Anh chê bai đó là việc lao động chân tay, công sức bỏ ra không đủ tiền chữa bệnh, hoặc thoái lui vì lý do phải cạnh tranh. Câu cửa miệng của anh là “không dễ ăn đâu”…
Chồng tôi thất nghiệp đã 2 năm, anh chỉ ở nhà làm bạn với tivi, lấy ghế salon làm giường ngủ, lấy bàn khách làm phòng ăn, chỉ khi cần thiết vào nhà vệ sinh thì anh mới chịu xê dịch. Tôi thấy cạn kiệt khả năng thông cảm cho anh ấy.
Chồng làm bạn với tivi, lấy ghế salon làm giường ngủ… (ảnh minh họa) |
Ban đầu tôi cũng ráng nghĩ: đàn ông coi trọng sự nghiệp, việc thất nghiệp là tồi tệ, ê chề, khổ sở đủ rồi, nên tôi tập hiểu và thông cảm với anh ấy. Nhưng bạn bè, người thân nhận xét về chồng tôi rất nặng lời. Họ nói anh lười biếng, lợi dụng hai tiếng thất nghiệp để lười biếng, ỷ lại, vô trách nhiệm với vợ con.
Ngày trước, khi nghe những lời khó nghe thế, tôi luôn bênh chồng chằm chặp. Tôi lý sự: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chồng tôi thất nghiệp, có liên quan gì đến ai, anh ấy đã vì thất nghiệp mà đi mượn tiền ai chưa?”.
Tôi nghĩ vạch áo cho người xem lưng hay hùa vào chê chồng chẳng hay ho gì, bởi anh ấy từng là sự lựa chọn quyết liệt của tôi. Cứ tưởng thất nghiệp, anh ấy sẽ thay tôi làm những công việc lặt vặt để tôi tập trung kiếm tiền, nhưng vấn đề là suốt 2 năm nay anh ấy cũng chẳng mó tay vào việc gì.
Ngay cả việc phụ tôi dọn cơm, anh cũng chẳng giúp; đón con đi học, cũng một tay tôi. Con cái, anh làm như là con riêng của tôi. Chuyện đưa rước, bày dạy con như là trách nhiệm của mẹ. Bếp núc không phải chuyện đàn ông.
Còn sức dài vai rộng, nhưng anh lại cứ luôn miệng than: “50 tuổi rồi, làm gì còn cơ hội”… Người ta 65, 70 tuổi vẫn đi làm, chồng tôi mới 50, ăn vẫn còn trẻ trung trong mọi việc, sao anh lại chọn sống lười biếng và ích kỷ thế?
Xung quanh mình, tôi thấy có hàng trăm việc để kiếm tiền, nhưng cứ khi tôi gợi ý, thì anh tìm cách chê bai đó là việc lao động chân tay, công sức bỏ ra không đủ tiền chữa bệnh, hoặc thoái lui vì lý do phải cạnh tranh. Câu cửa miệng của anh là “không dễ ăn đâu”…
Tôi hiểu chồng, với anh tôi bây giờ, cơ hội phải được trao tận tay, gọi tận tên, va việc làm phải “xịn xò”, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Nhưng thực ra anh cũng chỉ là một cử nhân thôi mà, sĩ diện làm chi để không chịu làm việc phổ thông, như vậy có phải bất công với tôi quá không?
Tôi vừa đi làm công sở kiếm tiền, vừa bôn bán lặt vặt nuôi 4 miệng ăn đâu phải chuyện dễ dàng. Nhưng có vẻ như chồng tôi hãnh diện khi nghe người ta khen anh sung sướng, nhàn hạ vì có vợ giỏi giang. Tôi thì thấy mình bị lợi dụng, tủi thân kinh khủng. Do không được chia sẻ, không có ai để than thở vài câu, nên đầu óc tôi ngày càng căng thẳng, stress.
Lèo lái con thuyền gia đình, từ kinh tế tới tất tần tật mọi chuyện lớn nhỏ, đến giờ này tôi thấy mình đã không còn khả năng đóng vai siêu nhân nữa. Những khi kiệt sức, tôi chỉ muốn bỏ việc, tung hê tất cả, lên xe về quê nằm dài trong căn nhà của cha mẹ rồi mai này trồng rau nuôi gà sống qua ngày. Nhưng rõ ràng tôi không thể bỏ mặc cha con anh mà đi như vậy…
Đàn ông tốt chẳng bao giờ để vợ xấc bấc xang bang vì miếng cơm manh áo. Cha lười và ỷ lại thế này, sao có thể làm gương cho con cái đây!
Mai Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chong-luon-tho-than-50-tuoi-roi-lam-gi-con-co-hoi-a1480455.html” name=””]