Ai đã qua tuổi thơ cơ cực hẳn đều giữ trong tâm trí những kỷ niệm không thể nào quên, đặc biệt là những món ăn mà chỉ nhà nghèo mới có cơ hội thưởng thức. Với tôi, canh tấm rau lang là món ngon để đời.
Canh rau lang chắc mọi người đều biết, nhưng canh tấm rau lang thì dẫu có tìm khắp… Google vẫn là bí ẩn.
Ngày đó, nhà tôi nghèo lắm. Nhà có 5 chị em thay nhau đau ốm, chỉ mỗi tiền thuốc thang thôi đã oằn vai cha mẹ. Có những lúc, nhà tôi hầu như không có cơm để ăn, chỉ toàn ăn khoai và rau để sống. Sau đó, mẹ tôi bắt đầu xoay đủ cách để có tiền. Mẹ mua lúa của người dân rồi mang đi xay. Trấu dùng để đun nấu, cám để nuôi heo. Mẹ thường ngồi ngoài sân sàng gạo. Gạo lớn trên sàng, hạt tấm dưới sàng đều để bán.
Nhớ quê, thỉnh thoảng tôi lại nấu tô canh tấm rau lang để tìm lại mùi vị của ngày xưa |
Thỉnh thoảng, mẹ để lại cho chị em tôi vài ba ống bơ đầy tấm để nấu cơm. Nhưng thường thì chị Hai sẽ không nấu cơm. Chị bảo: “Nấu cơm không đủ cho cả nhà ăn, chị sẽ chế biến một món để các em no căng bụng mà chỉ cần 1 lon tấm nhỏ”.
Chị giao việc cho mọi người: chị Ba đi bắt cua đồng, chị Tư đi cào lá bạch đàn trên ngọn đồi gần nhà. Tôi nhỏ nhất nhà, nhận nhiệm vụ ra vườn hái một rổ rau lang. Chị Hai dặn đi dặn lại: chỉ được hái lá non, không hái lá già, cũng không được ngắt đọt rau lang non.
Sau khi nguyên liệu đã đủ đầy, chị cho tấm vào rổ, đặt lên thau nước vo đi vo lại để rửa sạch những vỏ trấu nhỏ, những bông cỏ mì li ti còn sót lại. Một nửa số cua đồng chị cho vào cối giã nhỏ, rây lấy nước và thịt cua, nửa còn lại để lại nướng nguyên con.
Chị châm lửa, những chiếc lá bạch đàn tí tách reo ca, mùi thơm tinh dầu ấm áp xộc vào cái mũi khụt khịt của tôi những ngày đông giá rét. Chị bắc chảo lên rang tấm cho đến khi có màu ngà ngà với mùi thơm phưng phức là được.
Rồi chị cho một chút mỡ heo vào nồi, giã nắm hành tăm nồng nồng mới đào trước ngõ. Khi mỡ trong nồi nóng lên, chị cho hành tăm vào đảo nhanh tay. Những củ hành nhỏ xíu còn hắc nồng như vậy, mới vào nồi thôi đã thơm nức mũi. Hành vừa vàng thơm, chị cho ít nước vào nấu. Khi nước sôi sùng sục, chị đổ chảo tấm vừa rang vào, đun lửa thật to cho sôi rồi để lửa liu riu cho những hạt tấm chín thật nhừ.
Khi những hạt tấm bắt đầu chín mềm, chị Hai mới đổ thêm nước lọc cua đồng vào nấu cho đến khi sôi lại lần nữa rồi nêm nếm gia vị, đặc biệt không thể thiếu mắm tôm. Trong lúc nấu canh, chị thoăn thoắt cho phần cua đồng còn lại lên nướng. Chị cũng bắt đầu xắt mỏng rau lang, cho vào nồi rồi nhắc ra khỏi bếp.
Bữa tiệc thịnh soạn của những đứa trẻ nông thôn nhà nghèo bắt đầu. Múc một muỗng tấm cho vào miệng, kèm chút nước canh và miếng rau, lại thêm tí cua đồng vón cục. Cảm giác ngọt ngào lan tỏa. Từng miếng tấm kết dính vào nhau mềm nhừ như vừa là cơm, vừa là cháo, vừa như khoai xéo, lại như thể nắm xôi dẻo những ngày tết mẹ vẫn thường nấu. Từng miếng rau vừa dai giòn, vừa thanh mát quyện vào vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng của mắm tôm khiến tôi chưa kịp nhai đã nuốt chửng vào bụng. Những con cua đồng nướng thơm mềm, giòn tan được bọn trẻ chúng tôi nhai rôm rốp, rộn ràng cả gian bếp. Đặc biệt, món canh tấm rau lang, nếu rắc ít ớt bột sẽ mang hương vị ngon khó lòng diễn tả.
Có lẽ lúc đó, do quá nghèo đói mà chị tôi tạo ra món ăn đặc biệt này để tiết kiệm số tấm ít ỏi mẹ đã chắt chiu giữ lại cho các con. Một nồi canh thôi đã đủ no bụng cả nhà. Món canh tấm rau lang rất ngon ấy, thỉnh thoảng chị mới nấu cho chúng tôi. Và mỗi lần được ăn, với tôi đều như lần đầu, với tất cả sự háo hức khát thèm thơ trẻ.
Giờ tôi đã vững vàng nơi phố thị, có cửa rộng nhà cao với những bữa ăn thịt cá ê hề, vậy mà vẫn thèm biết bao tô canh tấm rau lang của ngày xưa nghèo đói. Thỉnh thoảng tôi vẫn nấu một nồi để cả nhà cùng thưởng thức. Bọn trẻ con thích thú ăn ngon lành vì món lạ mẹ làm; còn tôi như được sống lại những phút giây của ký ức, của nỗi nhớ niềm thương trong sâu thẳm trái tim rộn rã kéo về.
Nguyễn Mỹ Hạnh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/la-lung-canh-tam-rau-lang-a1528266.html” name=””]