Khi cảm thấy cô đơn đến tận cùng là lúc ta đang quên rằng chính mình là người cần được yêu thương nhất. Khi quên yêu thương, chăm sóc bản thân, ta cũng khó mà yêu thương chăm sóc người khác và để cô đơn xâm chiếm tâm hồn, suy cho cùng, là lỗi của chính ta.
Cô đơn có phải là… một cái cây?
Ở Phú Quý, hòn đảo xinh đẹp thu hút khá đông khách du lịch trong nước thời gian gần đây, có một điểm chụp hình được giới trẻ yêu thích – cây cách cô đơn ở bờ kè hướng ra biển. Cây được đặt tên như thế vì nó chỉ đứng một mình, trong khi cách là loại cây chịu gió, nóng, thường được trồng thành cặp hay thành hàng ở đảo.
Không chỉ Phú Quý, tại nhiều nơi không phải điểm du lịch truyền thống, mang tính văn hóa, những cái cây đứng một mình như cây thốt nốt ở Tri Tôn (An Giang), cây táo mèo cô đơn ở Tà Xùa (Hà Giang), một cây khô ở đầm Lập An (Thừa Thiên – Huế)… đều trở thành điểm check-in, được khám phá và lan truyền bởi giới trẻ.
Dường như nhiều nhóm đông thành viên gồm những người thuộc thế hệ Z hay 2K thường cho rằng không ai hiểu mình, luôn cảm thấy cô đơn đã tìm thấy sự đồng cảm và vẻ đẹp ở những cái cây cũng một mình, lẻ loi giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Một cái cây cô đơn rất nổi tiếng (ảnh Internet) |
Nhưng một người cô đơn không giống “cái cây cô đơn”. Vì, cô đơn ở con người là trạng thái cảm xúc. Mà đã là cảm xúc, tùy hoàn cảnh, mỗi người sẽ cảm thấy nó khác nhau, đón nhận và chịu đựng hay xử lý nó cũng sẽ khác nhau, nên có thể định nghĩa về cô đơn của mỗi người mỗi khác.
Quận 1 (TPHCM) có nhiều quán cà phê diện tích nhỏ, không gian mở, người uống cứ thấy ghế trống thì ngồi, nên rất có thể 4 người chung bàn chẳng ai quen ai. Nếu có ngày nào đó bất chợt thấy trống rỗng, hãy thử đến một trong những quán này, bạn sẽ hiểu ngay cảm giác cô đơn giữa chốn đông người và lập tức sẽ chấp nhận định nghĩa “Cô đơn là không kết nối với ai cả”, chứ không phải “một mình”.
Chính vì mất kết nối với những người dù ở rất gần nên dù có ở chung nhà, thậm chí chung với gia đình, cảm giác cô đơn có thể vẫn xuất hiện, tồn tại. Và những kết thúc đau đớn bằng cách tự hủy hoại bản thân của nhiều ngôi sao trẻ thường do bế tắc, cảm thấy mình cô đơn, không thể chia sẻ với ai trong khi người ngoài nghĩ họ xinh đẹp, tài năng, xung quanh có biết bao người yêu thương, ngưỡng mộ. Không ai nghĩ rằng thực ra họ rất cô đơn.
Ai không sợ cô đơn?
Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã có những tác phẩm để đời nhờ cô đơn. Họ mặc sức đắm chìm trong hạnh phúc hay đau đớn tự thân và chỉ tập trung sáng tác, không ai hiểu và ở bên họ. Nhưng cô đơn dĩ nhiên không phải điều kiện cần, càng không ai dám khẳng định những tác phẩm được sáng tác trong cô đơn sẽ truyền tải thông điệp tích cực, kêu gọi gắn kết yêu thương tha thiết hơn nếu chưa nói là đôi khi theo chiều ngược lại, làm gia tăng và lan truyền nỗi buồn vì cô đơn có khả năng lây lan. Khoa học tâm lý đã khẳng định điều đó.
Khi internet phát triển (nhất là sau dịch COVID-19), điều kiện thực hiện mọi hoạt động trực tuyến đều rộng mở, người ta có thể làm mọi việc tại nhà, giảm tiếp xúc và giao tiếp trực tiếp rất nhiều so với trước đây, thì internet có phải thủ phạm khiến cô đơn trở thành một xu hướng, một căn bệnh xã hội, lại là điều gây tranh cãi.
Phe kết tội internet thì gán mác những người cố gắng kết bạn trực tuyến là người cô đơn, trong khi phe bênh vực cho thấy thực tế, các cuộc trò chuyện trên mạng, video call, giao lưu trực tuyến đã khiến người ta bớt cô độc, xóa phẳng mọi khoảng cách, tạo nên nhiều cơ hội để người ta gần nhau, xã hội cũng phát triển hơn. Những người tham gia hoạt động online hay offline có mục đích, có tương tác chủ động, tích cực, đều không (hoặc rất ít khi) cảm thấy cô đơn.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
“Rảnh quá nên thấy đời nhạt và rảnh trong lúc những người thân khác đều bận, thì sẽ tự khắc cảm thấy cô đơn chứ ai bắt mình phải cô đơn đâu” – Rita Y. – một P.T đời 9X mới sinh con, nhận thêm việc live stream bán hàng online cho một kho hàng thể thao – nhận xét. Cũng theo bà mẹ trẻ này, chứng trầm cảm sau sinh vì cô đơn đã may mắn không rơi vào cô. “Em bận bù đầu, làm việc 12-14 tiếng/ngày, không thấy có phút nào để cô đơn hay buồn rầu. Kiếm tiền, lao động miệt mài mà cứ thấy con bụ bẫm, kháu khỉnh là hết mệt”.
Những bà mẹ yêu con bận rộn khác tương tự cô, cả ngày luôn tìm chút kẽ hở giữa những cuộc họp, vừa rời khỏi chiếc máy tính là lập tức tìm cọng thun để cột cho con gái kiểu tóc ngộ nghĩnh, rời bàn làm việc là mở ngay tủ lạnh để chuẩn bị nấu vài món ngon cho con trai, thậm chí không buông điện thoại nhưng lập tức chuyển từ app này sang app kia để đặt vài món hàng online cho cả nhà…
Tất cả đều thấy cô đơn là chuyện ở đâu đâu, là hiếm hoi lắm chứ không phổ biến thành xu hướng như mọi người hay nói vui: sao Trái đất ngày càng nóng lên mà loài người chúng ta lại ngày càng thấy lạnh lẽo vì cô đơn!
“Có những lúc mệt quá, em chợt nghĩ nếu mình được biến mất khỏi cuộc đời vài chục phút thì đỡ. Con vừa được 3 tháng là em phải tự sắp xếp cho mình 20 phút/ngày ngắt kết nối với tất cả, tự mình giãn hết các thứ đang căng, từ cơ cổ, vai gáy, mắt… đến não bộ. Sau này, em thấy nhiều người gọi đó là me-time, thời gian dành cho riêng mình” – Rita chia sẻ.
Những người quá bận rộn, quá nhiều giao tiếp, sẽ lại có lúc mong được cô đơn ngắn hạn để cân bằng. Vài chục phút tĩnh lặng, một mình, chủ động không nghe điện thoại, không trả lời tin nhắn được coi như trạng thái cô đơn tích cực cần thiết. Cơ thể chúng ta có cơ chế tìm kiếm và điều chỉnh để tự cân bằng, chỉ cần chúng ta biết lắng nghe nó. Và như vậy, tự thân cô đơn không có lỗi, không phải tội đồ gây trầm cảm hay thậm chí tự sát, như chúng ta vẫn thường định kiến.
Còn nếu chìm sâu trong cô đơn triền miên, muốn đóng cửa, ngắt kết nối, tự tách mình khỏi thế giới cả thật lẫn ảo, không cho ai có cơ hội đến gần, không muốn chia sẻ bất kỳ điều gì, với bất kỳ ai, thì lỗi ấy là của ai, nếu không phải của chính bản thân chúng ta?
Có một status như sau: Khi cô đơn và thấy mọi thứ đều nhạt, hãy bơm bánh xe đạp, đi một vòng, cục cô đơn rớt lúc nào không hay!
Nghĩa là, để gạt bỏ nó, bạn cần hành động!
Khi cô đơn ta gọi tên ai?
Nghe có vẻ nghịch lý vì đã không kết nối được với ai – không cha mẹ anh chị em, không bạn bè tri kỷ, không đồng nghiệp thân thiết, không chồng con… – thì mới cảm thấy cô đơn, vậy còn biết gọi ai qua điện thoại lẫn online?
Chẳng lẽ căn hộ cho một người độc thân là bạn không có hàng xóm; không có chủ nhà; không có lễ tân, bảo vệ; không có cửa hàng tiện lợi thậm chí một cô lao công? Và bạn không hề biết tên bất kỳ ai trong số họ để có thể gọi tên?
Ảnh minh họa |
Cũng có thể bạn chán ngán giao tiếp với loài người quá; bạn cũng không phải nhà thơ hay nhạc sĩ; bạn không tham gia mạng xã hội, thì thú cưng là một gợi ý không tồi. Mèo, chó, rùa hay những con cá bảy màu, một cái cây cũng sẽ khiến ta thấy mình không sống vô nghĩa và mất hẳn kết nối với thế giới.
Trường hợp cuối cùng, tất cả đều không (cha mẹ, bạn bè, thú cưng, cây cỏ, nhà cửa…) thì vẫn còn… chính mình.
Lần cuối cùng ta mua cho chính mình bộ quần áo đẹp, cây son mềm mại… là khi nào?
Lần cuối cùng ta thấy vui là khi nào?
Vì khi cảm thấy cô đơn đến tận cùng là lúc ta đang quên rằng chính mình là người cần được yêu thương nhất. Nóng lên hay lạnh lẽo là chuyện của thời tiết, bản thân ta luôn cần mang lại sự ấm áp trong lòng cho chính mình.
Khi quên yêu thương, chăm sóc bản thân, ta cũng khó mà yêu thương chăm sóc người khác và để cô đơn xâm chiếm tâm hồn, suy cho cùng, là lỗi của chính ta.
Lê Lan Anh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/co-don-khong-co-loi-a1515441.html” name=””]