Chuyến xuất hành đầu năm mới là phải thư thả, thong dong, vui vẻ. Vậy mà nhiều người lại bơ phờ, khổ sở vì du xuân.
Mùng 5 tết, gia đình chị T.T.D. (40 tuổi, ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) nảy ý muốn vào TPHCM thăm ông bà ngoại.
Vì chưa có kế hoạch từ trước nên nhà chị D. không mua được vé máy bay bởi tình trạng đi lại giữa các tỉnh/thành mùa tết luôn quá tải. Chị D. được bạn bè chỉ cách, cứ ra sân bay đặt vấn đề với quầy bán vé, đợi có ai bỏ ghế thì mua lại. Đây gọi là cách đi máy bay “vé vớt”.
Vợ chồng chị D. và hai con nhỏ vật vờ ở sân bay Nội Bài từ 8g cho tới 17g vẫn không “vớt” được vé vào TPHCM. Quan niệm đầu xuân xuất hành không suôn sẻ sẽ “dông” cả năm, chưa kể con cái mệt mỏi, quấy khóc làm không khí gia đình hết sức nặng nề.
Đúng lúc cả nhà chán nản, cô nhân viên phòng vé tư vấn rằng vé máy bay từ Hà Nội ra Nha Trang còn ghế. Khi đến Nha Trang, gia đình chị có thể đi xe khách giường nằm vào TPHCM.
Ùn tắc trên các tuyến đường về TPHCM thường xảy ra vào cao điểm tết |
Đã quyết đi chơi thì không muốn quay về, chị D. mua vé cho cả nhà vào Nha Trang. Đáng buồn thay, lúc tới Nha Trang, nhà chị bị mắc kẹt luôn ở thành phố biển này, do vé xe khách về TPHCM đã hết sạch. Tiến thoái lưỡng nan, vợ chồng chị đành phải thuê riêng một chiếc taxi chạy về TPHCM, tốn mấy triệu đồng.
Nhà chị Đ.T.H.X (43 tuổi, ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị hành xác vì chuyến du xuân. Mùng 3 tết, nhà chị mới bàn nhau vào thăm bà con ở TP Vũng Tàu. Chạy vạy các kiểu không mua được vé máy bay, cuối cùng nhà chị X. đổi phương án đi tàu hỏa. Đường không, đường sắt, đường bộ những ngày đầu năm đều kẹt cứng, quá tải. Chồng chị X. phải nhờ mối quen biết mới mua lại được suất ghế ngồi cho gia đình 4 người với giá trên trời. 36 tiếng ngồi tàu, đến nơi cả nhà lăn ra bệnh, tới tận mùng 8 chưa hồi sức.
Cảnh đông đúc, quá tải đâu chỉ xảy ra ở tuyến Hà Nội – TPHCM. Hầu hết những chiều từ các tỉnh/ thành đổ về TPHCM đang bị quá tải trầm trọng. Anh N.Đ.H (27 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, anh với bạn gái vừa từ Nha Trang về TPHCM hôm mùng 7 tết.
Quãng đường ban đầu khá thuận lợi, tuy nhiên càng tới gần TPHCM thì các phương tiện càng di chuyển chậm. Khi chỉ còn cách điểm đến 100km thì xe cộ kẹt cứng, xếp hàng dài. Anh H. xuất phát từ lúc 7g mà tới tận 23g mới về tới nhà.
Đường ra sân bay kẹt cứng xe cộ dịp tết |
Chị P.T.N.A (38 tuổi, ngụ tại huyện Nhà Bè, TPHCM) hãi hùng kể về quãng đường di chuyển bằng xe ô tô riêng từ Đà Lạt về TPHCM của gia đình chị vào Mùng 6 tết. Đường về kẹt cứng tới mức có đoạn cả tiếng xe chỉ nhích được vài chục mét.
Khi về tới địa phận tỉnh Đồng Nai, quá mệt mỏi nên gia đình chị A. đánh xe vào quán ăn bên đường để chờ bớt đông mới đi tiếp. Ai ngờ nhà chị ngồi ăn uống, ngủ nghỉ cả 3 tiếng đồng hồ, ngó ra vẫn còn thấy dòng xe kẹt cứng.
Nửa đêm về tới nhà, các thành viên nhà chị đều mệt lả, chưa kịp thay quần áo mà cứ thế nằm vật ra giường ngủ. Quãng đường Đà Lạt – TPHCM ngày thường lái xe chỉ mất 6 – 7 tiếng, thì lần du xuân này tốn tận 15 tiếng.
Việc kẹt xe kéo dài, ngồi quá lâu trên các phương tiện di chuyển không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà mọi người còn mang tâm trạng xấu, trạng thái tinh thần uể oải. Có lẽ nhiều người sẽ rút ra được bài học đáng nhớ qua đợt du xuân “khắc nghiệt” này.
Thiên An
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/du-xuan-met-moi-vat-va-het-nhu-di-hanh-xac-a1483945.html” name=””]