“Bonenkai” – mùa tiệc tùng cuối năm của ngươi Nhật Bản dù đã trở thành truyền thống nhưng vẫn khiến nhiều người lo sợ khi phải đối mặt với việc nhậu cùng sếp và đồng nghiệp.
Ngày cuối năm cận kề, nhưng bữa tiệc tất niên, gặp mặt liên hoan luôn là dịp hội ngộ của nhiều người. Với một đất nước giàu truyền thống như Nhật Bản, từ “bonenkai” được dùng để gọi chung những bữa tiệc vào dịp này, nơi những người đồng nghiệp tụ tập cùng nhau uống rượu, bia để gắn kết tình cảm.
Mùa “bonenkai” trở lại sau thời gian dài các hoạt động bị hạn chế do dịch Covid-19
Truyền thống kéo dài nhiều thế kỷ
Theo đó, trong tiếng Nhật, “bonenkai” có nghĩa là “quên hết đi” với hàm nghĩa quên đi năm cũ để đón chào năm mới. Truyền thống này vốn được cho là bắt đầu giữa các thành viên hoàng tộc trong thời Muromachi (1336-1573) dưới hình thức những bữa tiệc với thi ca và tiệc rượu. Đến thời Edo, những bữa tiệc cuối năm này phát triển thành những bữa tiệc với nhiều đồ uống như thời nay.
Thông thường, tháng 12 là thời điểm mà những bữa tiệc “bonenkai” sẽ diễn ra. Tại đây, những người đồng nghiệp sẽ dành hàng giờ bên nhau tại nơi làm việc cùng nhau tổ chức một buổi tối “nomunication”, một từ ghép của động từ uống rượu (nomu) và giao tiếp (comunication).
Bữa tiệc tổng kết là truyền thống lâu đời của Nhật Bản
Nỗi sợ khó nói về thứ “không cần thiết”
Dù là dịp cả năm mới có một lần và được coi là ngày gắn kết giúp đồng nghiệp giao lưu và hiểu nhau hơn nhưng dần dần những bữa tiệc “bonenkai” này cũng tạo nên sự lo sợ đối với nhiều người, đặc biệt là những người lao động trẻ.
Trong một cuộc khảo sát, tờ báo Asahi Shimbun đã yêu cầu độc giả trẻ trực tuyến chia sẻ suy nghĩ của họ về đêm trước của mùa “bonenkai” và nhận thấy nhiều người không còn hứng thú với những bữa tiệc cuối năm, khi họ buộc phải uống rượu cùng với đồng nghiệp của mình và đặc biệt là sếp.
Nhiều người trẻ e dè trước những bữa tiệc cuối năm
Nhiều người được hỏi cho biết họ sợ truyền thống này vì áp lực phải giao tiếp và thể hiện bản thân với các đồng nghiệp cấp cao và sếp. Thậm chí một người mô tả bữa tiệc tất niên này chẳng là gì “sự dằn vặt tột cùng”.
Sự dè dặt của những người này cũng được nhận thấy trong cuộc khảo sát gần đây của Bảo hiểm nhân thọ Nippon khi cho thấy hơn 60% số người trẻ được hỏi tin rằng việc giao tiếp sau giờ làm việc là “không cần thiết”, trong khi chỉ vỏn vẹn 11% cho rằng đó là điều “hoàn toàn cần thiết”.
Nhóm phản đối lớn nhất nêu ra áp lực phải tuân thủ hệ thống phân cấp của công ty trong một cuộc gặp gỡ lẽ ra phải là một cuộc tụ họp vô tư, trong khi những người khác coi “bonenkai” là một hình thức làm thêm giờ không được trả lương.
Với việc tỷ lệ người sử dụng đồ uống có cồn của người trẻ ngày càng thấp tại Nhật Bản, việc phải đến những bữa tiệc toàn rượu và bia cũng khiến họ thêm phần e sợ.
Lo ngại về vấn nạn “ngủ trên đường”
Là dịp tụ tập và uống đến “quên hết đi”, nhiều người cũng lo ngại về vấn đề an toàn khi những hạn chế do đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế ban đêm của Nhật Bản đã hoàn toàn được dỡ bỏ.
Theo đó, sau khi bình thường hóa trở lại các hoạt động như thời điểm trước đại dịch, các nhà chức trách cũng như phía cảnh sát và người dân đều lo ngại các bữa tiệc “bonenkai” cũng có thể góp phần gây ra hàng loạt ca tử vong do những người bị ô tô đâm khi họ đang ngủ trên đường.
Cảnh sát lo ngại về số vụ tai nạn gia tăng do ngủ trên đường trong mùa “bonenkai”
Theo cảnh sát Nhật Bản, số người chết do ngủ quên trên đường ở thủ đô Tokyo đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái, từ 7 lên đến 13 người, trong đó có 10/13 người sử dụng đồ có cồn trước khi gặp tai nạn.
Sự gia tăng mạnh về số vụ chết người đã khiến sở cảnh sát đô thị kêu gọi mọi người uống rượu một cách hợp lý trong mùa “bonenkai” để đảm bảo họ và đồng nghiệp của họ về nhà an toàn.
Nguồn: The Guardian, Insider
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/van-hoa-bonenkai-lien-hoan-tat-nien-tai-nhat-ban-giup-gan-ket-tinh-dong-nghiep-nhung-la-noi-so-kho-noi-voi-gen-z-20221218111144339.chn” name=””]