Vũ thấy sai lầm khi ôm đồm chuyện tiền nong, khiến vợ không hiểu áp lực nợ nần của chồng.
Vừa kết thúc tiệc tân gia, Vũ tiễn khách ra cổng thì chủ cửa hàng vật liệu xây dựng nói nhỏ: “Chú thanh toán giúp anh khoản tiền còn thiếu nhé!”.
Vũ chưng hửng, chẳng hiểu chuyện gì, vì rõ ràng tháng trước anh đã đưa tiền cho vợ đi tất toán. Vì đông người, Vũ không tiện hỏi rõ, đành trả lời: “Để mai mốt em qua chỗ anh rồi tính”.
Vũ không giữ được bình tĩnh khi biết vợ lấy tiền trả nợ để đi làm đẹp (ảnh minh họa) |
Khách khứa về hết, chỉ có mấy người bà con ở lại phụ dọn dẹp, Vũ gọi Loan vào phòng nói chuyện. Khi nghe chồng hỏi về khoản tiền thanh toán cho cửa hàng vật liệu, Loan ngạc nhiên: “Anh nhắc em mới nhớ, nhiều việc quá nên quên, để mai em mang tiền qua trả”.
Vũ càu nhàu tính ẩu của vợ. Anh vốn rất ngại chuyện người khác đòi tiền, vì mượn ai anh đều trả đúng hạn.
Tưởng mọi chuyện xong xuôi, nhưng 2 tuần sau, Vũ gặp chủ cửa hàng ở quán cà phê, anh chủ lại nhắc chuyện trả tiền. Hoá ra, Loan chỉ mới trả được 10 triệu đồng.
Lần này Vũ nổi cơn xung thiên, anh gọi điện ngay cho vợ, yêu cầu cô về nhà nói chuyện.
Lâu nay, biết Loan không giỏi thu vén tiền bạc nên Vũ quản lý tài chính trong nhà. Như chuyện xây nhà, vay mượn tiền, chi phí như thế nào… đều do anh sắp xếp. Hôm đó, vì Loan tiện đường lại sẵn tiền mặt, Vũ mới đưa cho vợ 60 triệu đồng đi trả tiền vật liệu.
Biết không thể giấu được chồng, Loan đành thành thật, cô đã đem 50 triệu đồng đi thực hiện liệu trình trị nám ở thẩm mỹ viện. Vũ nghe xong không thể giữ nổi bình tĩnh. Xây nhà là việc lớn, anh đang phải vay mượn tứ bề, vậy mà Loan vẫn ung dung nghĩ đến chuyện đi làm đẹp.
Hồi mới cưới vài năm, bao nhiêu lương thưởng Vũ đưa hết về cho vợ, nhưng khi hỏi tiền tiết kiệm để tính toán chuyện mua đất, Loan mới cho chồng biết không tích lũy được đồng nào. Hoá ra, bao nhiêu tiền cô vung tay mua sắm, làm đẹp, chi tiêu cá nhân hết.
Từ đó, Vũ phải làm “tay hòm chìa khóa” trong nhà mới nên cơ ngơi như bây giờ. Nếu nói ra, mọi người sẽ nghĩ Vũ chi ly “đong nước mắm đếm củ hành” với vợ, nhưng không làm thế thì chẳng tích lũy được gì.
Hàng tháng, Vũ đưa cho vợ một khoản cố định để lo chi phí sinh hoạt gia đình nhưng phải chia thành 4 đợt, mỗi tuần đưa 1 lần vì sợ Loan tiêu quá tay. Cứ có tiền trong tay là Loan mua sắm linh tinh, toàn những thứ “có cũng được, không cũng chẳng sao”.
Loan đã giữ lại một nửa tiền lương của cô để chi tiêu cá nhân. Vậy mà, thỉnh thoảng Loan vẫn làm chồng giật mình. Có lần cô lấy tiền nộp học phí của con đi mua cái đầm hàng hiệu, có lần lấy tiền mua thuốc cho ông bà trả góp sắm điện thoại mới.
Thay vì ôm đồm chuyện tiền nong, Vũ nên để vợ tham gia tính toán để bớt tiêu xài hoang phí (ảnh minh họa) |
Vũ nhìn vợ với ánh mắt bất lực. Anh đem tất cả sổ sách ghi chép chi phí xây nhà, số tiền vay nợ cho Loan xem rồi nói: “Số tiền nợ làm nhà này giờ chia đôi ra, mỗi người trả một nửa. Em tính sao thì tính chứ anh không kham nổi nữa”.
Nhìn dãy số dài dằng dặc, Loan hoảng hốt, không ngờ số tiền nợ nhiều đến thế. Với thu nhập hiện tại, làm sao chồng Loan có thể xoay xở mà trả nợ hàng tháng?
Vũ chưa thôi rầu rĩ, anh thấy rõ mình sai lầm khi ôm hết trách nhiệm quản lý tiền nong. Lẽ ra anh phải để vợ cùng tính toán, từ đó cô ấy mới rút kinh nghiệm mà cân đối chi tiêu. Loan đã hơn 30 tuổi, mẹ của 2 đứa con, chứ đâu phải cô thiếu nữ bé bỏng mà hoang phí và vô lo.
Hoàng Tùng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/vo-quen-vung-tay-a1486504.html” name=””]