Chị Trâm đưa ra bản tính toán chi tiêu lên tới 44 triệu đồng, nhiều người nhật xét rằng các khoản trong danh sách có thể còn tốn kém hơn.
Vấn đề chi tiêu sinh hoạt ở thành phố chưa bao giờ hết nóng, đặc biệt khi tình hình kinh tế khó khăn mà các khoản sinh hoạt, điện nước, giá nhà… đồng loạt tăng cao. Mới đây, cộng đồng mạng lại được phen sôi nổi khi một bà mẹ Hà Nội chia sẻ bảng chi tiêu của gia đình.
Cụ thể, trong danh sách gồm các khoản cơ bản mỗi tháng cần phải dốc hầu bao, chị chi đến tận 44 triệu/tháng mới đủ. Thoạt nghe qua, chắc ai cũng sẽ nghĩ là nhiều. Nhưng khi nhìn kỹ từng khoản mục cần chi, phần lớn người dùng mạng xã hội đều gật gù cho rằng: “Vậy là bình thường, không bớt được khoản nào”.
Chị Trâm, 32 tuổi, ở Hà Nội cho biết gia đình chị có 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ, trong đó có một bé sơ sinh. Anh chị chưa mua nhà mà hiện đang thuê một căn chung cư tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Công việc chính của chị là bán hàng online với thu nhập mỗi tháng khoảng 25-40 triệu đồng. Công việc của chồng chị là về điện nước, thu nhập mỗi tháng khoảng 12-16 triệu đồng. Cộng lại, hai vợ chồng chị có thu nhập dao động mỗi tháng khoảng 45-50 triệu đồng. Vì các khoản chi tiêu quá nhiều, mỗi tháng gia đình chị đều tiêu gần hết số thu nhập này nên không thể dành tiền mua nhà.
Bảng chi tiêu cụ thể của nhà chị Trâm |
Khi chị Trâm mới chia sẻ về con số 44 triệu đồng, mọi người đều ngỡ ngàng vì mức đó quá cao so với thu nhập bình quân của người Hà Nội. Nhưng chị Trâm đã đưa ra danh sách các khoản cố định để chứng minh và theo chị thì không thể bớt được khoản nào:
– Tiền điện nước, Internet và di động: 1,1 triệu đồng.
– Tiền thuê nhà và phí quản lý: 7 triệu đồng.
– Tiền gửi xe: 230.000 đồng (do gửi 1 chiếc xe đạp 30.000 đồng và 2 chiếc xe máy 200.000 đồng).
– Tiền gửi ô tô: 800.000 đồng.
– Tiền xăng xe: 1,5 triệu đồng (Vì ô tô nhà chị chỉ dùng để đi về quê hoặc đi chơi cuối tuần nên tốn nhiều hơn, còn mỗi ngày đi làm hay đưa con đi học, đi chợ… vợ chồng chị dùng xe máy cho tiện).
– Tiền thuê giúp việc: 6 triệu đồng.
– Tiền ăn cho 5 người và 1 giúp việc: 12 triệu đồng (Để tiết kiệm chi phí, cứ cuối tuần chị lại liệt kê hết các món cần mua rồi đi chợ đầu mối mua 1 lượt. Cả nhà chị đều ăn sáng tại nhà và để phong phú bữa ăn, chị cứ luân phiên thay đổi cho đỡ ngán, nào cơm rang, xôi, bún, cháo, mì…).
– Tiền gas và các thứ đồ dùng linh tinh khác trong nhà: 1 triệu đồng. (Thường mỗi tháng nhà chị không dùng hết bình gas nhưng phải mua các thứ như giấy vệ sinh, kem đánh răng, xà phòng…)
– Tiền học của con 2 con lớn: 4,7 triệu đồng (2 con chị đều học trường công + tiền học Anh văn).
– Tiền sữa cho các con: 1 triệu đồng.
– Tiền hiếu hỷ: 1 triệu đồng.
– Bảo hiểm cho cả 5 thành viên trong gia đình: 5 triệu đồng.
– Tiền vui chơi cuối tuần như café, xem phim, shopping: 2 triệu đồng (Cuối tuần vợ chồng chị thường dẫn con ra ngoài chơi, nếu tuần nào không đi thì để dành lại để bù cho chuyến đi du lịch vào các dịp nghỉ lễ).
– Tiền dự phòng ốm đau: 1 triệu đồng.
Như vậy, tổng các chi phí: 44,33 triệu đồng.
Với các khoản chi tiêu chi tiết như trên, cộng đồng mạng cho rằng không hề lố, không hoang phí. Theo đó, nếu so sánh với mức tiêu của gia đình mỗi người hay đặt mình trong hoàn cảnh người trong cuộc, ai cũng công nhận khó có thể giảm hay bớt khoản nào.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng nếu họ chi tiêu giống nhà chị Trâm, chi phí phải đội lên thêm nữa vì có những khoản như tiền gửi xe ô tô, thuê nhà, tiền lương cho người giúp việc… nhiều nơi còn cao hơn.
“Bài này ở năm bao nhiêu mà tiền gửi ôtô có 800 ngàn đồng thế? Rẻ nhất 1,2 tới 1,5 triệu đồng rồi”; “Nhà 3 đứa trẻ, 1 bé sơ sinh mà thuê người giúp việc 6triệu là còn quá rẻ. Chưa kể các khoản bỉm sữa, gửi xe, điện nước, ăn uống của nhà chị còn chi tiêu ở mức tiết kiệm được. Nhà mình tình trạng y hệt nhà chị này, mức tiêu còn nhiều hơn mà không thể nào tiết kiệm được chỗ nào luôn ấy”.
“Ở Hà Nội vẫn thuê được chung cư 7 triệu đồng/tháng cho 5 người ạ? Mình ở Sài Gòn thuê chung cư toàn hơn 10 triệu đồng với căn 2 phòng ngủ thôi”.
“Tiêu như thế này hợp lý mà. Điện nước và xăng xe nhà này còn ít. Xăng tăng giá, điện máy lạnh mùa hè còn hơn bảng kê kia”… chỉ là số ít trong rất nhiều bình luận cho rằng số chi tiêu nhà chị Trâm là hợp lý.
Phần lớn người dùng đều cho rằng chỉ người trong cuộc mới hiểu con số nào cũng là tối ưu rồi. Riêng những khoản như chi phí giải trí, cho con đi chơi cuối tuần cũng hợp lý, bởi vì sống không nên quá tằn tiện. Khi đã đưa gia đình đi chơi thì phải tiêu đến tiền triệu nếu sử dụng các dịch vụ bên ngoài.
“Tôi thấy chi tiêu như nhà chị này là hợp lý, không tằn tiện kham khổ. Nhìn nhiều nhà kê chi tiêu kham khổ mà toát mồ hôi”; “Đọc bảng chi tiêu có khoản người giúp việc và bảo hiểm là khoản không phải ai cũng có, còn những thứ khác là bình thường, tiền thuê nhà đã 7 triệu đồng rồi!”.
“Mình không thuê giúp việc, không thuê nhà, không thuê chỗ đỗ xe, nhưng nhà 2 vợ chồng 3 đứa con dưới 7 tuổi mỗi tháng đã chi 2/3 số tiền này. Mình ở tỉnh chứ chưa tính là ở thủ đô”; “Nhà 4 người, tháng nào cũng tiêu 40 triệu, nói ai không biết thì cứ bảo phung phí, chứ riêng tiền bỉm sữa váng sữa, cháo, linh tinh xung quanh con cũng quá một nửa”…
Ngoài những ý kiến đồng tình với bảng chi tiêu, rất nhiều người cho rằng mức chi tiêu như vậy là cao và chỉ phù hợp với những gia đình có thu nhập tương xứng.
“Cao hay thấp ít hay nhiều là do khả năng về thu nhập và tài chính họ hoạch định cho cuộc sống, mỗi người mỗi nhu cầu sống và công việc khác nhau”; “Mức thu nhập nào thì tiêu như thế. Công nhân có mức tiêu dùng của công nhân, nhân viên văn phòng có mức tiêu của nhân viên văn phòng, người làm ăn kinh doanh có mức tiêu dùng của ng làm ăn kinh doanh, đại gia có mức tiêu của đại gia… Cái này không so sánh ai với ai, hay như thế nào là hợp lý được”.
“Có gì đâu. Lựa cơm gắp mắm thôi. Lương 100 triệu tiêu kiểu 100 triệu. Lương 10 triệu vẫn sống dc tốt nếu cân đối mọi thứ được. Mỗi gia đình một cách chi tiêu và kiếm tiền khác nhau”.
Thực tế thì cách cân đối chi tiêu như thế nào trong mỗi gia đình là phụ thuộc vào từng hoàn cảnh riêng. Sẽ có những người muốn tằn tiện chi tiêu, sẽ có những người muốn thoải mái một chút và thậm chí cũng không ít người cho rằng cần phải… “bung lụa” để sống thật sung sướng. Chưa kể điều này còn phụ thuộc vào mức thu nhập của từng gia đình.
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về bảng chi tiêu của gia đình chị Trâm?
Linh Nguyễn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nha-5-nguoi-tieu-44-trieu-dong-moi-thang-dan-mang-nhan-xet-the-la-binh-thuong-a1462358.html” name=””]