Vụ 6 người chết ở Thái Lan được cảnh sát xác định do nợ nần, hung thủ đầu độc 5 người rồi tự sát. Đòi nợ sao để an toàn cho mình là chủ đề nhiều người đang bàn luận.
Nhiều con nợ bị tung ảnh, bôi nhọ danh dự trên trang Facebook “Nợ Xấu Sài Gòn” (ảnh chụp từ Facebook) |
Trong 6 người tử vong, gồm có vợ chồng chủ nợ là N.T.P.L (47 tuổi) và P.T.H. (49 tuổi) và nghi phạm được xác định con nợ là Việt kiều Mỹ Serine Chong (56 tuổi). Theo cảnh sát Thái Lan, số tiền nợ khoảng hơn 7 tỷ đồng.
Đây không phải là vụ án mạng đầu tiên xuất phát từ nguyên nhân đòi nợ – mượn nợ. Ngày 16/7, Tòa án tỉnh An Giang đã tuyên phạt Ngô Nhụt Quân (19 tuổi) 19 năm tù vì hành vi chém chết chủ nợ khi bị nhắn tin đòi 2 triệu đồng.
Trước đó, ngày 2/7/2023, Cơ quan Công an nhận được trình báo của gia đình anh Nguyễn Văn Thu về việc anh bị mất tích từ ngày 30/6/2023. Công an huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vào cuộc xác minh thì phát hiện anh Thu đi đòi nợ và bị con nợ sát hại rồi chôn thi thể để phi tang.
Ngày 20/8/2003, anh T. ở Vĩnh Long đến cửa hàng vật liệu xây dựng của Nguyễn Quốc Cường để đòi nợ. Hai bên xảy ra xô xát và anhT. đã bị Cường đánh chết.
Nguyễn Quốc Cường – con nợ đánh chết chủ nợ |
Vậy đòi nợ thế nào để lấy được tiền và giữ an toàn cho mình? Đây là chủ đề rất nhiều người đang bàn luận. Tôi – một người từng là chủ nợ – và cũng nhiều lần là con nợ xin chia sẻ câu chuyện của mình.
Tôi từng bị giật nợ không dưới 2 lần. Trong đó có 1 lần vào năm 2010 – tôi bị giật 1 cây vàng – là tất cả tài sản tiết kiệm của tôi.
Bạn tôi là dân xây dựng, than thở không có tiền vì bị chủ đầu tư nợ tiền bạn và bạn lại nợ lương công nhân, nếu bạn không trả lương, công nhân sẽ nghỉ làm. Nghe cám cảnh nên tôi vét 1 cây vàng đưa cho bạn mượn.
Khi đó cô bạn thân của 2 chúng tôi đã “bỏ nhỏ” với tôi: “Cho mượn một nửa thôi, đừng dốc hết tài sản cho mượn, lỡ có xui xẻo gì thì mình tay trắng”. Nhưng tôi lờ đi, vì tôi nghĩ, đã giúp bạn thì phải giúp hết khả năng.
Thời hạn 3 tháng trả nợ đã đến, bạn xin khất thêm 10 ngày, nửa tháng, một tháng rồi hơn 1 năm sau bạn cũng chưa trả và né tránh tôi. Thấy bạn một mình gà trống nuôi con và ngành xây dựng đang quá khó khăn, nên tôi cũng không dồn bạn đến cùng. Kết quả là tôi mất luôn 1 cây vàng và mất luôn tình bạn. Tới nay, tôi vẫn không thể gặp lại bạn hay có bất cứ tin tức gì liên quan đến bạn.
Lần bị giật nợ thứ 2 cách đây 5 năm, tôi cho một người họ hàng bên chồng mượn 10 triệu đồng. Chị hứa 1 tháng sau sẽ trả cho tôi. Nhưng 6 tháng sau chị chỉ trả được 5 triệu đồng. Mỗi lần đòi nợ chị là tôi stress nặng, vì phải nghe 1001 câu chuyện thương tâm “con bệnh, chồng nằm viện, chị té xe, tiền hàng của chị bị giam…”.
Chị khiến tôi vừa mệt mỏi vừa bực, bởi tôi cũng chẳng khá giả gì. Nhưng trên hết là chị đi kể với họ hàng bên chồng, biến tôi thành một kẻ xấu khi đòi nợ trên cảnh khổ đau của chị (thực chất chị còn khá hơn hoàn cảnh của tôi: phải nuôi hai con nhỏ, chồng mới nghỉ việc). Trong lúc khó khăn, thắt ngặt, tôi đã phải đi mượn nợ bạn bè (2-3 triệu đồng), biến mình thành con nợ, dù rõ ràng là tôi có 10 triệu đồng mà chị đang cầm.
Lần cuối, tôi nhắn tin nói hết cảm xúc và khó khăn của mình và quyết định quên số tiền đó để còn tập trung đi làm kiếm tiền nuôi con.
Một người tạt sơn vào nhà con nợ ở quận Gò Vấp để đòi tiền (ảnh trích từ camera an ninh) |
Sau 2 bài học lớn này cùng nhiều lần bị quỵt nợ nho nhỏ khác, tôi tự rút kinh nghiệm và có nguyên tắc bất di bất dịch trong tiền bạc: Không bao giờ cho mượn hết số tiền mình có; không thế chấp tài sản lớn như nhà đất để vay nợ giùm (hồi hộp lắm), không dồn con nợ đến đường cùng, với những trường hợp nhìn thấy trước không có khả năng trả, thà giúp cho một phần tiền còn hơn cho mượn (để đỡ tức khi đòi nợ không được).
Dù người nhà, hay bạn bè thân thiết, trước khi cho mượn tiền, tôi luôn nói rõ: “Tiền bạc là chuyện tế nhị, nên em nói trước, mích lòng trước, đặng lòng sau. Tiền này em chỉ cho mượn được từ ngày tháng này đến ngày tháng này (tôi là người ấn định thời hạn trả, chứ không phải người mượn), vì vậy em phải lấy lại để làm việc của em, nên anh/chị tính kĩ xem ngày đó có gửi lại được em không. Nếu không thì sao?
Ngược lại, những khi kẹt tiền tôi cũng hỏi mượn bạn bè, người thân, nhưng tôi luôn giữ nguyên tắc của con nợ: phải giữ uy tín, mượn nợ phải trả đúng hẹn, trong trường hợp bất khả kháng thì phải báo cho chủ nợ biết. Và khi mượn nợ, tôi luôn hứa trừ hao so với ngày mình dự kiến có tiền 2-3 ngày để đề phòng trục trặc.
Vì những nguyên tắc này mà tôi trở thành con nợ… uy tín và chủ nợ có uy. Nếu người mượn trả không đúng hạn, mình có đòi cũng không bị họ giận (vì đã nói rõ trước), và họ sẽ có cảm giác áy này khi không trả đúng hẹn, chứ không phải cảm giác oán giận “cho mượn có nhiêu mà đòi hoài/ người ta kẹt mà đòi hoài”.
Mới đây, khi hay tin tôi cho B. – cậu tài xế của chị gái mượn 5 triệu đồng, chị đã mắng tôi: “Nó mượn nợ giáp xóm ở quê, nó mượn chị 20 triệu rồi, hứa hoài mà có trả đâu, cũng không trừ lương được vì nó còn nuôi con. Mày cho mượn là khỏi lấy lại”. Chị nói làm tôi cũng lo. Trước hạn trả hai ngày tôi nhắn tin cho B. “em nhớ ngày mốt (ngày 9/7) gửi tiền lại chị nha. Ngày đó chị phải đóng tiền lãi ngân hàng, không trễ được”. Và đến hạn, B. đã gửi trả tôi đủ 5 triệu trong sự bất ngờ của chị gái và đứa cháu tôi làm công nhân cho B. mượn 2 triệu đã 1 năm vẫn chưa trả.
Tôi nghĩ mình may chỉ một phần như chị gái nói. Điều quan trọng nhất là việc tôi nói rõ và tất cả những ai quen với tôi, đều biết tôi là người dễ tính- nhưng trừ chuyện tiền bạc là tôi cực kì nguyên tắc và dó cũng là giới hạn của tôi. Do vậy, việc tôi mượn nợ và cho mượn nợ cũng thường xuyên, nhưng (trộm vía) đến giờ mối quan hệ giữa chủ nợ- con nợ, con nợ- chủ nợ vẫn luôn vui vẻ, không mất lòng nhau.
Ngọc Quyên (Bình Tân, TPHCM)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/toi-la-chu-no-va-la-con-no-uy-tin-a1523500.html” name=””]