Không dài như đường sắt xuyên Siberia, tuyến đường sắt xuyên Iran, nối liền Nam – Bắc đất nước được xem là một trong những công trình kỹ thuật vĩ đại nhất được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Đường sắt xuyên Iran dài 1.394km là một kỳ công kỹ thuật, một trong 33 địa điểm vừa được thêm vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO |
Đưa vào sử dụng năm 1938 sau 11 năm xây dựng, tuyến đường sắt có chiều dài 1.394km từ Bandar-e Emam Khomeyni trên vịnh Ba Tư đến Bandar Torkaman trên Caspi. Tuyến đường đi qua hơn 220 đường hầm, trong đó có 11 đường hầm xoắn ốc và gần 400 cây cầu. Điểm cao nhất của tuyến đường là đỉnh núi 2.130m ở Tehran.
Trong quá trình hoàn thành tuyến đường sắt này, các đơn vị xây dựng đã đối mặt với hàng loạt khó khăn về địa chất và kỹ thuật. Việc kết nối hai dãy núi khổng lồ ở Tehran là một quá trình phức tạp do địa hình hiểm trở và thời tiết nóng gay gắt. Một số đường hầm bị bỏ dở do phát hiện các mỏ muối và thạch cao khi đang xây dựng…
43 nhà thầu từ nhiều quốc gia đã cùng hợp lực làm đường. Đặc biệt, kinh phí xây dựng (ước tính khoảng 39 triệu USD vào thời điểm hoàn thành, tức hơn 2,7 tỷ USD theo số liệu ngày nay) hoàn toàn của Iran, không có bất kỳ tài trợ nào từ các quốc gia khác. Đường tàu hỏa xuyên Iran là phần đầu của nỗ lực hiện đại hóa thông tin liên lạc và nền kinh tế Iran trong những năm 1930 của nhà lãnh đạo Reza Shah-Pahlavi.
Đường đi của tuyến tàu hỏa này xuyên qua hai dãy núi, vượt qua nhiều sông, hồ, cao nguyên, rừng và đồng bằng, qua bốn khu vực khí hậu khác nhau. Do vậy, suốt cuộc hành trình, du khách có thể ngắm nhìn nhiều cảnh đẹp ngoạn mục.
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất là đoạn đi qua cầu Veresk ở vùng núi Alborz. Cây cầu do một nhà thầu người Ý xây dựng vào năm 1934 – 1935, dài 112,40m, cao 110m so với đáy thung lũng. Cùng với việc ngắm nhìn cầu Veresk, du khách sẽ đi qua những đoạn đường vòng và khúc cua có cảnh quan tuyệt đẹp.
Ở đoạn qua Doround và Andimeshk, đường tàu đến gần phố cổ Susa có niên đại 4.200 năm trước Công nguyên. Hai di sản thế giới khác cũng nằm trong khu vực này là hệ thống nước thủy lực cổ đại của Shustar và khu phức hợp Elamite tại Chogha Zanbil, bị bỏ hoang từ năm 640 trước Công nguyên.
Ngày 25/7/2021, tuyến đường sắt này là một trong 33 địa điểm mới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trao danh hiệu Di sản Thế giới, cùng với các địa điểm nổi tiếng thế giới như Venice (Ý), Machu Picchu (Peru), Vườn quốc gia Yellowstone (Mỹ)…
Khánh Vân
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/doc-dao-tuyen-duong-sat-tu-ba-tu-den-caspi-a1464587.html” name=””]