Những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn cùng với bao bài học bổ ích, ý nghĩa về cuộc sống, dạy bé điều hay.
Chú vẹt tinh khôn
Một người lái buôn Ba Tư (Iran ngày nay) trong một chuyến vượt sang Trung Phi mang về một chú vẹt rất đẹp. Chú vẹt có cái mào đỏ và bộ lông xanh biếc óng ánh. Người lái buôn yêu vẹt lắm.
Ông làm cho vẹt một chiếc lồng xinh xắn, sơn son thiếp vàng, treo lồng trong khu vườn nhiều hoa lá châu Phi cho vẹt đỡ buồn. Vẹt nói rất sõi.
Sắp sửa đi cất chuyến hàng mới, ông ta nói với vẹt:
– Này vẹt ơi, ta sắp sửa tới quê hương Trung Phi của mi, mi có nhắn điều gì với bà con bạn hữu mi không?
Chú vẹt liền nói:
– Ông chủ làm ơn nói với đồng bào của tôi là ở đây dù đầy đủ thức ăn tôi vẫn gầy mòn vì nhớ rừng quê, nhớ bạn bè, dòng họ. Ông chủ bảo bạn bè tôi hãy chỉ giúp tôi cách nào để trở về quê hương.
Nghe vẹt nói, người lái buôn thầm nghĩ: “Thảo nào người ta nói ngu như von vẹt! Đừng hòng ta thuật lại cái mưu kế chúng nó bày ra cho mi! Ta đâu có khờ dại đến thế!”
Tới Trung Phi, trở lại khu rừng trước kia ông đã tới, ông thấy một lũ vẹt đậu trên cây cao, trong đó có con vẹt mào đỏ giống lũ vẹt của ông, ông bèn nhắc lại những lời vẹt nhà nói cho chúng nghe. Người lái buôn rất ngạc nhiên thấy con vẹt mào đỏ chăm chú nghe ông xong thì trở nên buồn rười rượi, xù lông xù cánh, gục đầu, rồi rơi xuống bụi rậm.
Vừa về thuyền, ông vừa ngẫm nghĩ thấy tội nghiệp cho con vật: “Chắc là nó thương con vẹt của ta lắm nên mới rầu rĩ chết đi như thế”.
Ảnh minh họa
Về đến nhà, người lái buôn kể lại chuyện trên cho chú vẹt của ông nghe. Nghe xong, chú vẹt ủ rũ nhắm mắt và một lúc sau thì rơi xuống đáy lồng chết. Người lái buôn buồn rầu triết lí:
– Hóa ra giống vẹt mà có tình có nghĩa hơn loài người. Nghe tin bạn chết vì thương nó, nó cũng đâu khổ và chết theo.
Ông mở cửa lồng mang vẹt ra, để trên bàn tay ngắm nghía. Đột nhiên, chú vẹt bay vù lên một cây cao, đứng nhìn ông và nói:
– Cám ơn ông chủ đã thuật lại cách bạn tôi đã chỉ cho tôi để được tự do, giờ tôi trở về rừng núi quê tôi đây. Xin chào ông nhé!
Thế rồi vẹt cất cánh, nhằm hướng Tây Nam bay thẳng.
Người lái buôn tần ngần nghĩ bụng: “Hóa ra cái lũ vẹt này cũng đáo để thật!”.
Xin chôn ở núi vàng
Xưa có hai vợ chồng một anh nông dân nghèo phát được miếng rẫy ở bìa rừng để trỉa ngô. Khi ngô đã có bắp non thì ngày nào khỉ cũng kéo nhau đến ăn. Vợ chồng anh phải canh giữ rất vất vả.
Một hôm, vợ anh bàn:
– Cứ đà này, chỉ vài hôm nữa, cả rẫy ngô sẽ không còn bắp nào. Bầy khi đông quá, canh giữ mãi không được đâu. Chi bằng chúng ta bẻ nấu ăn non cho đỡ phí.
Người chồng nghe vợ nói có lí liên bằng lòng. Rồi cả hai lên rẫy bẻ bắp, phần thì luộc, phần thì nướng ăn. Ăn no rồi lăn ra ngủ. Tối đến, bầy khỉ kéo xuống, thấy vợ chồng anh nông dân ngủ say không cựa quậy tưởng rằng họ đã chết bèn hò nhau khiêng đi chôn.
Sáng ra, tỉnh giấc thấy mình nằm dưới chân núi, vợ chồng anh nông dân rất ngạc nhiên. Họ đang bàng hoàng chưa nhận ra lối trở về rẫy thì bỗng xung quanh có nhiều hòn đá óng ánh màu vàng chói.
Họ nhặt lên xem thì ra đó chính là vàng khối. Rất mừng rỡ, họ lượm mỗi người một túi rồi vội vã đemvề nhà. Từ đó, họ tậu được ruộng nương, trâu bò và trở nên giàu có.
Ảnh minh họa
Láng giêng có một tên phú hộ thấy vợ chồng anh nông dân bỗng chốc trở nên sung sướng, lấy làm thèm khát bèn lân la hỏi chuyện. Vốn tính thật thà, vợ chồng anh nông dân kể lại đầu đuôi, không giấu giếm điều gì. Nghe xong, tênphú hộ hí hửng ra về.
Sau khi nhỏ to bàn bạc với vợ, hắn đến hỏi mua đám rẫy và sai người nhà trỉa ngô ngay. Chẳng mấy chốc ngô đã trổ cờ, ra bắp. Hai vợ chồng hắn cũng lên rẫy, cũng bẻ bắp nướng và luộc ăn rồi vờ lăn ra ngủ.
Lát sau, bầy khi đến rất đông, chúng thấy hai người nằm im, tưởng họ đã chết lại xúm nhau khiêng đi chôn. Chúng chuyển tay vợ chồng tên phú hộ từ cành này qua cành khác, qua nhiều mỏm núi cao, suối sâu.
Đang lưng chừng suối, chúng dừng lại hỏi nhau nên chôn chỗ nào. Khỉ đầu đàn bảo:
– Nên chôn ở núi bạc, vì đôi vợ chồng trước đã chôn ở núi vàng.
Vợ tên phú hộ nghe vậy, không kìm được máu tham bật kêu lên :
– Chôn núi vàng thôi, đừng chôn núi bạc!
Bầy khi nghe tiếng người, hốt hoắng buông tay, vợ chồng tên phú hộ rơi tõm xuống vực. Bầy khỉ hè nhau chạy trốn.
Ông vua sáng suốt
Ngày xưa, ở nước Ấn Độ có hai anh em nghèo, đi lang thang kiếm ăn. Họ nhặt được cái túi, trong túi có hai viên ngọc, Họ chia nhau mỗi người một viên. Người em trở về, còn người anh đi tiếp. Người anh giao viên ngọc cho em, nhờ em đêm về đưa cho chị dâu.
Ba năm sau, người anh trở về. Vợ anh nói không thấy chú em đưa ngọc gì cả. Anh ta liền hỏi em:
– Sao chú không đưa ngọc cho chụ?
– Em đưa cho chị ấy rồi.
– Vậy mà vợ tôi bảo là chú chưa đưa.
– Chị ấy nói dối đấy.
Người em dẫn nhiều chi tiết chứng tỏ mình đa đưa. Người anh trở về tra hỏi vợ. Vợ anh ta bèn gặp quan tòa và kể mọi chuyện. Quan tòa cho gọi hai anh em đến. Quan nạt người em:
– Ngươi có đưa ngọc cho chị dâu không? Nếu có đưa thì ai làm chứng?
Người em dẫn hai người làm chứng. Quan cho gọi họ đến, vì đã được người em cho tiền nên cả hai đều nói người em đã đưa ngọc, chính mắt họ trông thấy. Quan tòa liền bảo người anh:
– Ngọc ở chỗ vợ anh, về tìm khắc thấy. Người em đã đưa ngọc rồi, vợ anh cố tình biển thủ để đòi viên nữa.
Ảnh minh họa
Nhưng chị vợ không chịu nhận. Chị đến gặp nhà vua và tâu bày mọi chuyện. Vua cho đòi tất cả đến: Bắt hai anh em, hai người làm chứng, mỗi người đứng riêng một nơi, giao cho một mẩu sáp ong, bắt mỗi người nặn hình viên ngọc.
Khi tất cả đã nặn xong, nhà vua đêm so sánh thì chỉ thấy hai viên của hai anh em là giống nhau, còn hai viên của hai người làm chứng không giống nhau đã đành mà cũng không có gì là giống với hai viên ngọc của hai anh em nọ. Vua ra lệnh cho người vợ:
– Ngươi hãy nặn cho ta viên ngọc.
– Tâu bệ hạ, tôi đã thấy viên ngọc nào đâu mà nặn được.
Vua ra lệnh treo cổ hai tên làm chứng, chúng vội vàng sụp lạy thú nhận và xin tha tội. Vua bèn sai nọc cổ người em đánh một trăm roi và bắt trả lại viên ngọc cho vợ chồng người anh.
Hoàng đế lùn
Tại một đất nước nọ, có vị đầu bếp rất nổi tiếng.
Mọi người đều nói rằng: “Được ăn món ăn do ông nấu là sự hưởng thụ tuyệt vời nhất trên đời!”
Đó quả thực là vị đầu bếp số một. Nhưng cũng vì quá nổi tiếng, ai cũng muốn thử tài nghệ của ông, do đó vị đầu bếp bận rộn đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi.
Một ngày kia, vị đầu bếp cảm thấy quá mệt mỏi, nghĩ bụng: “Mình phải đi du lịch một chuyến mới được, đi đến nơi không ai biết mình để nghỉ ngơi cho thoải mái”. Thế là vị đầu bếp lên tàu hỏa, ngồi suốt chín ngày, cuối cùng dừng chân ở một quốc gia vắng vẻ, hẻo lánh. Ở đây, ông thấy một điều vô cùng kỳ lạ: mọi người đều co chân và còng lưng đi lại trên đường.
Nhìn thấy một đoàn binh sĩ đi tuần, vị đầu bếp đi tới hỏi. Thế nhưng những binh sĩ kia không những không trả lời, mà còn trừng mắt nhìn ông.
Sau đó, ông hỏi thăm một người chủ quán bên đường. Người này giả vờ như điếc, quay đầu đi chỗ khác và cũng không đáp lời. Vị đầu bếp vừa buồn vừa thấy kỳ lạ.
Ông tiếp tục đi về phía trước, nhìn thấy một người đang định hái quả trên cây. Do chân co lại nên với mãi mà không tới.
– Này anh bạn, sao lại cứ co chân khổ sở thế? – Vị đầu bếp không giấu nổi thắc mắc.
Người kia nhìn xung quanh không có ai, mới nói nhỏ:
– Quốc vương nước chúng tôi chỉ cao bốn thước, vì thế đã ra lệnh bắt tất cả những người cao hơn mình luôn phải co chân và còng lưng, nếu không sẽ bị chặt đứt chân.
Vị đầu bếp nghe thế thì rất phẫn nộ. Mặc cho người kia ngăn cản, ông nhất quyết tiến thẳng vào hoàng cung. Khi binh sĩ giải ông đến trước mặt quốc vương, quốc vương lập tức ra lệnh”.
Ảnh minh họa
– Mau chém đứt chân của hắn!– Khoan đã! – Vị đầu bếp nói dõng dạc. – Ở nước tôi, tôi là đầu bếp, một đầu bếp rất nổi tiếng. Bệ hạ, nếu ngài không thử tài nghệ của tôi mà chặt đứt chân tôi, nhất định ngài sẽ hối tiếc đấy!
Quốc vương là một con người rất thích của ngon vật lạ, nên vừa nghe thấy đã đồng ý ngay.
Vì đầu bếp nhanh chóng nấu cho quốc vương một bữa thịnh soạn.
Quốc vương nếm thử một miếng, quả nhiên là thật tuyệt, hương vị rất thơm ngon và vừa miệng. Nếm thử miếng thứ hai, quốc vương thấy toàn thân ấm áp và dễ chịu vô cùng. Đến miếng thứ ba, quốc vương thấy lâng lâng sung sướng như đang nghe thứ âm nhạc du dương, thật kỳ diệu!
Giờ thì quốc vương không nỡ chặt chân của vị đầu bếp nữa rồi, thậm chí còn cho mời đầu bếp vào hỏi cách làm ra những món ăn tuyệt vời như thế.
Vị đầu bếp bình tĩnh giơ bàn tay phải của mình lên. Quốc vương giật mình khi phát hiện rằng, bàn tay đó chỉ có ba ngón.
– Thật khó tin! – Quốc vương thốt lên. – Tay của ông bị tàn phế, vậy mà lại có thể nấu được những món ăn ngon tuyệt trần, nhất định phải có bí quyết gì chứ? Mau nói cho ta nghe, ông làm thế nào vậy?
Vị đầu bếp mỉm cười và đáp:
– Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Nếu buộc phải nói ra, thì đó là vì tôi không bao giờ né tránh, bi quan khi bị người khác nói là tàn tật. Ngược lại, điều đó nhắc nhở tôi rằng, tôi phải nỗ lực hơn người thường nhiều lần. Chỉ có việc làm ra những món ăn tuyệt ngon, người khác mới không để ý, thậm chí quên đi việc tôi tàn tật.
Quốc vương chăm chú lắng nghe, dường như cũng hiểu ra điều gì.
Vị đầu bếp nói tiếp:
– Mọi người vì sợ ngài chặt chân, nên cả ngày đều phải co chân, còng lưng, sống trong sự lo âu sợ hãi, như thế càng khiến cho họ luôn nhớ tới chiều cao của ngài.
Những lời vị đầu bếp nói đã thực sự lay động được quốc vương. Quốc vương lập tức bãi bỏ mệnh lệnh vô lý của mình trước kia. Người dân cả nước vô cùng vui mừng, từ đó trở đi họ không còn phải co chân, còng lưng khi đi đường nữa.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Truyện cổ tích ca ngợi và bênh vực cho đạo đức con người thông qua nhân vật kiểu mẫu. Bên cạnh đó hững giá trị đạo đức được thừa nhận nên họ nhận được sự giúp đỡ từ các thế lực thần kỳ.
Đồng thời những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn cùng với bao bài học bổ ích, ý nghĩa về cuộc sống, dạy bé điều hay.
Những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn cùng với bao bài học bổ ích, ý nghĩa về cuộc sống, dạy bé điều hay.
[yeni-source src=”http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nhung-cau-chuyen-co-tich-ve-tri-thong-minh-hay-ke-cho-be-nghe-moi-dem-d308491.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con-khoe-day-con-khon/nhung-cau-chuyen-co-tich-ve-tri-thong-minh-hay-ke-cho-be-nghe-moi-dem-c429a516474.html” name=””]