Nếu ai từng có mong ước trở thành một “nhà du hành thời gian” thực sự, chỉ cần đến với quần đảo Diomede.
Trên đường eo biển Bering phân chia lãnh thổ nước Nga và Hoa Kỳ, có hai hòn đảo đặc biệt với tên gọi Big Diomede và Little Diomede. Mặc dù khoảng cách giữa hai hòn đảo chỉ chưa đầy 3 dặm (khoảng 4,8km), nhưng chúng lại bị ngăn cách bởi Đường đổi ngày quốc tế. Điều đó có nghĩa là khoảng cách thời gian giữa chúng là 21 giờ.
Hai hòn đảo Big Diomede và Little Diomede
Đường đổi ngày quốc tế là một đường ranh giới tưởng tượng vắt ngang qua Thái Bình Dương, đi dọc kinh tuyến 180 độ. Đây không phải một đường thẳng mà là một đường gấp khúc nhằm đảm bảo rằng trên cùng một quốc gia không có hai ngày khác nhau.
Theo quy định, phía tây đường này sẽ nhanh hơn phía đông đúng 1 ngày.
Du khách khi đứng trên đảo Little Diomede có thể nhìn thấy ngày mai, còn những ai đứng trên đảo Big Diomede lại có thể nhìn về hôm qua, dù khoảng cách giữa chúng gần đến nỗi có thể đi bộ từ đảo này sang đảo kia. Tất nhiên, khái niệm ngày mai hay hôm qua ở đây chỉ là quy ước đơn thuần mà thôi.
Vì thế mà chúng còn có tên gọi khác là đảo Ngày Mai (Big Diomede) và đảo Ngày Hôm Qua (Little Diomede).
Ngôi làng trên đảo Little Diomede
Trên thực tế, để có thể vượt qua đường ranh giới giữa hai hòn đảo này là không hề dễ dàng vì bạn cần được cấp phép. Hơn nữa, nếu bạn muốn đi từ Mỹ sang Nga chẳng hạn, thì chẳng có lý do gì để bạn đến Big Diomede, vì không có ai sống ở đó cả. Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, chính quyền đã di dời toàn bộ dân cư trên đảo vào trong đất liền, và hiện nay chỉ còn quân đội cư trú trên đảo.
Ngược lại, dữ liệu mới nhất cho thấy có khoảng 110 người đang sống trên đảo Little Diomede. Họ tập trung lại thành một ngôi làng và nổi tiếng với nghề chạm khắc ngà thủ công.
Người dân sống trên đảo Little Diomede
Tên của hòn đảo được đặt theo tên Thánh Diomede của Hy Lạp, và được chọn bởi nhà hàng hải người Nga gốc Đan Mạch Vitus Bering – người đầu tiên phát hiện ra hai hòn đảo vào ngày 16/8/1728.
Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ có thể thực hiện một chuyến đi từ hòn đảo bên này sang hòn đảo bên kia, nhưng cũng có một trường hợp ngoại lệ. Vào tháng 8/1987, vận động viên bơi lội người Mỹ Lynne Cox đã mạnh dạn thực hiện một hành trình qua vùng nước băng giá này.
Vận động viên bơi lội Lynne Cox
Dù khoảng cách chỉ chưa đầy 5km, nhưng để vượt qua được đòi hỏi người bơi phải có sức chịu đựng tốt và lòng dũng cảm. Nhìn chung, có lẽ đa phần chúng ta sẽ chỉ biết về hai hòn đảo này trên lý thuyết chứ khó có cơ hội đắm mình trong làn nước băng giá và tự trải nghiệm.
Nguồn: UNILAD, The Ghost Village
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/tuong-khong-that-ma-that-khong-tuong-2-vung-dat-chi-cach-nhau-mot-quang-boi-nhung-co-the-giup-ban-du-hanh-thoi-gian-20221222165700314.chn” name=””]