Bánh kẹp cuốn kiểu miền Tây khi bỏ vào miệng thì giòn rụm, béo ngậy mà thanh tao, không bị ngấy hay ngọt quá.
Hiếm hoi lắm mới thấy khuôn bánh kẹp miền Tây được rao bán trên mạng |
Không như trẻ con bây giờ có nhiều bánh trái để ăn, ngày nhỏ, lũ con nít miền Tây quê tôi chỉ trông vào những khi mẹ rảnh rỗi để xin mẹ nướng bánh kẹp. Đó là món bánh kẹp cuốn giòn tan, béo ngậy mà hình như chỉ có con nít miền Tây quen ăn. Sau này lớn lên, đôi lần tôi nhìn thấy loại bánh kẹp nước cốt dừa na ná như thế bày bán trong siêu thị, nhưng vẫn không thể đúng chất bánh kẹp truyền thống mà tôi được ăn ngày nhỏ.
Hồi đó, cả xóm chỉ có nhà bà Năm Chanh có cái khuôn đổ bánh kẹp. Nói nào ngay, cũng có vài nhà khác có khuôn, nhưng khuôn không được đẹp, to tròn, láng mịn như khuôn của bà Năm. Nghe nói cái khuôn bánh đó là của hồi môn má bà để lại, đặt ông thợ khéo tay làm. Khuôn bánh kẹp của người miền Tây rất đơn giản: gồm 2 miếng kim loại hình tròn hoặc hình vuông, chữ nhật dính một đầu lại với nhau, đầu kia hở ra, có 2 cái tay cầm để kẹp lại. Điểm đặc biệt là 2 miếng kim loại hình tròn kẹp lại với nhau ấy hoàn toàn trơn láng, nếu có họa tiết thì sẽ khắc chìm hình con cá, bông hoa để làm duyên cho chiếc bánh kẹp bên trong, khác với khuôn bánh kẹp tàn ong – loại bánh hiện vẫn được bán khá nhiều ở thành phố.
Do cả xóm chỉ vài nhà có khuôn bánh kẹp, nên mỗi khi có giỗ chạp hay lễ tết là phải đăng ký ngày mượn từ trước, để chủ khuôn sắp xếp sao cho khỏi trùng nhau. Không ít lần, cũng vì giành nhau mượn cái khuôn đẹp nhất xóm của bà Năm mà mấy bà mấy chị còn đâm giận hờn nhau.
Nguyên liệu làm bánh kẹp chủ yếu là bột mì, bột gạo, nước cốt dừa, trứng gà, đường cát được pha chế theo đúng công thức, miễn sao bột không cứng, không khô, có vị ngọt, béo là được. Quan trọng là hỗn hợp trứng, bột, đường phải được đánh lên cho thật sánh, tơi, mịn. Mỗi lần mẹ làm món bánh này, tôi và chị thường thay nhau đánh bột đến mỏi nhừ cả tay thì hạt đường cát hòa trong bột mới chịu tan.
Kỳ công nhất là khâu nướng và cuốn bánh. Khi nướng phải khéo tay, nhanh nhẹn; nếu bột chín quá, bánh sẽ khét, còn như nướng chưa tới lửa, bánh sẽ sống, không giòn. Bánh vừa chín, mẹ khéo léo lấy mũi dao nhỏ nhích nhẹ để lấy tấm bánh trải trên mâm. Người phụ trách cuốn bánh phải nhanh tay chịu nóng mà gấp góc, rồi đặt thanh trúc tròn nhỏ vào bên trong và quấn thật nhanh tay. Quấn xong, phải lẹ làng rút thanh trúc ra khỏi cuốn bánh vừa thành hình. Tất cả phải hoàn thành trong vòng chục giây. Khâu này nếu làm chậm, bánh khô lại và giòn rụm thì không thể cuốn được. Cũng có người lười hơn, chỉ gấp miếng bánh tròn thành hình tam giác, hình cái phễu hoặc để nguyên miếng bánh vừa mỏng vừa tròn như cái bánh tráng. Tuy nhiên, với hình dáng như vậy, bánh rất dễ bị mẻ rìa, không đẹp.
Bánh kẹp cuốn kiểu miền Tây khi bỏ vào miệng thì giòn rụm, béo ngậy mà thanh tao, không bị ngấy hay ngọt quá. Ngày nhỏ, mỗi lần ăn bánh kẹp, chúng tôi mỗi đứa phải xin 5-7 cái ăn mới đã thèm. Ngày tết, đi nhà nào chúc tết cũng được đãi bánh kẹp, kẹo chuối, mứt gừng – toàn những món tự làm. Nhà nào có con gái lớn, khách tới nhà sẽ đánh giá độ khéo tay của cô gái ấy qua miếng bánh kẹp đem mời khách. Bánh phải trắng đẹp, cuốn bánh đều đặn, cái bánh mỏng, cầm trên tay nhẹ bẫng mà cắn vô miệng thì giòn tan.
Bây giờ, muốn ăn bánh kẹp cuốn miền Tây phải chờ về quê đám giỗ. Mà cũng rất ít nhà còn giữ thói quen nướng bánh kẹp. Khuôn bánh kẹp cũng không thấy ai bán, tìm nát nước trên mạng cũng chỉ lèo tèo 1-2 nơi rao bán và cũng không thấy ai bán cái khuôn đẹp như của bà Năm Chanh ngày nào. Tết này chắc tôi phải về nói mẹ chỉ cho công thức làm bánh kẹp để còn tập tành làm, kẻo nay mai món bánh trứ danh của lòng tôi bị thất truyền thì thật là buồn.
Hạ Thu
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ve-mien-tay-an-banh-kep-cuon-a1531494.html” name=””]