Quê tôi đang vào mùa ruốc biển. Trong các chợ tràn ngập màu hồng của những khay ruốc tươi. Tại các vùng biển tấp nập cảnh cào ruốc, phơi ruốc, trở ruốc… Ruốc là món ăn giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người đón nhận.
Vào mùa ruốc, năm nào má cũng mua dăm chục ký phơi để dành. Và lúc đó, tuy bữa cơm nào cũng có mặt của ruốc nhưng chúng tôi không thấy ngán vì má biết cách chế biến nhiều món ăn hấp dẫn từ ruốc.
Món đầu tiên, đơn giản nhất là món ruốc xào khô. Má cho dầu vào chảo, đợi nóng, cho ruốc vào xào. Má dùng đũa đảo nhanh tay, rồi cho mắm, đường, hành tỏi… Khi con ruốc khô ráo và chuyển sang màu nâu đỏ thì tắt lửa, thêm ít tiêu… Món ruốc xào này ăn với cơm nóng hay nguội, hay cháo gì… cũng đều rất ngon.
Má còn xào ruốc với nhiều loại nguyên liệu khác. Bên nhà ngoại có cây khế ngọt trĩu quả. Đó là lý do trên mâm cơm nhà chúng tôi thường xuất hiện món ruốc tươi xào khế. Má bắc chảo lên bếp với chút dầu ăn, thêm tỏi băm cho thơm. Sau đó cho khế đã được xắt thành lát mỏng vào xào sơ rồi cho ruốc vào. Đảo đều, cho chút nước mắm và để lửa riu riu cho đến khi rút cạn nước, con ruốc bóng lên, bốc mùi thơm phức.
Thỉnh thoảng đổi vị, má cho cả nhà ăn món ruốc tươi xào khế xúc bánh tráng. Ai nấy túc tắc bẻ từng miếng bánh tráng giòn tan, xúc vào đĩa ruốc, lấy một ít, cho vào miệng nhai, từ từ thưởng thức vị ngọt dịu, đậm đà hương vị biển của ruốc. Ngon tuyệt! Sau này, chúng tôi đi du lịch nhiều nơi, ăn nhiều thứ ngon, cũng không quên được món ruốc xào khế của má.
Nguyên liệu kèm với món ruốc xào còn rất nhiều thứ khác: đậu rồng, cải xanh, giá, cải rổ, bông bí, cần tây… Món nào cũng thơm ngon.
Ruốc biển tươi mà nấu canh với các loại rau quả như mướp, khổ qua, rau nhớt, rau tập tàng, bầu, bí… hay nấu canh chua với cà, thơm… không chỉ ngon tuyệt mà còn bổ và mát. Thỉnh thoảng, ngày nghỉ hoặc có khách, má đãi cả nhà một món ăn độc đáo từ ruốc, đó là gỏi ruốc. Để làm gỏi ruốc, má chọn loại ruốc không chỉ thật tươi, còn nhảy tanh tách mà phải là loại ruốc màu nâu đỏ, tức ruốc già, món ăn mới ngon và ngọt.
Ruốc được nhặt sạch rác, rửa sạch, vắt cho ráo nước. Cho ruốc vào một tô lớn rồi vắt chanh vào, ướp khoảng mươi phút là ruốc chín, không còn mùi tanh. Sau đó cho thêm chút muối, đường, tiêu, gừng thái chỉ, ớt xắt mỏng, rau thơm… Món gỏi ruốc còn giữ nguyên vị ngọt tự nhiên nên rất ngọt, hòa quyện giữa vị cay nồng của ớt, gừng, mùi thơm của rau thơm… Gỏi ruốc ăn với bánh tráng nướng hay bánh phồng tôm, thêm ly rượu nho hay cốc bia… Ngon hết ý!
Qua mùa ruốc, chúng tôi vẫn được thưởng thức những món ăn từ ruốc khô của má. Trước khi chế biến, má luôn rửa ruốc nhiều lần cho sạch cát rồi để ráo nước. Cũng như ruốc tươi, ruốc khô được nấu thành nhiều món hấp dẫn như nấu canh, xào với rau cải ngọt hay củ sắn.
Nhưng đơn giản nhất là món ruốc khô rang sả ớt. Má đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, đổ ruốc, sả xắt nhỏ vào xào rồi thêm mắm, đường… Dùng đũa đảo đều để ruốc khô lại. Khi vừa tắt bếp, cho vào chảo ít ớt bột khô. Món ăn này tuy đơn giản nhưng rất đưa cơm, nhất là vào những ngày mưa gió hay tiết trời se lạnh.
Má còn làm món ruốc khô chiên trứng. Đầu tiên là xào ruốc với tỏi phi, nêm ít mắm muối. Sau đó cho ruốc ra chén, để hơi nguội rồi trút phần ruốc xào này vào trứng, khuấy đều. Nêm gia vị vừa ăn, cho lên chảo chiên. Món ruốc chiên trứng này có mùi thơm đặc biệt, ngon không thể tả…
Má đã đi xa. Nhưng năm nào đến mùa chúng tôi cũng mua ruốc biển, để thưởng thức các món ngon từ ruốc biển và để nhớ má…
Giao Thủy
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ruoc-bien-qua-tay-ma-mon-nao-cung-tuyet-a1465397.html” name=””]