Cũng muộn nhưng có còn hơn không, tại sao những năm trước tôi không nghĩ ra việc này nhỉ?
Bánh Trung thu là một loại bánh chỉ bán theo mùa, hạn sử dụng ngắn, rất mềm khi ăn…
Những năm qua, tôi đã có dịp thử qua vài lò bánh nhà làm chất lượng, đến hẹn lại lên, cuối tháng Bảy bắt đầu nhận đơn đặt hàng. Trong vòng hai phút, vài tin nhắn trao đổi qua lại, đơn bánh được chốt. Dù tôi đang ở Huế nhưng vẫn có thể dễ dàng đặt bánh ship về Quảng Trị.
Nếu các loại bánh nên ăn sớm, càng cách xa hạn sử dụng càng tốt thì bánh Trung thu lại khác. Sau khi ra lò, nên đợi vài hôm cho lớp dầu bên trong tươm ra, mướt mềm, lấp loáng khắp mặt vỏ bánh, lúc đó ăn mới ngon. Bánh mềm, quyện, dẻo, rất phù hợp với người già.
Cách đây mấy năm, có lần tôi hỏi nội: “Nội thích ăn món bánh Trung thu vị nào?”, nội ngơ ngác vài giây, sau đó cười xòa rồi xua tay bảo: “Nội ở quê không thiếu gì, cây trái ngoài vườn đầy. Có gì ngon, con cứ để dành cho các cháu”. Cuộc trò chuyện ngắn ấy rồi cũng nhanh chóng bị lãng quên. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu vì sao nội lại ngớ ra vài giây khi nghe nhắc đến vị bánh Trung thu. Cả đời nội có khi chưa được nếm chiếc bánh Trung thu nào cũng nên.
Thời đất nước còn đầy khó khăn, mọi hàng hóa đều phải xếp hàng mua theo tem phiếu, nội lại phải nuôi một đàn con thơ lớn lên trong cảnh xa chồng nên dễ gì ăn được những món ngon.
Ngày tôi rời nhà đi học đại học, ngoài dúi vào tay tôi số tiền nội ki cóp được từ những khoản bán rau, dưa mỗi ngày, nội còn nhón thêm cho tôi chục viên kẹo dừa, kẹo chanh. Nội nói, đi đường mệt, học bài mệt thì ngậm vào. Những viên kẹo chanh nhỏ xíu lọt thỏm trong lòng bàn tay có lẽ là món bánh kẹo duy nhất nội có lúc bấy giờ. Gói kẹo nhỏ được nội cất trong chiếc hộp thiếc đặt trên đầu giường, đựng chung với mấy chai dầu nóng, kim chỉ, nút áo, cau khô… Nó là kho báu của nội.
Nội có tuổi nhưng dẻo dai lắm. Quanh năm suốt tháng, mẹ cùng ba tôi bán mặt ngoài đồng, mọi việc trong nhà đều giao một tay nội quán xuyến. Sáng sớm, nội lo chuyện ăn uống cho bọn heo gà; trưa nội phơi trở lúa má, đậu cà; chiều nội tắm rửa, cơm nước cho đàn cháu nhỏ.
Ảnh: Việt Hưng |
Nội không có thói quen ngủ trưa. Những trưa trời miền Trung nắng như đổ lửa, nội ngồi cùng cây sào dài gần sân phơi, đuổi gà không cho ăn lúa. Trong bốn đứa cháu, đứa nào thích ăn món gì, bị dị ứng kiểu thời tiết thế nào nội đều biết rõ.
Tiệm bánh Trung thu năm nay tôi đặt mua tuy không nổi tiếng nhưng chủ tiệm là người rất yêu bếp núc. Chị làm bánh bằng cả tấm lòng. Năm ngoái, chị làm mười vị, năm nay chị bổ sung thêm vị khoai môn và khoai lang. Tôi dặn chị tăng thêm mỗi vị một cái để xem củ khoai khi nội đào từ ngoài vườn vào nấu lên và khi đã được tán nhuyễn ngào đường cẩn thận, loại nào ăn ngon hơn. Không biết nội có thích bánh Trung thu hay là lại mắng cho vài câu quen thuộc: “Tổ cha bây, làm được mấy đồng không lo tiết kiệm, co kéo, lại bắt đầu phung phí. Nội ở đây không thiếu gì”.
Dư âm mùa lễ Vu lan vẫn còn đó. Ai đó từng nói, còn cha còn mẹ, còn ông bà trên đời là sự may mắn, đủ đầy hạnh phúc nhất. Tôi cũng là đứa may mắn nên càng thấm thía sự đủ đầy, giàu có ấy. Dù lấy chồng xa quê nhưng cả nhà chưa bao giờ để tôi thiếu thốn thứ gì về mặt tình cảm lẫn vật chất.
Hằng tháng, nội vẫn thúc giục mẹ tôi gom trứng gà, rau sạch, bắp chuối sứ, củ nén, trái ớt… rồi gói ghém, đóng hộp gửi xe từ quê vào cho tôi. Trong những cuộc gọi hằng tuần, nội vẫn luôn mong ngóng một cái hẹn của tôi về thăm quê.
Đêm nay, trời thu bát ngát trăng vàng, bọn trẻ con sau một hồi phá cỗ đã say sưa chìm vào giấc ngủ, tôi tự nhiên muốn chạy về nhà, hô biến mình bé lại rồi nằm rúc đầu vào chiếc áo bà ba ngát thơm mùi trầu của nội…
Gió từ bờ sông thổi vào, còn mấy lần tôi được tặng bánh Trung thu cho nội?
Diệu Thông
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/tang-banh-trung-thu-cho-noi-a1472369.html” name=””]