Lam Sơn xưa là vùng đất cổ, từ thời Hùng Vương, thuộc miền tây Thanh Hóa, núi rừng trùng điệp, hiểm trở, nối liền với Lào. Lối vào là mấy con đường mòn nhỏ hẹp, xuyên rừng, vượt núi, hiểm nguy rình rập. Lam Sơn nay thuộc thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân), có di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Hơn 60 năm trước, lũ trẻ quê miền Nam học lịch sử rất mê mẩn những câu chuyện đẹp như thần thoại: Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, Lê Thận đắc bảo kiếm sông Chu, Sự tích núi Dầu…, đặc biệt là “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo.
Giếng cổ và Nghi môn, Lam Kinh – Ảnh: Vũ Đình Sỹ |
Đám trẻ chăn bò thời đó, con gái thường nghêu ngao “Em đố anh từ Nam chí Bắc. Sông nào là sông sâu nhất? Núi nào là núi cao nhất nước ta? Anh mà giảng được cho ra. Thì em kết nghĩa giao hòa cùng anh”. Cánh con trai đáp lại “Sâu nhất là sông Bạch Đằng. Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan. Cao nhất là núi Lam Sơn. Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra”.
Nhờ làm du lịch, tôi đã mấy lần xúc động xuôi sông Bạch Đằng, đứng trước bãi cọc gỗ kiêu dũng ngàn năm. Lam Sơn thì tôi chưa đến dù chỉ cách vài chục phút leo dốc. Điều đó sau này tôi mới biết. Đó là ngọn núi Lê Lợi (1385-1433) dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Minh xâm lược từ năm 1418-1428. Cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ, ác liệt nhưng đầy ắp nhân văn và nghĩa khí “Nhân – Trí – Dũng” Đại Việt.
“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi…”. (Bình Ngô đại cáo). Tội ác của giặc đến tột cùng. Vậy mà khi chiếm được thành Đông Quan, Lê Lợi đã tổ chức Hội thề Đông Quan để giặc Minh tạ lỗi, cảm ơn trời đất. Hơn 100.000 tướng, lính giặc Minh được cấp tàu bè, ngựa xe, lương thực, quần áo để về nước.
Lam Sơn xưa là vùng đất cổ, từ thời Hùng Vương, thuộc miền tây Thanh Hóa, núi rừng trùng điệp, hiểm trở, nối liền với Lào. Lối vào là mấy con đường mòn nhỏ hẹp, xuyên rừng, vượt núi, hiểm nguy rình rập. Lam Sơn nay thuộc thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân), có di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Thành điện Lam Kinh xưa “Tọa sơn hướng thủy”, theo tiêu chuẩn vàng phong thủy Á Đông. Tiền án núi Chúa, tả rừng Phú Lâm, hữu núi Hương, tây núi Hàm Rồng án ngữ. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu xây theo trục Nam – Bắc, trên khoảng đồi gò, hình chữ vương (王). Chiều dài 314m, ngang 254m, tường bắc hình cánh cung, bán kính 164m, dày 1m. Thành xưa có Ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu Thái miếu… nguy nga tráng lệ.
Chính điện khu di tích Lam Kinh và núi Lam Sơn nhìn từ trên cao |
Khu di tích lịch sử Lam Kinh quy hoạch hơn 200ha, vùng lõi chiến khu Lam Sơn xưa mà trung tâm là những lăng phần, đền miếu, hành cung các vua Hậu Lê về bái yết tổ tiên. Cầu Bạch (Tiên Loan Kiều) xưa làm bằng gỗ lim (nay phục dựng bằng đá), hình cánh cung, trên sông Ngọc, kiến trúc “Thượng gia hạ kiều” dẫn khách vào thành. Qua cầu là giếng cổ, đường kính mấy chục mét, nước trong xanh màu ngọc bích, quanh năm ổn định, cấp nước cho cổ thành; xưa bờ đất, lối lên xuống lát đá, nay kè đá toàn bộ, không có lối lên xuống.
Ngọ môn gồm 3 gian. Gian giữa rộng 4,6m, gian bên rộng 3,5m. Nền rộng 11m, dài 14m, có 3 cửa ra vào. Sân rồng (sân chầu) rộng 3.539m2; lối lên là thềm lớn, rộng 5m, có 9 bậc, 3 lối lên, lối giữa rộng 1,8m, lối bên rộng 1,21m, trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc, mây hóa rồng.
Khu chính điện gồm 3 tòa điện lớn, nền cao 1,8m, ngang 38m, sâu 46m. Phía sau chính điện (9 tòa Thái Miếu) là Vĩnh Lăng Lê Thái Tổ, có minh đường sông Ngọc và bình phong núi Chúa, gối tựa núi Dầu; tả, hữu “hổ phục rồng chầu”. Lăng đắp đất, xung quanh xây chèn bằng gạch vồ xếp khít đá đục nhám, được bổ sung khi tôn tạo sau năm 1995. Phía trên lăng đắp đất, giao hòa âm dương.
2 bên có 2 hàng tượng quan hầu và 4 đôi thú đá trấn trạch (nghê, ngựa, tê giác, hổ). Khoảng năm 1933, người dân cung tiến 2 cặp voi quỳ chầu bằng vôi vữa, hướng chầu và kích cỡ khá lớn. Linh vật cổ thường nhỏ hơn để không lấn át linh hồn người đã khuất. Bia Vĩnh Lăng cưỡi rùa bằng đá trầm tích biển nguyên khối; cao 2,97m, rộng 1,94m, dày 0,27m. Rùa dài 3,46m, rộng 1,9m, cao 0,9m.
Trước Vĩnh Lăng có cây ổi cười. Dùng ngón tay cù nhẹ lên thân, cây rung nhẹ như đang cười dù không có gió. Cây “cười” do thế cây, có nhiều nhánh nhỏ, dài, vươn ngang. Chỉ cần chút kích hoạt, cây sẽ “cười”. Trong khu di tích có nhiều cổ thụ, trong đó có “Cây lim hiến thân” hơn 600 năm tuổi (tương đương tuổi khởi nghĩa Lam Sơn).
Nghe kể, cây lim đang xanh tươi bất ngờ trút hết lá khi dự án phục hồi phỏng dựng chính điện Lam Kinh được duyệt năm 2010. Thân và cành lim đủ kích thước làm cột cái, cột quân, cột góc, thượng lương, phục vụ lễ Phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10/2010. Đường kính gốc lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái 0,8m, phần ngọn 0,65m vừa khít chân đá tảng cột quân. Dường như cây lim này sinh ra để thực hiện sứ mệnh 600 năm sau, cho hậu thế.
Ngôi mộ đất khiêm tốn như nhân cách Bình Định Vương Lê Lợi – sống anh hùng áo vải vì dân; thác khiêm cung nhắn gửi. Vĩnh Lăng bình dị nhưng trầm mặc, linh thiêng. Càng hiểu hơn tâm nguyện Lê Lợi khi dựng cờ tụ nghĩa Lam Sơn.
Mấy lần đến Lam Kinh, tôi chỉ vội vàng quanh quẩn chính điện, Vĩnh Lăng… Tháng Bảy vừa rồi, cùng một nhóm khách, tôi quyết lên Lam Sơn. Lam Sơn còn gọi là núi Dầu. Tương truyền, đêm đêm, Lê Lợi thắp đèn dầu, làm hiệu đón nghĩa sĩ về tụ hội. Dầu do một người phụ nữ cung cấp. Người này bị giặc phát hiện, giết hại. Dân gian vẫn lưu truyền “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu”.
Cầu Bạch trên sông Ngọc Lam Kinh |
Đường lên núi uốn lượn giữa rừng, chừng 500m, lát đá, trời mưa nên khá trơn. Quãng đường khiến chúng tôi hơi mệt nhưng không quá khó. Ai cũng hồ hởi, muốn chinh phục đỉnh Lam Sơn để rồi khi tới nơi thì hụt hẫng vì không có dấu tích gì ngoài một ngôi miếu nhỏ.
Theo tôi, có thể làm ngay bia đá dẫn tích hoặc biểu tượng Lam Sơn. Nên dành một khoảng đất trống để các doanh nhân khởi nghiệp đưa nhân viên đến khai doanh, xin anh linh tổ tiên, trời đất và Lam Sơn phù hộ.
***
Hôm ấy, đỉnh Lam Sơn mưa dầm, gió se sắt. Tôi cứ mãi băn khoăn vì hiện hữu chưa tương xứng với tầm vóc Lam Sơn. Đền đài như hiện nay là đủ, không cần làm thêm nhưng rất cần phục dựng các di tích: “Ruộng rau má Lê Lợi”, “Khu hậu cần và bếp ăn Lam Sơn”, “Lò rèn đúc binh khí nghĩa quân”, “Bãi tập luyện quân sĩ”, “Kho thóc và muối”, “Doanh trại nghĩa quân”… Nếu được vậy, Lam Kinh sẽ là trại trường huấn luyện học sinh, sinh viên Việt Nam. Du khách đến Lam Kinh phải lưu trú vài đêm trở lên mới cảm nhận được phần nào “Hào khí Lam Sơn” một thời oanh liệt và trường tồn.
Khu di tích Lam Kinh cách bến xe Thanh Hóa 57km, ga Thanh Hóa 53km, sân bay Thọ Xuân 13km. Quốc lộ 47 đi Lam Kinh đường khá tốt. Ngoài các đặc sản Thanh Hóa, Lam Kinh có đũa kim giao, nấm lim xanh, rau má (dạng tươi, khô, bột)… Nơi đây có nhiều quán ăn bình dân chất lượng. Du khách thường kết nối Lam Kinh với suối Cá Thần, nghỉ đêm Pù Luông với nhiều trải nghiệm thú vị. Tour thường kéo dài từ 3-4 ngày. |
Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ve-lam-kinh-va-len-lam-son-a1527751.html” name=””]