Hồi đó, khi các điểm vui chơi, khu du lịch chưa nhiều như bây giờ, Bửu Long là điểm đến yêu thích của không chỉ người dân Sài Gòn mà cả Bình Dương, Đồng Nai…
Lâu lắm tôi mới trở lại núi Bửu Long (Đồng Nai). Cảnh vật nơi đây không thay đổi nhiều nhưng vẫn mang đến cho tôi cảm giác thú vị. Ngắm những cảnh núi, hồ được ví von là tiểu Hạ Long phương Nam này, mấy ai nghĩ rằng nó vốn dĩ là nơi khai thác đá mà thành.
Bạn có bao giờ từng đến một nơi để du lịch mà nơi ấy bạn đã từng quen thuộc, từng ít nhiều in dấu những kỷ niệm thanh xuân của bạn? Với tôi là có và đó là Bửu Long, thắng cảnh xứ Biên Hòa, Đồng Nai.
Cái hồ đẹp từ khai thác đá
Bửu Long là địa điểm lý tưởng để tổ chức các buổi dã ngoại |
Khi ngắm hồ Long Ẩn – cảnh quan nổi tiếng nhất của núi Bửu Long, hẳn nhiều người không ngờ rằng trước kia nó vốn là một mỏ đá. Từ xa xưa, người dân làng Bửu Long đã có nghề điêu khắc đá với nguồn nguyên liệu là loại đá xanh khai thác ngay tại núi Bửu Long.
Người ta cho rằng nghề điêu khắc đá ở Bửu Long sở dĩ nổi trội hơn những nơi khác là nhờ vào loại đá xanh đặc biệt lấy từ núi – chất đá mịn, cứng, không có hoa văn và không bị ố màu theo thời gian. Thời cực thịnh, toàn bộ dân làng Bửu Long đều theo nghề đá. Nhà nhà, người người cùng làm đá, khắp vùng Bửu Long rộn ràng trong tiếng đục đẽo ngày đêm.
Từ năm 1990, khi Khu du lịch Bửu Long được công nhận là danh lam thắng cảnh và đến năm 1996, thành phố Biên Hòa chính thức ban hành quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn, nghề đá ở Bửu Long chính thức lụi tàn.
Khu du lịch Bửu Long là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn gần Sài Gòn |
Từ đó, người dân Bửu Long bắt đầu tập tành làm du lịch. Những quán nước mía, nước dừa, nước ngọt được dựng lên. Những đôi tay chai sần, to bè vốn quen cầm búa, cầm đục giờ bắt đầu tập làm quen với việc bưng bê, lau ghế, dọn bàn. Ngày đó, hàng quán ở Bửu Long không nhiều lắm, người dân làng đá làm du lịch để mưu sinh vốn bản tính hiền lành nên không có cảnh chặt chém hét giá trên trời với du khách phương xa.
Mỏ đá ngày xưa trải qua bao mùa nắng mưa giờ trở thành hồ nước trong xanh như ngọc. Những mỏm đá cheo leo bị phong hóa thành đủ hình thù như những trái núi nhỏ lô nhô cao thấp soi mình vào lòng hồ càng khiến người ta liên tưởng đến Hạ Long phương Nam.
Nơi đây cũng từng là phim trường lộ thiên rất được ưa chuộng của nhiều đoàn làm phim truyền hình, cải lương, video ca nhạc… vì những góc máy rất ăn ảnh khi lên hình mà không cần đi đâu xa.
Bửu Long ngày cũ
Chùa Long Sơn Thạch Động trên núi Bửu Long |
Tôi đến Bửu Long lần đầu vào khoảng hơn 20 năm trước. Trong những năm đầu thập niên 1990, địa điểm vui chơi dành cho giới trẻ Sài Gòn không nhiều, gần thì chỉ có Văn Thánh, Thanh Đa. Nếu chịu đi xa thì Bửu Long, Con Nai Vàng và vườn cây Lái Thiêu là những lựa chọn hàng đầu.
Thật ra trong phạm vi thành phố thời kỳ đó vẫn có hồ Kỳ Hòa, Đầm Sen, Thảo Cầm Viên… nhưng những địa điểm này chủ yếu dành cho các gia đình đưa trẻ em đến chơi vào dịp cuối tuần nên các đôi bạn trẻ không thích đến vì… thiếu không gian riêng tư. Hồi đó, chỉ cần có một chiếc xe Cub là đủ ngon lành, sang hơn thì chạy “giấc mơ” Dream đi cắm trại với bạn bè, còn không thì đi xe đạp cũng không sao.
Ngày ấy, cuộc sống thật giản dị. Tuổi trẻ những năm 1980-1990 hồn nhiên và vô tư hơn bây giờ rất nhiều. Trên đường từ Sài Gòn ra Biên Hòa khi đó, ta dễ dàng bắt gặp từng tốp bạn trẻ vừa nói cười vừa đạp xe không biết mệt. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, các bạn sinh viên mang theo đàn, những bịch trái cây to, bánh mì… và lúc nào cũng ríu rít trên con đường hướng ra ngoại ô.
Tượng Phật ở chùa trên núi Bửu Long |
Hồi đó, Bửu Long đơn sơ và chất phác lắm. So với những điểm dã ngoại khác, Bửu Long không có vườn cây xanh, hoa trái sum suê mà chỉ có hồ Long Ẩn để “đạp vịt” loanh quanh. Ngày tôi còn nhỏ, nghe nhắc đến trò “đạp vịt” là thích mê mẩn. Hình như không chỉ mình tôi mà tất cả mọi đứa trẻ cùng thời đều thích được leo lên con vịt to to có thể nổi bồng bềnh lướt nhẹ trên hồ này.
Gọi là đạp vịt nhưng tạo hình của chiếc thuyền thường không phải là con vịt mà là những chú thiên nga với chiếc cổ dài, đầu đội vương miện lấy hình tượng từ các bộ phim hoạt hình Liên Xô. Người chơi sẽ ngồi vào lòng thuyền và đạp vào bàn đạp nối với bánh xe chân vịt dưới nước để thuyền chạy tới. Tôi khi đó vẫn còn nhỏ xíu, chân không đủ dài để đạp nên chỉ cần ngồi… ngắm cảnh.
Hồi đó, núi Bửu Long có những triền đồi mọc đầy hoa xuyến chi và những bụi cỏ tranh lơ thơ rủ xuống từ vách đá cheo leo dễ làm say đắm những tâm hồn yêu cây cỏ, nhất là lứa tuổi đôi mươi đầy lãng mạn.
Hồi đó, khi các điểm vui chơi, khu du lịch chưa nhiều như bây giờ, Bửu Long là điểm đến yêu thích của không chỉ người dân Sài Gòn mà cả Bình Dương, Đồng Nai…
Hồi đó, Bửu Long là nơi hò hẹn của nhiều đôi. Họ đến để thoát khỏi Sài Gòn nhộn nhịp, xô bồ. Với nhiều người lứa trung niên bây giờ, hẳn trong mớ kỷ niệm ngày trẻ không thể thiếu những chuyến đi núi Bửu Long cùng người thân hay người yêu.
Bửu Long đâu chỉ có núi
Văn Miếu Trấn Biên |
Bạn hoàn toàn có thể đi về trong ngày với kế hoạch khám phá một số nơi khác cũng ở Biên Hòa, Đồng Nai. Đi chơi Bửu Long, bạn nên dành thời gian thăm Văn Miếu Trấn Biên Đồng Nai được xây dựng năm 1715. Văn Miếu Trấn Biên gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam.
Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn. Văn Miếu Trấn Biên có lối kiến trúc tương đối giống Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, cũng gồm các khu vực: nhà thờ, sân tiến hành lễ, tả vu hữu vu…
Bạn cũng nên đi dạo một vòng cù lao Phố ngay trong thành phố Biên Hòa – một cù lao được bao bọc bởi hai nhánh của sông Đồng Nai và còn nhiều cảnh quê. Vùng đất này có đến 11 ngôi đình, sáu ngôi chùa, một thánh thất, nhiều tịnh xá và miếu, mộ… cổ xưa chứa đựng nhiều câu chuyện, hình ảnh thú vị.
Ngoài ra, bạn cũng đừng quên ghé làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 3km. Bưởi ở đây ngon nức tiếng, lại chế biến được rất nhiều món ngon. Trong làng bưởi có khá nhiều dịch vụ phục vụ tham quan và ăn uống, nhất là các đặc sản từ bưởi.
Đi Bửu Long rất thuận tiện. Nơi này phù hợp cho những ai muốn đổi gió cuối tuần ở một nơi… không phải Sài Gòn mà không mất nhiều thời gian. Bửu Long cách Sài Gòn chỉ 30km. Từ Sài Gòn, bạn đi đường Kha Vạn Cân tới cầu vượt Linh Xuân. Bạn cũng có thể đi theo Xa lộ Hà Nội, tới cầu vượt Suối Tiên rẽ trái và đến cầu vượt Linh Xuân. Đến đây, bạn có thể chạy theo hướng Quốc lộ 1K. Tới Biên Hòa, bạn đi thêm gần 8km sẽ thấy lối rẽ vào đường Nguyễn Ái Quốc, sau đó đi tiếp đến cầu Hóa An (người dân gọi là Cầu Mới) rồi rẽ trái vào đường Huỳnh Văn Nghệ, đi một lúc sẽ thấy cổng chào khu du lịch Bửu Long. |
Bài và ảnh:Lê Minh Hạ
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/chut-ky-niem-diu-dang-voi-ho-tren-nui-a1456901.html” name=””]