Tôi nhớ mãi vị cà đắng giã ớt rừng, ăn với chén cơm nóng trong căn nhà sàn của mế Kăn Hin, dưới chân dãy Trường Sơn.
Cà đắng, món ăn gây thương nhớ |
Mỗi lần từ TP. Huế ngược lên A Lưới, tôi hay ghé qua nhà mế Kăn Hin. Hôm đó, tôi cắp rổ tre theo mế Kăn Hin ra đồi phía sau nhà, chậm rãi hái từng nắm cà dại màu xanh. Đám cà dại mọc hoang đầy khắp triền đồi. Những chùm trái màu xanh to chỉ bằng ngón tay. Mế nói ăn đắng lắm, nhưng nếu ăn được sẽ thấy ngon, thấy nhớ.
Mế cắt bỏ từng cuống cà, rửa sạch từng trái dưới làn nước suối trong veo chảy róc rách bên hè. Mế rửa thêm nắm lá rừng, nắm ớt. Ớt rừng có vị cay không gắt như ớt nhà, mùi cũng thơm hơn. Cà rửa sạch thì chẻ đôi, rồi ngâm trong nước muối loãng một lúc cho ra hết nhựa, sau đó vớt ra để cho ráo nước.
Bếp lửa giữa nhà đã đỏ rực. Mế Kăn Hin lấy từ góc nhà chiếc hũ đã cũ, đựng đầy hạt bí. Hạt bí được rang trên lửa than, cho đến khi giòn tan, thơm lừng mới bỏ vào cối gỗ giã nát. Mế nói, nhiều món ăn của người Pa Cô, ít khi dùng hạt đậu phộng hay hạt mè như người Kinh. Ở đây người đồng bào thường dùng hạt bí, hạt dưa rang giòn lên, hoặc quả dầu lai nướng trên bếp rồi giã nhỏ cho hương thơm và vị béo ngọt.
Người đồng bào thường dùng cối gỗ, thay vì cối đá. Mùi gỗ sẽ làm tăng hương vị thơm ngon của món ăn. Một nắm ớt rừng cho vào cối, thêm chút muối rồi dùng chày giã nát, sau đó cho nắm lá rừng vào giã cùng.
Mế Kăn Hin nói, nếu ai thích mùi hương của gừng, sả cũng có thể thêm vào cho đậm vị. Nếu không lên rừng hái được lá gia vị thì dùng ngò gai, lá quế hái sau vườn, mùi thơm của món ăn cũng ngon không kém. Sau khi lá rừng, ớt rừng, muối hạt đã được giã nhuyễn, hòa quyện vào nhau, mế Kăn Hin cho cà vào giã thật nhẹ tay, để ruột cà và gia vị quyện vào nhau nhưng phần vỏ cà vẫn vẹn nguyên, khi ăn sẽ giữ được độ giòn. Cuối cùng là cho hạt bí đã giã nhuyễn, thêm một chút bột ngọt và nêm lại cho vừa miệng là được.
Món cà giã khi ăn có vị đắng nhân nhẩn của cà nhưng nuốt xuống lại nghe vị ngọt, lại thêm vị của ớt rừng cay cay, hạt bí rang giã mịn nghe vị bùi bùi, mùi lá rừng thơm mát lạ lẫm. Ăn một miếng cà, lùa thêm miếng cơm nóng, dường như tất cả ngọt bùi đắng cay của đời người đều hiện hữu trong một cái khua đũa nhẹ nhàng trong buổi chiều vùng cao có sương trắng chờn vờn quanh lớp núi bên kia hiên nhà.
Mế Kăn Hin cho biết, ngoài cà xanh, người đồng bào còn dùng rau bí, đậu ruột gà hoặc bắp chuối… để làm món giã. Mỗi loại nguyên liệu lại có một cách sơ chế khác nhau để làm tăng hương vị thơm ngon, ngọt lành của món ăn.
Với món đọt bí, bông bí giã ớt xanh, trước tiên phải luộc rau chín rồi vớt ra để ráo. Hạt bí rang vàng thơm giòn rồi mới đem giã nhuyễn, sau đó cho rau vào giã cùng với vài trái ớt, thêm chút muối, bột ngọt cho vừa ăn là được.
Đậu ruột gà nếu đem làm món giã thì được đồng bào nướng chín trên lửa than để tăng độ thơm ngon. Nếu làm món hoa chuối rừng, hoa chuối cũng được nướng chín rồi đem xé nhỏ trước khi giã nhuyễn.
Nhờ mế Kăn Hin, tôi học thêm được món giã của người đồng bào Pa Cô ở vùng cao A Lưới. Một hôm nào đó trong căn bếp nhỏ của gia đình mình nơi phố thị, tôi sẽ trổ tài làm món giã như hoa chuối giã, rau bí giã. Có điều tôi biết chắc chắn rằng, chẳng thể giữ được hương vị nguyên bản của núi đồi như tôi từng nếm thử.
Còn món cà rừng giã ớt, giữa thành phố tấp nập, chắc chắn chẳng thể tìm ra những chùm trái cà dại xanh mướt. Muốn nếm thử, tôi đành hẹn với bản làng ngày trở lại, ngồi bên hiên nhà sàn vừa tận hưởng những ngọn gió núi vi vút thổi, ăn chén cơm nóng với cà đắng giã, để thấy lòng ngọt mềm như áng mây xốp nhẹ bay ngang đồi.
Ngọc Hà
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ca-dang-gia-an-giua-may-bay-gio-thoi-a1476517.html” name=””]