Các bạn chê cháu nhỏ con, “pê đê”, không cho chơi cùng; chửi cháu ngu khi cháu trả lời sai… Quá đáng hơn, họ còn “bốc hốt” cháu.
Khi cháu chuyển từ một trường tỉnh lẻ về thành phố, cha mẹ cháu chỉ quan tâm đến việc cháu có tiếp thu được bài không, có bị hổng kiến thức không, yêu cầu của thầy cô thế nào… mà không biết ngày ngày cháu bị tẩy chay, cô lập ở lớp.
Các bạn chê cháu nhỏ con, “pê đê”, không cho chơi cùng; chửi cháu ngu khi cháu trả lời sai… Quá đáng hơn, trong giờ thể dục hoặc ra chơi, một kẻ đầu têu xô đẩy, “bốc hốt” cháu, nhiều bạn hùa theo phá lên cười mỉa mai. Đáng sợ là cả lớp nhìn thấy nhưng thờ ơ chứ không can ngăn, bênh vực.
Cháu không biết tình hình sẽ đi đến đâu và mình phải làm gì.
Huỳnh N. (học sinh lớp Tám, quận 4, TPHCM)
Tẩy chay học đường là một hình thức bắt nạt đáng sợ, hầu hết có chung hậu quả là nạn nhân bị khủng hoảng tinh thần, lo âu, trầm cảm, thậm chí muốn bỏ học hoặc không thiết sống. Thuật ngữ “tẩy chay” chính thức ra đời vào năm 1880. Tiếng Anh dùng từ “boycott” với ý “như không biết gì đến, không mua, không dùng, không tham gia, không có quan hệ để tỏ thái độ phản đối”.
Lứa tuổi học sinh cấp II dễ rơi vào trò tẩy chay. Kẻ đầu têu dùng cách nói bóng gió, mỉa mai ám chỉ đặc điểm của nạn nhân, lôi kéo bạn bè không chơi cùng, “cắt đuôi” khi đi chung một nhóm, xúc phạm đến những điều riêng tư như lục cặp lấy ghi chép của bạn đọc giữa lớp để bạn khóc còn các bạn trong lớp thì cười.
Mức độ có thể còn đi xa hơn: giấu vở để thầy cô cho bạn điểm kém vì không có vở ghi bài; vứt cặp vào thùng rác; cô lập, bêu riếu trên Facebook với những lời mạt sát…
Các hình thức tẩy chay thường là không nói chuyện/chơi chung, nói xấu, chửi bới, chọc phá, đánh bạn, quấy rối tình dục… Kẻ tẩy chay thường đánh vào lòng tự trọng của nạn nhân. Nếu cha mẹ tham gia không khéo léo, con càng bị giễu cợt là “đồ hèn, đồ mách lẻo, đồ cậy cha mẹ”; nếu cha mẹ làm “mạnh tay” sẽ có thể dẫn đến chuyện con bị trả thù.
Điều đáng nói là các nạn nhân thường rất đơn độc trong cuộc chiến chống lại tình trạng bị tẩy chay. Các vụ bắt nạt chỉ dừng lại khi “kẻ đầu têu” chuyển đi nơi khác hoặc tự chấm dứt các hành vi đó. Nếu thầy cô giáo coi đó chỉ là trò “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, là chuyện “trẻ trâu” và không giải quyết dứt điểm thì tình trạng càng leo thang. Nhà trường gọi “chủ mưu” lên làm bản tường trình, cảnh cáo nhẹ, chỉ có ý răn đe thì tình hình sẽ diễn biến phức tạp hơn: nạn nhân không muốn đến trường, học hành sa sút, không tin vào sự xét xử công bằng, phải tự giải quyết vấn đề của mình.
Ảnh mang tính minh họa – Tima Miroshnichenko |
Một người bị tách lìa khỏi tập thể có thể lâm vào tình trạng ức chế nặng nề: có bạn xin phụ huynh chuyển trường, có bạn nhờ người bên ngoài vào giải quyết, có bạn mang theo hung khí trong cặp để tự vệ. Đến khi xảy ra việc lớn, cha mẹ, thầy cô, báo chí, pháp luật biết thì đã muộn.
Để chấm dứt tình trạng này, cháu đừng im lặng.
– Không việc gì phải xấu hổ khi bị tẩy chay. Hãy báo với gia đình và thầy cô về tình hình của mình. Tránh xa kẻ bắt nạt, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn, chọn những nơi thường được giám sát (ngồi hàng đầu trên xe buýt, đứng đầu khi xếp hàng, ngồi gần bàn có người lớn…) bởi giữ mình an toàn quan trọng hơn là mắc cỡ hoặc… giữ thể diện.
– Xây dựng tình bạn tốt ở lớp, hòa đồng với mọi người. Một học sinh hay bị bắt nạt thường không có bạn bè và có tính cách khác biệt.
– Cần kiểm soát cảm xúc, tự tin hơn với bản thân và các mối quan hệ. Một chuyên gia từng nói: “Khi người bị bắt nạt không cảm thấy bị tổn thương, họ sẽ không còn là nạn nhân”. Cháu chọn cách phản ứng từ im lặng, đáp trả cho đến bày tỏ quan điểm. Kẻ bắt nạt muốn cháu thể hiện cảm xúc giận dữ hay đánh lại để thỏa mãn tâm lý “ta có quyền lực”.
Cháu không thể kiểm soát hành vi của kẻ tẩy chay nhưng có thể kiểm soát phản ứng của mình.
Đừng đẩy tình huống lên mức độ căng thẳng, không tấn công hoặc xúc phạm đối phương, không sử dụng bạo lực với người khác và không để người khác sử dụng bạo lực với mình.
Bác sĩ HOA TIÊU
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/con-hon-bi-tra-tan-a1480862.html” name=””]