Hoàng quả quyết: “Bằng cách gì thì bằng, con phải du học. Có bán nhà cũng phải cho con du học!”
Hoàng là mẹ đơn thân, một mình nuôi con trai ăn học. Trung – cậu con của Hoàng học rất giỏi. Cách đây 3 năm, khi mới 15 tuổi, cháu đã đạt 7.0 ở kỳ thi IELTS, được các thầy cô định hướng nên du học.
Sau một số chuyến đi tìm hiểu về du học, Hoàng khăng khăng tương lai của con trai phải ở nước ngoài chứ không thể ở Việt Nam.
Thế nhưng là người quen với gia đình Hoàng từ hàng chục năm qua, tôi khuyên cô ấy suy nghĩ lại. Tôi thấy Trung học rất giỏi, nhưng ngoài việc học hầu như cháu không biết làm bất cứ việc gì, kể cả tự chăm sóc cho mình. Quần áo mặc xong cũng không biết gom vào máy giặt. Đồ máy giặt, sấy xong không biết phơi giúp khi mẹ bận việc ra ngoài. Chén ăn xong không biết rửa, còn nhà cửa, phòng ốc thì chẳng biết lau dọn.
Cậu bé không hề thích đi du học, nhưng mẹ thì xem đó là đích đến duy nhất ( Ảnh minh họa) |
Trung ham học, nên Hoàng không nỡ để con làm việc gì ngoài học. Nhiều khi đến nhà chơi, tôi thấy Hoàng còn lột sẵn chuối, đút vào miệng Trung khi cháu cứ ung dung ngồi làm toán.
Mỗi ngày, dù làm viên chức văn phòng, nhưng Hoàng cứ tất tả vì 6 chuyến xe đi đưa rước con vừa học chính quy ở trường, vừa học Anh văn, vi tính. Ngoài giờ học, hai mẹ con Hoàng cũng hay cùng nhau đi chơi công viên, siêu thị, nhưng bao giờ cũng vậy, ngay khi mẹ tay xách nách mang, thì Trung cứ thẫn thờ, đi đi lại lại quan sát, xem cái này, nhìn cái kia…
Mỗi lần đi chung, tôi thắc mắc sao nhìn con cứ ngơ ngơ vậy, Hoàng cười xòa: “Kệ đi, nó học hành căng quá để cho con thư giãn”.
Ước muốn cho con trai du học được Hoàng ấp ủ nhiều năm qua. Ban đầu Trung cũng hớn hở, quyết tâm theo ý mẹ. Thế nhưng khoảng một năm nay, từ khi bước chân vào lớp 12, dù được mấy trường gửi thông báo chấp nhận hồ sơ du học. Thậm chí có trường đã gửi thông báo học bổng toàn phần nhưng Trung không hào hứng nữa.
Có lần Tân – con trai tôi – cùng tôi qua nhà Hoàng sửa máy tính giúp Trung. Trung gặp Tân nói chuyện rất vui vẻ. Trước khi hai mẹ con tôi về, Trung khẽ nói với mẹ: “Mẹ, con thích giống anh Tân con dì Lan, học đại học ở Việt Nam xong rồi đi làm”.
Hoàng gạt ngang: “Anh Tân khác con! Giờ có mấy trường nhận hồ sơ của con luôn rồi! Phải biết nắm lấy cơ hội!”.
Không lâu sau đó Hoàng tìm tôi tâm sự, cô ấy cho biết đang rất thất vọng về con trai. Trung không còn muốn đi du học nữa. Thế là cô ấy đưa Trung đi khắp nơi để mong các chuyên gia tư vấn, khuyên con trai chịu đi du học. Thân tình, tôi phân tích cùng Hoàng việc lợi hại khi một bạn trẻ như Trung đi du học, nhưng cô cứ khăng khăng, du học là giấc mơ cả đời của cô ấy.
Xưa vì nhà nghèo nên đã lỡ mất ước mơ nên giờ con trai sẽ thay mẹ thực hiện giấc mơ đó. Hoàng cho biết đã dành dụm đủ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Nếu Trung chịu đi, cô bán ngay ngôi nhà mặt tiền trị giá gần 10 tỷ đồng đang ở để mua lại căn hộ nhỏ hơn, có tiền lo cho con.
Nghe ước mơ cùng nỗi đau đáu của Hoàng, tôi mất ngủ. Làm sao khuyên được bạn tôi đây? Bán nhà cho con du học chỉ để con thay mẹ thực hiện giấc mơ thời con gái, trong khi con không hề nguyện ý ra đi. Kết cuộc rồi Hoàng, rồi Trung sẽ nhận được gì? Tôi không dám nghĩ…
Mi Lan
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ban-nha-cho-con-du-hoc-nen-chang-a1462501.html” name=””]