Phải chi chị đừng quá tin con cháu, đừng cho vay tiền thì đâu đến nỗi tiền mất mà tình thân cũng chẳng còn như bây giờ.
“Sáu ơi, con Thy nó vỡ nợ nên bỏ trốn rồi. Chủ nợ đòi đến tận nhà dì Ba, xào xáo hết rồi Sáu ơi!”.
Tin nhắn lúc 5 giờ sáng từ cô cháu ruột con anh Hai làm chị giật mình choáng váng. Con Thy trốn nợ, trời ơi, 100 triệu đồng của chị!
Thy là con của chị Ba, chị ruột chị. Trước giờ, quan hệ giữa các anh chị em nhà chị rất tốt, đặc biệt là chị và chị Ba. Hai nhà cách nhau hơn 20 cây số nhưng cuối tuần nào, chị cũng chạy về nhà chị Ba cùng đổ bánh xèo, nấu nồi chè đậu xanh rồi ngồi đánh tứ sắc, kể chuyện trên trời dưới đất…
Chị Ba có hai người con, con trai lớn tên Thành đang ở với mẹ, con gái thứ tên Thy lấy chồng và thuê nhà ở cách đó chừng 5 cây số. Hai đứa cháu cũng rất thân thiết với chị, đặc biệt là bé Thy, có chuyện vui chuyện buồn gì với chồng con Thy đều tỉ tê kể chị nghe.
Họ từng rất thân thiết và thường tụ tập nấu nướng mỗi cuối tuần (Ảnh minh họa) |
Cách nay chừng nửa năm, Thy rủ chị đầu tư mua đất ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thy nói đất trên đó đang sốt lắm, chừng mấy trăm triệu một miếng thôi, bây giờ mua để dành đó, vài năm sau là nó lên vài tỷ. Chị không rành đất đai nên ban đầu từ chối. Nhưng Thy tâm tình mãi chị cũng xiêu lòng, lại nghĩ đến khoản lời vài năm sau đủ cho con trai cưới vợ nên chị quyết định vét hết tiền dành dụm sau nhiều năm làm lao công gửi cho cô cháu đầu tư đất.
Nhận tiền từ chị, Thy làm giấy nợ, cam kết đàng hoàng, cùng tỷ lệ phần trăm tiền lời chị nhận được sau khi bán đất. Thy cũng dặn chị đây là mối ngon, Thy chỉ rủ mình chị nên đừng kể ai nghe, kẻo Thy bị trách sao không rủ họ.
Vụ đất đai xong xuôi, Thy rủ chị chơi hụi. Khi đó, chị đang có khoản chơi hụi nhỏ trong xóm nên Thy xin chơi cùng. Thấy Thy là cháu chị, hàng xóm cũng vui vẻ cho theo. Được đâu vài tháng, Thy bảo kẹt tiền đóng tiền đóng tiền học cho con nên xin rút trước. Tháng kế tiếp, đến hạn đóng, Thy lại viện cớ hụt tiền nhờ chị ứng cho. Đến tháng kế nữa, Thy lại xin khất và nhờ chị ứng.
Cảm thấy lo lắng, chị hỏi dò Thy tình hình làm ăn, đất đai thì cô cháu khoát tay: “Dì Sáu yên tâm, con kẹt tiền làm ăn vài tháng thôi, chứ đảm bảo tháng sau con chồng đủ. Dì cháu với nhau, không lẽ con gạt tiền dì”. Nghe vậy, chị cũng an tâm, xong lại tự trách mình lẩn thẩn, ai lại đi nghi ngờ con cháu.
Chẳng ngờ, nỗi nghi ngờ ấy lại hóa thành sự thật. Tháng này, Thy vỡ nợ, vợ chồng con cái ôm nhau bỏ trốn. Đến lúc này chị mới biết, hóa ra Thy không đầu tư đất gì cả, lương tháng vỏn vẹn vài triệu đồng mà thích xài sang, mua xe đẹp, điện thoại xịn, lo quần áo hàng hiệu cho con, lại máu mê cờ bạc…
Đến khi không trả nổi lãi thì gạt tiền của chị bù vào. Không chỉ riêng mình chị, các anh chị em họ và cậu dì khác cũng bị Thy gạt vay tiền, người ít thì năm mười triệu, người nhiều thì đến cả trăm triệu như chị.
Vì Thy vỡ nợ và bỏ trốn, chủ nợ tìm đến tận nhà chị Ba. Chị Ba gần như ngất xỉu khi nghe chủ nợ kê ra Thy vay lên đến hơn 300 triệu đồng, đó là chưa kể khoản vay từ người nhà.
Không còn cách nào khác, chị Ba và con trai lớn quyết định bán nhà trả nợ, phần còn dư sẽ đi mua một căn nhà khác ở ngoại ô. Chị và các anh chị em tuy cám cảnh chị Ba nhưng đều thở phào nhẹ nhõm vì bây giờ ít ra, cũng thu hồi được tiền.
Vì tiền mà tình thân không còn (Ảnh minh họa) |
Nhưng không, chị Ba và con trai lớn chỉ trả tiền cho bên vay nặng lãi để được yên thân, còn tiền vay người nhà thì từ chối trả. Chị Ba bảo bán nhà xong phải trả nợ nên tiền chỉ còn một ít, đủ để mua nhà vùng ven nên không còn tiền.
Chị khóc, gần như quỳ sụp xuống lạy chị Ba, xin trả cho chị một nửa thôi cũng được, vì đó là toàn bộ tiền dành cho tuổi già của mình, nhưng chị Ba thoái thác, bảo mọi chuyện do con trai quyết, chị không biết gì.
Con trai lớn của chị Ba thì kiên quyết: “Ai vay người đó trả, dì kiếm con Thy mà đòi!”. Vậy là xem như chị mất trắng tiền, lại còng lưng cõng thêm khoản đóng hụi hàng tháng của Thy và bản thân.
Chị suy sụp, đổ bệnh một thời gian dài rồi gắng gượng dậy đi làm, lại tiếp tục gom góp từng đồng xu còm cõi. Chị cũng cắt đứt luôn với gia đình chị Ba, xem như đoạn tuyệt.
Thỉnh thoảng, vào những ngày cuối tuần rỗi việc, chị ngồi bên hiên nhà đổ bánh xèo một mình, nhớ cảnh trước kia gia đình sum họp đầm ấm mà buồn. Phải chi chị đừng quá tin con cháu, đừng cho vay tiền, thì đâu đến nỗi tiền mất mà tình thân cũng chẳng còn…
Trần Khoa Yêng Hạ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chau-gai-vo-no-di-mat-trang-tien-duong-gia-a1477486.html” name=””]