Gia đình tan tác, người đàn ông mất tất cả vì người chị ruột rà. Thà bị tranh đoạt bởi người dưng, có lẽ anh đã ít đau khổ, phẫn uất hơn.
Cách đây hơn 10 năm, khi còn là phóng viên mảng phóng sự của một tạp chí dành cho phụ nữ, tôi từng viết bài về một gia đình ở gần nhà ngoại mình. Gia đình có 2 chị em, cô chị đi lấy chồng và được mẹ cho của hồi môn từ mấy mươi năm trước. Cậu em trai ở với mẹ, kết hôn, sinh con và phụng dưỡng mẹ trong căn nhà từ đường.
Bà mẹ luôn nói để lại nhà cho con trai, vì con gái đã được chia phần, nhưng lại không làm di chúc. Đến khi mẹ mất, cô chị về đòi chia nửa căn nhà. Cậu em không chịu, hàng xóm cũng đứng ra làm chứng bà cụ khi còn sống luôn nói để lại nhà cho con trai.
Dĩ nhiên là lời nói gió bay, không có ý nghĩa trước pháp luật. Cô chị đâm đơn kiện ra tòa. Vì người đã mất không để lại di chúc, theo luật quy định, tòa phán phát mãi căn nhà để chia đôi tài sản thừa kế. Người em kháng cáo bất thành nhưng kiên quyết không rời đi.
Người em trong một phút nóng giận đã phạm tội chống người thi hành công vụ (Ảnh minh họa) |
Ngày tòa đến cưỡng chế, người em (vào thời điểm đó là người đàn ông 42 tuổi làm nghề hàn ống pô xe máy, là chồng của người vợ thợ may, là cha của hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi học) đã cầm gậy xông ra chống người thi hành công vụ để bảo vệ căn nhà mà anh ta đã gắn bó, bảo vệ tài sản đã được mẹ hứa cho, bảo vệ mái ấm cho vợ và con. Kết quả, anh bị tống giam vào tù, vợ và con vẫn phải dọn ra khỏi nhà, phải lang bạt đi thuê chỗ trọ trong tình cảnh thiếu vắng trụ cột gia đình.
Đến giờ, khi ngồi viết lại những dòng này, tôi vẫn còn nhớ như in gương mặt đau khổ và ánh mắt tuyệt vọng của người vợ. Thật khó để hình dung được nỗi đau mà chị đang trải qua khi vừa mất nhà, chồng vừa đi tù, hai con bơ vơ thiếu bố, còn chị phải gồng gánh nuôi cả gia đình với đồng lương thợ may ít ỏi.
Gia đình tan tác, người đàn ông mất tất cả vì người chị ruột rà. Thà bị tranh đoạt bởi người dưng, có lẽ anh đã ít đau khổ, phẫn uất và biết đâu sẽ kiềm chế tốt hơn.
Gia đình tan tác chỉ vì lòng tham của người ruột thịt (Ảnh minh họa) |
Những ngày này, tôi nhớ đến câu chuyện ấy khi vụ án ba con gái cùng nhau đốt nhà mẹ vì không được chia đất như ý gây bàng hoàng dư luận. Thật lạ lùng là đất của mẹ, mẹ cũng đã nuôi con lớn khôn, mẹ cũng đã chia phần, nhưng chỉ vì không hài lòng với phần đã chia mà rủ nhau đốt nhà mẹ. Tôi nghĩ, hành động ấy chỉ là bột phát trong lúc nóng giận, nhưng cái căn nguyên của sự nóng giận ấy bản thân nó đã vô cùng không hợp lý, cũng chẳng hợp tình.
Có cha, có mẹ để phụng dưỡng người ta mừng còn không hết, cớ gì lại đi oán trách và gây hại chỉ vì tài sản ngoài thân? Công nuôi, công dưỡng đã báo đáp chưa mà giờ còn đi oán trách? Giành một miếng đất mà để tình cảm gia đình tan vỡ đến không cứu vãn nổi, bản thân mình và mẹ già mang thương tật thì liệu có đáng không? Bao nhiêu tiền đáng để đổi lấy tất cả những tổn thương và chua xót ấy?
Và ba người phụ nữ ấy, tôi đoán họ cũng có con rồi. Và con họ sẽ nhìn họ như thế nào nếu thấy mẹ mình đối xử với bà ngoại như vậy? Rồi mấy mươi năm sau nữa, khi con cái trưởng thành và đối đãi bất hiếu như cách họ đang đối xử với mẹ mình bây giờ, họ có thấy chua xót không?
Có lẽ chẳng ai nhìn xa được như vậy, họ chỉ nhìn thấy một mảnh đất hay căn nhà vô tri vô giác ngay trước mắt mà quên rằng, tiền hóa ra lại là thứ dễ tìm lại nhất và cũng là thứ tan biến nhanh nhất khi nhắm mắt xuôi tay.
Không tài sản nào đáng giá bằng cha mẹ già (Ảnh minh họa) |
Tổn thương cũng đã tổn thương rồi, tôi nghĩ người làm cha làm mẹ rồi cũng sẽ tha thứ cho con cái. Nhưng ngay cả sự tha thứ vĩ đại nhất cũng không thể xóa nổi tội lỗi bất hiếu treo trên đầu. Chỉ mong, bất kỳ ai trước khi vì đất đai, nhà cửa, tài sản… mà trở mặt và muốn làm hại người thân có thể dừng lại mà ngẫm nghĩ: liệu rằng khi chết đi ta có thể mang theo được gì, nếu không phải là những tình cảm và ký ức tốt đẹp về nhau?
Cao Bảo Vy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-noi-dau-nao-nhu-noi-dau-tranh-doat-dat-voi-nguoi-ruot-thit-a1477093.html” name=””]