thợ giày. Vua truyền tha cho người hầu và cho anh thợ giày về nhà làm ăn như cũ.
Vua Quạ
Ngày xưa có một ông vua sinh được một cô con gái đẹp tuyệt trần, nhưng kiêu căng ngạo ngược. Ai đến hỏi cô làm vợ, cô cũng chê bai giễu cợt.
Một hôm, vua mở tiệc mời tất cả những ai muốn làm phò mã đến và xếp đặt chỗ ngồi theo thứ bậc: trước hết là vua, rồi đến các ông hoàng, các vị công tước, các nhà hiệp sĩ, sau cùng là các nhà quí phái thường.
Họ đều được giới thiệu với công chúa, nhưng người nào nàng cũng chê tật nọ tật kia. Người này thì béo quá, như “thùng rượu”, người kia thì “cao kều chẳng ra cái điệu bộ gì”.
Người thứ ba thì “béo lùn, đến là thô”, người thứ tư “trắng bệch như xác chết”, người thứ năm thì “đỏ như gà sống”, người thứ sáu thì người không ngay ngắn “y như thanh củi tươi sấy cạnh lò”. Nói tóm lại, nàng thấy ai cũng có tật cả, nhất là một ông vua ngồi ở thứ vị cao nhưng phải cái cằm quằm quặp bị nàng chế giễu táo tợn:
– Trời ơi, cằm anh này như mỏ quạ!
Từ đó người ta đặt tên cho ông vua cái tên là Vua Quạ.
Vua cha thấy công chúa chế nhạo khinh miệt tất cả những chàng đến hỏi, giận lắm, thề sẽ gả cô cho người nào đến ăn mày đầu tiên ở cửa cung.
Vài hôm sau, có gã nhạc sĩ nghèo đến hát bên cửa sổ để kiếm ít đồng tiền. Vừa nghe thấy tiếng hát, vua cho gọi gã vào. Người ấy ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, đứng hát trước mặt vuavà công chúa, rồi xin nhà vua bố thí cho ít nhiều. Vua phán:
– Nhà ngươi hát hay lắm, ta sẽ gả con gái cho.
Công chúa giật bắn người lên.
Vua lại nói:
– Ta đã thề gả con cho người ăn mày nào đến cửa ta trước nhất. Ta sẽ giữ lời thề.
Công chúa van xin cũng không được. Vua cho mời thầy tu đến làm phép cưới ngay tức khắc. Công việc xong xuôi, vua bảo công chúa:
– Không có thói phép đâu vợ một người ăn mày lại được ở trong cung điện, vậy con phải đi theo chồng.
Ảnh minh họa.
Người ăn mày bèn cầm tay công chúa dắt đi. Cô nàng phải đi bộ. Khi đi đến một khu rừng rộng, nàng hỏi:
– Chao ôi! Khu rừng đẹp này của ai?
Người ta trả lời:
– Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy ông ấy thì khu rừng này đã là của nàng rồi!
Nàng than:
– Rõ khổ thân tôi chưa! Nếu tôi lấy Vua Quạ thì…
Khi hai vợ chồng đi qua một cánh đồng cỏ, nàng lại hỏi:
– Cánh đồng cỏ xanh đẹp này của ai?
– Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy nhà vua thì cánh đồng này là của nàng rồi!
Nàng lại than:
– Rõ tội nghiệp tôi chưa! Nếu tôi thuận lấy Vua Quạ thì…
Khi hai vợ chồng đi đến một thành phố lớn, nàng lại hỏi:
– Thành phố lớn này của ai?
– Của Vua Quạ đấy. Nếu nàng lấy nhà vua thì thành phố này là của nàng rồi!
Nàng than:
– Rõ khổ thân tôi chưa! Nếu tôi lấy Vua Quạ thì…
Anh chồng cự:
– Tôi không thích cô cứ luôn mồm nói là muốn lấy một anh chồng khác. Thế cái thứ tôi không xứng hay sao?
Sau cùng, hai vợ chồng đến một cái nhà nhỏ tí xíu.
Vợ nói:
– Trời ơi là trời! Nhà ai mà bé nhỏ tồi tàn thế này?
Chồng đáp:
– Đây là nhà của tôi và của cô đấy. Vợ chồng ta sẽ ở đây với nhau.
Nhà thấp quá, cô ả phải cúi khom lưng mới vào được. Vợ hỏi:
– Đầy tớ đâu cả?
Người ăn xin đáp:
– Đầy tớ à? Muốn gì thì phải làm lấy chứ. Nhóm bếp ngay đi để đun nước, nấu bữa chiều. Tôi mệt lử rồi.
Công chúa không biết nhóm lửa vào bếp, chồng lại phải nhúng tay vào. Bữa ăn chẳng có gì. Ăn xong vợ chồng đi ngủ. Hôm sau, chồng đánh thức vợ dậy thật sớm sai làm việc nhà. Vợ chồng sống với nhau vài ngày như thế thì thức ăn hết sạch sành sanh. Chồng bèn bảo vợ:
– Này cô, chúng mình không thể ăn dưng ngồi rồi mãi thế này, cô phải đan rổ rá mà bán.
Chồng đi cắt mây về cho vợ đan. Nhưng nan rổ làm sây sát cả bàn tay mịn màng của cô.Chồng thấy vậy bảo:
– Việc này cô không làm nổi rồi. Thôi cô xe chỉ có lẽ hơn.
Vợ ngồi thử xe, nhưng chỉ cứa vào ngón tay mềm mại làm bật máu ra. Chồng nói:
– Cô thật là đoảng. Tôi vớ phải cô cũng đến khổ. Thôi để tôi thử buôn đồ gốm cho cô ra chợ ngồi bán.
Vợ nghĩ thầm:
– Khổ quá! Nếu bầy tôi cha ta trông thấy ta ngồi chợ bán đồ gốm thì họ sẽ cười ta đến chết mất!
Nhưng chẳng dừng được, cô ả phải đành làm vậy, nếu không thì chết đói.
Lúc đầu, công việc cũng chạy vì ai thấy cô hàng xinh đẹp cũng đến mua hàng không mặc cả, thậm chí có anh trả tiền mà không lấy hàng. Hai vợ chồng sinh sống bằng tiền lãi.
Hết hàng, chồng lại đi mua một mẻ về. Vợ ngồi góc chợ bày hàng bán. Bỗng một hôm có tên lính kỵ mã say rượu phóng ngựa đến, đồ gốm vỡ tan tành, cô ả sợ quá không biết làm thế nào, khóc lóc kể lể:
– Trời ơi! Vận hạn khổ quá! Chồng tôi nó sẽ mắng tôi không ra gì đây.
Cô chạy về nhà, kể lại cho chồng nghe. Chồng nói:
– Có đời thủa nhà ai bán đồ gốm mà lại đi ngồi ở đầu chợ! Thôi đừng khóc nữa đi, cô đoảng lắm, không làm ăn gì được. Tôi đã hỏi ở cung vua xem người ta có cần hầu bếp không, thì người ta đã hứa nuôi cô cho ăn.
Thế là công chúa phải đi làm hầu bếp, để đầu bếp sai bảo, làm việc nặng nhất. Chiều chiều, cô mang phần thức ăn thừa về hai vợ chồng cùng ăn, thức ăn đựng vào hai chiếc bình nhét vào túi buộc hai bên người.
Bấy giờ nhân dịp cưới thái tử, người ta đang chuẩn bị đại hội. Cô ả đứng trước cửa hội trường để xem. Thấy đèn đuốc sáng choang, khách khứa ăn mặc lộng lẫy, cô xót xa cho thân phận, trách mình vì kiêu căng mà đến nỗi này. Thỉnh thoảng, những người hầu vứt cho cô ít miếng lấy ở thức ăn bưng ra bưng vào thơm phức. Cô bỏ vào bình đem về cho chồng.
Chợt Hoàng tử bước vào, mình mặc đồ nhung lụa, cổ đeo dây chuyền vàng. Thấy thiếu phụ đẹp ấy đứng ở cửa, chàng cầm tay mời vào nhảy; nhưng cô sợ hãi, chối từ vì cô không nhận ra đó là ông Vua Quạ trước kia đã hỏi cô mà cô chê không thèm lấy.
Cô từ chối không được, phải theo gót vua vào phòng. Bỗng cái giải buộc đứt, hai cái bình lăn ra đất, xúp đổ lênh láng và bánh vãi tung tóe. Mọi người thấy vậy cười rộ lên chế nhạo, cô thẹn quá chỉ mong độn thổ. Cô chạy ù té ra cửa để trốn, nhưng một người đuổi kịp cô ở cầu thang, lại dẫn cô vào. Cô lại nhận được ra là Vua Quạ. Vua thân ái bảo cô:
– Nàng đừng sợ, người nhạc sĩ cùng ở với nàng ở căn nhà nhỏ bé tồi tàn và tôi đây chỉ là một người. Vì yêu nàng, tôi đã trá hình tạm làm người ăn xin. Người lính kỵ mã say rượu đã làm vỡ hàng của nàng cũng lại là tôi. Tôi đã làm như vậy để cho nàng hết tính kiêu căng và trị nàng về tội đã khinh miệt tôi.
Cô khóc thổn thức và nói:
– Em đã không phải đối với chàng lắm rồi, em không đáng làm vợ chàng đâu…
Nhưng vua nói:
– Em nín đi, những ngày đen tối đã qua rồi, bây giờ đôi ta làm lễ cưới.
Thị nữ mang đến cho cô quần áo lộng lẫy. Vua cha và cả quần thần cũng tới chúc cô bách niên giai lão với Vua Quạ. Cuộc vui thật sự bây giờ mới bắt đầu. Ước gì tôi cùng bạn được đến dự nhỉ!
Bộ quần áo mới của Hoàng Đế
Ngày xưa, có một vị hoàng đế thích quần áo đẹp đến nỗi ngài sẵn sàng chi không tiếc tay cho việc ăn mặc. Vị hoàng đế ấy chẳng ngó ngàng gì đến việc triều chính, cũng chẳng màng đến những thú vui khác.
Mỗi giờ, ngài lại thay một bộ quần áo mới. Người ta thường nói “Hoàng đế đang lâm triều”, nhưng đối với vị vua này thì phải nói là:“Hoàng đế đang trong tủ áo”.
Kinh thành nơi đức vua sinh sống rất nguy nga, tráng lệ. Ngày nào cũng có đông đảo du khách ghé qua.
Một ngày kia, hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng tự xưng là thợ dệt, có thể dệt ra một thứ vải tuyệt đẹp. Quần áo được may bằng thứ vải đó có đặc tính kỳ lạ là người nào không làm tròn bổn phận hoặc ngu xuẩn thì không thể nhìn thấy nó, dù đứng rất gần.
“Đó sẽ là bộ quần áo tuyệt vời!”, Hoàng đế thầm nghĩ , “Mặc nó, ta sẽ biết được trong đám quần thần của ta, kẻ nào không làm tròn bổn phận. Ta sẽ phân biệt được đâu là người tài giỏi và đâu là kẻ ngốc nghếch! Đúng vậy, ta cần có bộ quần áo như vậy ngay lập tức!”. Vị vua ban thưởng cho hai tên thợ dệt rất nhiều vàng bạc, châu báu và yêu cầu chúng bắt tay ngay vào công việc.
Chúng bày ra hai khung cửi rồi ngồi vào ra vẻ như đang dệt vải, nhưng tuyệt nhiên chẳng có bất cứ thứ gì trên khung cửi. Chúng đòi bằng được loại tơ đẹp nhất, thứ vàng quý nhất. Có được rồi, chúng nhét tất cả vào túi riêng và giả vờ làm việc bên khung cửi cho đến tận khuya.
Đức vua nóng lòng muốn biết công việc của hai tên thợ dệt đến đâu, nhưng khi nhớ đến đặc tính kỳ lạ của tấm vải, tự nhiên ngài đâm ngại. Ngài bèn phái thừa tướng đến xem trước. “Ông ta có thể đánh giá chính xác tấm vải trông như thế nào vì ông là người thông minh và không ai đảm đương chức vụ giỏi hơn ông ta!”.
Đức vua thầm nghĩ.Vị thừa tướng ngây thơ được cử đến gian phòng lớn – nơi hai tên thợ dệt đang làm việc. “Lạy Chúa!”, lão giương to đôi mắt, tự nhủ, “Ta chẳng thấy gì cả!”. Nhưng may mà lão kìm lại được, không thốt thành lời.
Hai kẻ lừa đảo mời vị quan đến gần, chỉ vào khung cửi trống không và hỏi xem ngài thấy hoa văn, màu sắc trên tấm vải có đẹp hay không. Lão thừa tướng đáng thương cứ giương to cặp mắt mà không thấy gì. Lão thầm nghĩ: “Trời ơi, chẳng lẽ ta lại là một kẻ xuẩn ngốc?
Hay ta không có năng lực đảm đương chức vụ của mình? Không! Tốt nhất ta không nên thú nhận là ta chẳng thấy tấm vải đó!”. – À, ngài không có nhận xét gì sao? – Một trong hai tên thợ dệt lên tiếng hỏi.
– Ồ, nó đẹp lắm, đường nét rất tinh tế! – Lão thừa tướng vội trả lời, vờ ngắm nghía qua cặp kính. – Hoa văn và màu sắc mới đẹp làm sao! Đúng vậy, ta sẽ về tâu với Đức vua là ta rất hài lòng!
Ảnh minh họa.
– Chúng tôi rất vui khi nghe ngài nói thế! – Hai tên trả lời rồi huyên thuyên mô tả đủ loại màu sắc và hoa văn có trên đời được dệt trên tấm vải. Lão thừa tướng lắng nghe như nuốt từng lời để còn về thuật lại cho Hoàng đế. Lợi dụng cơ hội, hai tên thợ dệt lại xin thêm tiền, vàng, tơ sợi để chi phí vào việc dệt vải. Sau đó, chúng vờ tiếp tục say sưa làm việc bên khung cửi.
Chẳng bao lâu sau, nhà vua lại cử một viên đại thần khác đến xem vải được dệt như thế nào, và khi nào thì xong. Giống như vị thừa tướng, viên đại thần ngắm nghía, nhưng ông ta cũng chẳng thấy gì ngoài khung cửi trống không.
– Thưa, tấm vải đẹp không ạ? – Hai tên thợ chỉ vào tấm vải, giải thích từng đường chỉ, từng hoa văn rằng nó mềm mại như thế nào và tinh tế ra sao. “Ta đâu có ngu dốt đâu!”, viên đại thần hoang mang nghĩ, “Như vậy chắc ta không có năng lực xử lý công việc rồi.
Nhưng dù sao cũng không nên để lộ điều này”. Nghĩ vậy, hắn bèn hết lời ca tụng tấm vải trong tưởng tượng và quả quyết rằng rất thích màu sắc cùng những hoa văn trên đó. Trở về gặp Hoàng đế, viên quan kính cẩn tâu: – Muôn tâu bệ hạ, quả thật không gì sánh bằng! Khắp kinh thành xôn xao bàn tán về tấm vải diệu kỳ.
Không dằn lòng được, Đức vua muốn đích thân đến ngắm tấm vải khi nó vẫn còn trên khung cửi. Cùng với đoàn tùy tùng và các cận thần được tuyển chọn, trong đó có cả quan thừa tướng và viên đại thần, ngài đến thăm hai kẻ mạo danh quỷ quyệt đang ra vẻ mải mê dệt với tốc độ khẩn trương mà không có sợi chỉ nào trên khung.
– Tấm vải thật tuyệt phải không ạ?
– Hai đại quan ngây thơ lên tiếng.
– Bệ hạ nhìn xem này, hoa văn và màu sắc… tất cả đều lộng lẫy làm sao!
– Họ chỉ vào khung cửi rỗng và tưởng tượng như mọi người đều nhìn thấy.
“Quái, thế là thế nào? Ta chẳng thấy gì cả!”, Hoàng đế kinh ngạc, thầm nghĩ, “Chẳng lẽ ta lại là một vị vua ngu xuẩn ư? Hay ta không có tài đức để làm bậc minh quân? Nếu đúng như vậy thì thật khủng khiếp!”.
Nhưng rất nhanh, nhà vua đáp:
– Ồ, đẹp! Đẹp lắm! Thật là chuẩn mực! Rồi ngài gật gù ra vẻ hài lòng, ngắm nghía khung cửi mà không dám thú nhận sự thật. Cả đoàn tùy tùng xúm lại xem, dù chẳng thấy gì nhưng họ vẫn xuýt xoa, phụ họa: “Ồ, thật là tuyệt!”.
Đám nịnh thần khuyên nhà vua nên mặc bộ quần áo mới được may bằng thứ vải lộng lẫy này trong ngày lễ rước thần sắp tới. “Thật xuất sắc! Thật tuyệt vời! Thật lộng lẫy!”, những lời tán dương như thế được truyền từ miệng người này sang người khác.
Ai cũng ra vẻ cực kỳ hài lòng. Nhà vua liền ban cho hai tên thợ dệt danh hiệu “Hiệp sĩ dệt vải”. Suốt đêm, trước ngày lễ rước thần, người ta thấy hai tên thợ dệt lăng xăng cắt may, khâu đính để hoàn tất bộ quần áo mới cho nhà vua. Họ vờ đỡ tấm vải ra khỏi khung cửi, dùng kéo lớn cắt vào không khí, khâu bằng những cây kim không xỏ chỉ…
Cuối cùng, họ tuyên bố:
– Nhìn này, bộ quần áo đã may xong!Hoàng đế cùng các quan đại thần đến, ai cũng có vẻ mặt oai nghiêm, cung cách chững chạc. Hai tên lừa bịp vờ giơ tay lên không như đang nâng đỡ bộ quần áo, kính cẩn nghiêng mình tâu:
– Muôn tâu bệ hạ, đây là quần ống túm. Đây là áo. Còn đây là chiếc áo choàng! Bộ quần áo này nhẹ như tơ! Bệ hạ mặc vào sẽ có cảm giác như không có gì trên người, nhưng đó cũng là một trong những đặc tính quý giá của tấm vải!
– Đúng đấy ạ!
– Các đại quan cùng xướng họa, tuy họ chẳng thấy gì, mà thật ra cũng chẳng có gì để thấy.
– Muôn tâu Hoàng thượng, cúi xin ngài cởi quần áo và đứng trước gương lớn để chúng thần mặc quần áo mới cho ngài! Hoàng đế cởi hết long bào, hai kẻ lừa đảo làm bộ như mặc từng cái cho ngài, rồi vòng tay quanh thân ngài như đang thắt đai lưng. Hoàng đế xoay người ngắm nghía trước gương.
– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới vừa vặn với bệ hạ làm sao! Nó rất hợp với bệ hạ!
– Bọn nịnh thần đồng thanh tâu lớn.
– Hoa văn thật tinh tế, màu sắc thật tuyệt vời! Đúng là bộ quần áo quý giá!
– Muôn tâu bệ hạ, long tán đã đến. Các đại thần đang chờ Hoàng thượng bên ngoài để cùng đi rước thần.
– Quan trưởng lễ báo tin.
– Ta đã sẵn sàng!
– Đức vua đáp. Trước khi đi ra, ngài không quên hỏi lại:
– Các khanh xem nó có vừa với ta không?.
Đoạn, ngài xoay thêm một vòng trước gương, như thể đang ngắm một bộ quần áo lộng lẫy.Các quan thị vệ khom người, với tay sát đất, làm như đang nâng đuôi áo choàng, rồi vừa đi vừa đỡ vật vô hình đó lên, chẳng để lộ cho ai biết là mình không nhìn thấy gì!Hoàng đế bước đi trong buổi lễ, dưới long tán lộng lẫy. Thần dân đứng dọc hai bên đường, bên bậu cửa sổ, trầm trồ khen ngợi:
– Hoàng thượng vạn tuế! Bộ quần áo mới thật lộng lẫy! Nhìn đuôi áo choàng kìa, mới đẹp làm sao! Bệ hạ mặc vừa vặn quá! Không ai tỏ vẻ mình không nhìn thấy gì. Họ sợ bị người khác xem là bất tài, ngu xuẩn.
Chưa có bộ quần áo mới nào của nhà vua được mọi người tán tụng nhiều đếnvậy. Nhưng rồi, từ một góc nào đó, một đứa bé thốt lên:– Nhìn kìa, đức vua trần truồng!Đám đông im bặt.
Sau đó, bắt đầu có những tiếng xầm xì nhỏ to:– Hoàng thượng không mặc gì hết! Có một thằng bé nói như vậy!“Hoàng thượng không mặc gì hết! Hoàng thượng không mặc gì hết!…”, lời bàn tán mỗi lúc một lớn.Hoàng đế chợt rùng mình, choáng váng vì ngài thấy hình như họ nói đúng.
Nhưng ngài nghĩ: “Ta phải tiến hành cho xong nghi thức của buổi lễ đã”. Vì vậy, nhà vua tiếp tục rảo bước, khuôn mặt thậm chí càng cố lộ vẻ tự hào. Đám tùy tùng theo sau không biểu lộ một chút cảm xúc, tay vẫn nâng đuôi chiếc áo choàng tưởng tượng.
Câu chuyện Vua Heo
Ngày xưa có một đứa bé không cha không mẹ, được người ta nhặt về nuôi để sai vặt. Vì nó bẩn như lợn nên người ta gọi là thằng Heo. Mặc cho ai muốn chế nhạo khinh bỉ mình thế nào, Heo vẫn coi thường mọi người. Trải qua những năm đói kém, Heo vẫn sống và ngày một lớn. Năm mười lăm tuổi, Heo đến ở với một ông quan lớn.
Một hôm, ông quan bắt Heo múc một thau nước để rửa chân cho mình. Khi Heo mó đến chân quan, quan trỏ vào mấy cái nốt ruồi và dặn:
– Tao có ba cái nốt ruồi đỏ ở chân đây. Mày hãy coi chừng! Nếu cào xước lên thì cả họ nhà mày cũng khó mà đền cho ta cái tướng quý đó, con ạ!
Heo ta nghe nói nghĩ bụng: “Cái thứ người mới chỉ mới có ba nốt ruồi vặt đã làm gì mà nhặng lên như thế!”. Nghĩ đoạn, Heo vạch áo cho quan xem những nốt ruồi của mình và nói:
– Quan lớn chỉ có ba cái nốt ruồi thôi mà đã quý đến thế, còn con có đến chín nốt đây này.
Ông quan thấy thằng bé có nhứng chín nốt ruồi đỏ ở sau lưng thì lấy làm lạ lắm, bụng nghĩ thầm: “Trời ơi! Làm sao mà nó có tướng quý thế kia! Về sau nó không làm vua thì cũng làm chúa mà thôi. Nếu để cho nó làm vua làm chúa thì còn thể thống gì nữa. Phải tìm cách giết đi mới được”.
Thế rồi mấy hôm sau, ông quan trao cho đứa hầu gái một gói thuốc độc và bảo nhỏ rằng: “Mày nhớ sắc thuốc này vào cơm cho thằng Heo ăn. Nhưng phải giữ thật kín miệng, nếu để ai biết tao sẽ giết mày trước”.
Người hầu gái cầm lấy gói thuốc độc, bụng thương Heo vô hạn. Nhưng nàng không thể trái lời chủ được đành phải rắc vào bát cơm để dành phần cho Heo. Hôm ấy, Heo phải đi chợ mua giấy bút cho chủ. Trở về thì vừa lúc người hầu gái đang cho lợn ăn. Thấy Heo bưng bát cơm sắp và vào miệng, nàng vội vàng lấy thanh củi, vừa gõ vào cái máng lợn ăn vừa vờ mắng lợn:
– Heo ôn! Heo ôn! Heo ăn Heo chết, mà Heo không ăn heo cũng chết!
Nàng vừa gõ vừa nói như thế đến ba lần. Heo nghe lấy làm chột dạ, nhưng vẫn chưa hiểu ý tứ thế nào liền chạy lại hỏi nhỏ:
– Thế nào? Có việc gì nói cho tôi biết đi!
Cô gái đáp:
– Heo đừng có quên tôi, tôi sẽ cho Heo biết.
Heo gật đầu. Nàng vội dắt Heo ra một chỗ vắng, kể hết sự tình cho nghe, và bảo:
– Nếu Heo không trốn mau, tai vạ sẽ đến nữa. Không sao tránh khỏi.
Heo cảm ơn cô gái vô cùng, ôm lấy đầu nàng hôn hít và nói:
– Sau này nếu tôi làm nên thì nàng cứ tìm đến, nhưng phải đến với mớ tóc lòa xòa như thế này thì tôi mới nhận ra được.
Ảnh minh họa.
Heo bỏ đến ở với một lão trọc phú. Trọc phú thấy Heo đến xin việc, chưa biết nên dùng vào việc gì. Nhân có mấy đứa con đang chơi bời lêu lổng, hắn bắt Heo trông nom chúng cho mình.
Công việc kể ra cũng nhàn và Heo làm tròn phận sự. Nhưng phải mấy đứa bé nghịch ngợm hết sức; chúng nó làm cho Heo phải theo dõi rất vất vả, lại thường bị mắng oan. Heo cắn răng không nói gì cả.
Một hôm, trọc phú thấy mấy đứa con có vẻ buồn bèn bảo Heo:
– Mày hãy bò xuống làm ngựa cho các anh ấy cười. Có thế các anh ấy mới vui mà tao thuê mày mới đáng đồng tiền.
Heo cực chẳng đã phải phụ phục xuống cho hết đứa lớn đến đứa bé leo lên lưng. Chúng nó thích lắm. Cho nên, ngày hôm sau trò ấy lại diễn ra. Thằng con lớn của trọc phú cưỡi lên lưng Heo, nó beo tai Heo, Heo không nói gì.
Một chốc, nó vớ cái roi đánh vào đít Heo, miệng kêu “nhoong nhoong” như kiểu bố nó cưỡi ngựa. Heo không nhịn được nữa, ngoái tay ra sau lưng gạt đứa bé một cái. Đứa bé văng mạnh ra đằng trước, đầu va phải tường, chẳng may vỡ óc mà chết.
Thấy đứa bé chết, Heo sợ, vội vàng bỏ trốn. Heo đi rất xa, tìm đến một ngôi chùa ở trên núi, xin với hòa thượng cho mình được ở lại hầu hạ rồi sẽ cắt tóc quy y. Hòa thượng đang cần một em bé hàng ngày trèo lên bệ lau chùi các pho tượng, nên nhận cho Heo ở chùa. Công việc không có gì đáng phàn nàn.
Một hôm, hòa thượng nhìn thấy những chỗ kẽ chân tay của các pho tượng còn đầy bụi bặm bèn mắng Heo làm ăn dối trá. Qua hôm sau, Heo cố sức lau kỹ vào kẽ tay kẽ chân các tượng nhưng khó mà lau cho sạch. Tức mình, Heo trợn mắt nhìn một pho tượng và nạt lớn:
– Nhấc tay lên cho ta lau!
Tự nhiên pho tượng gỗ giơ tay lên trời. Lau xong, Heo lại phán:
– Duỗi chân ra nhanh, không ta cho ăn một gậy!
Pho tượng Phật đang ngồi xếp bằng vội nhổm dậy duỗi chân cho Heo lau. Nhờ làm theo cách ấy, Heo lau được sạch tất cả các pho tượng. Lau xong đâu đấy. Heo lại hô lên cho các tượng trở về nguyên vị.
Từ đấy trở đi, Heo vẫn làm theo lối đó. Nhưng một hôm, sau khi lau xong Heo quên truyền cho các tượng bỏ tay xuống, và co chân lại, cứ để thế mà về trai phòng.
Buổi tối, các hòa thượng lên chùa tụng kinh thấy tất cả tượng Phật đều đứng duỗi chân thì vô cùng kinh ngạc, mới cho gọi hết thảy sư vãi trong chùa tới để chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có bao giờ. Khi hỏi đến Heo, chàng thú nhận là do hôm nay mình đãng trí quên bảo các pho tượng ngồi xuống như cũ.
Hòa thượng nghĩ bụng: “Chỉ có thiên tử mới sai khiến được Phật. Đứa bé này đã sai khiến được Phật hẳn có ngày làm vua. Nếu ta không báo quan trên, một mai họ truy nã, tất ta sẽ mang lỗi”.
Nghĩ đoạn, hòa thượng liền cho người mật báo lên quan. Nhưng có một chú tiểu khác đã mách cho Heo biết, nên Heo bỏ trốn trước khi quan tới.
Lần này Heo đến ở với một phú thương. Trước nhà phú thương có một hàng cau mọc đều ngăn ngắt. Hắn giao cho Heo hàng ngày phải múc nước tưới cau. Một hôm, Heo mệt quá ngồi nghỉ dưới bóng cây, Heo chỉ vào ba cây cau, buột miệng nói đùa:
– Cây này là cha, cây này là mẹ, cây này là con!
Tự nhiên, ba cây cau ấy trở nên lớn bé cao thấp khác nhau: cây cau cha vụt lớn cao hơn tất cả, trái lại cây cau con lùn tịt xuống, buồng của nó cọ gần sát đất.
Qua hôm sau, phú thương bước ra vườn thấy mấy cây cau thay hình đổi dạng thì lấy làm kỳ dị, bèn gọi Heo đến hỏi cho ra duyên cớ. Heo đáp:
– Chính do tôi bảo mà nó thay đổi như thế!
Phú thương rất đỗi lạ lùng nhưng cũng bảo Heo:
– Nếu phải thế thì mày hãy làm cho nó trở lại như cũ, bằng không tao sẽ cho mày một trận nhừ đòn.
Heo trợn mắt, bảo hắn:
– Người ta “ăn một đọi, nói một lời” chứ có đâu lại thế. Tôi nhất định không làm khác với lời của tôi đâu!
Phú thương nổi giận tìm gậy toan đánh Heo, Heo bỏ chạy thục mạng. Mặc dầu bụng đói, chàng không dám dừng lại. Mãi đến nửa đêm, vừa mệt vừa buồn ngủ ríu mắt, Heo chui đại vào một nhà kia để kiếm chỗ ngả lưng. Trong lúc ấy các giường chõng đều chật ních những người mà lại ngủ say như chết.
Heo trông thấy ở gian bên có ban thờ Long thần vừa đủ một chỗ nằm, lại có cả chiếu dùng để đắp rất tốt, bèn vứt tượng Long thần vào một xó nhà rồi trèo lên bàn làm một giấc rất ngon lành. Tờ mờ sáng hôm sau Heo đã dậy, lại tiếp tục đi nữa.
Khi chủ nhà dậy, thấy Long thần nằm dưới đất mà trên bàn thờ có vết tích người nằm chưa dọn thì lấy làm lạ, vội trải chiếu và đưa tượng lên. Nhưng khi họ mó tay vào tượng Long thần thì lạ thay, cả bao nhiêu người xúm lại cũng không cất nổi. Đang khi ngơ ngác nhìn nhau thì bỗng có một người thượng đồng lên, thay lời Long thần bảo mọi người rằng:
– Ta vốn ở đất của nhà vua, vua đặt ta ở chỗ nào thì ta ở yên chỗ đó.
Thấy thế mọi người tin là thiên tử đã đến nhà mình tối hôm qua. Tin ấy truyền ra ngày một rộng, giữa khi dân chúng đang mong ngóng đón chờ một vị minh chúa ra đời, cứu vớt thiên hạ khỏi cảnh lầm than điêu đứng. Hôm ấy, Heo chạy lên núi gia nhập vào một đám giặc. Chàng theo họ đi đánh, dần dần lập được nhiều công trạng.
Thế rồi, nhờ sức khỏe và mưu cơ, cuối cùng chàng được cả sơn trại bầu làm trại chủ. Từ đó người ta theo về mỗi ngày một nhiều, nhất là lúc họ biết Heo là người sai khiến được Thần, Phật.
Heo cầm quân chống với quân triều, đánh cho chúng nhiều trận thất điên bát đảo. Đất của Heo mở rộng ra mãi. Chàng tự xưng vua, đặt triều đình và quan chức. Kẻ thù của chàng thường gọi chàng là vua Heo.
Cho đến khi xa giá vua Heo có dịp đi qua tỉnh cũ của mình ngày trước, thì bỗng có mấy người trong đội tiền vệ dẫn một cô gái tóc xõa ngang vai đến trước ngự doanh.
Thoạt đầu, chàng không nhớ ra là người nào cả. Nhưng khi nhìn đến mớ tóc, chàng nhận ra ngay người hầu gái, bạn chàng và ân nhân của chàng ngày trước. Lập tức, chàng đưa nàng về kinh, lập làm hoàng hậu.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Những câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới về các vị vua, sẽ đưa các bé bước chân vào những cuộc phiêu lưu hấp dẫn, đầy màu sắc, giúp bé khám phá thêm điều kỳ diệu hàng ngày.
Những câu chuyện cổ tích với nội dung thú vị, ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học cuộc sống giá trị, đáng học hỏi.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/truyen-co-tich-thu-vi-ve-cac-vi-vua-giup-be-kham-pha-them-dieu-ky-dieu-hang-ngay-d308904.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/truyen-co-tich-thu-vi-ve-cac-vi-vua-giup-be-kham-pha-them-dieu-ky-dieu-hang-ngay-c429a516961.html” name=””]