Củ sen như một thứ thuốc bổ mà chúng ta cần khai thác và tận dụng đúng cách. Thiên nhiên đã ban tặng con người rất nhiều thực phẩm tốt ngang ngửa “thần dược”, như loại củ suốt mùa vùi mình trong bùn đất lấm lem này.
Củ sen nhồi thịt chiên giòn – món độc đáo trong các bữa tiệc |
Trong khi những bộ phận khác của sen (như hạt sen, ngó sen, tim sen…) được ưu ái đưa vào các món ăn thức uống gần gũi hằng ngày thì củ sen có phần “thất sủng”. Chỉ vài năm trở lại đây, củ sen mới thật sự được quan tâm bởi những lợi ích rất lớn nó mang đến cho sức khỏe con người.
Trong khi các loại trái cây có múi được ưu tiên trong việc bổ sung vitamin C cho cơ thể, người ta quên mất rằng thật ra vitamin C có nhiều nhất trong ớt chuông và đứng thứ nhì là loại củ kỳ lạ nằm sâu dưới lớp bùn này.
Với hàm lượng calorie thấp, giàu chất xơ, vitamin C và các chất dinh dưỡng, mỗi 100g củ sen đã có thể cung cấp 75% nhu cầu vitamin C của cơ thể. Có thể nói củ sen chính là một loại dược liệu quý trong y học. Chất pyridoxine thuộc nhóm vitamin tổng hợp nhóm B trong củ sen có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí não và an thần.
Cùng với lượng kali giúp thông mạch và chất xơ để giảm bớt cholesterol trong cơ thể, pyridoxine từ củ sen cũng giúp kiểm soát hàm lượng homocystein trong máu. Homocystein chính là “kẻ thù” gây đau tim. Củ sen vì vậy còn được xem là loại thực phẩm giúp thanh lọc, đào thải chất độc trong cơ thể, kháng viêm tự nhiên…
Ngoài những lợi ích trên, tại nhiều nước châu Á, người ta quan niệm củ sen là biểu tượng của sự may mắn đầu năm – biểu hiện trên số lỗ nhỏ có trong thân củ, 7 lỗ hoặc 9 lỗ đều có ý nghĩa to lớn về vận may. Những củ sen mập mạp, màu nâu nhạt, có đốt thắt giữa các đoạn thân hẹp, thân phình to, chắc nịch thường rất được ưa chuộng. Chúng được xem như biểu hiện của sự chắc chắn.
Tại Hàn Quốc, người dân xem củ sen là hiện thân của sự sinh sản, mang lại may mắn về đường con cái tương tự trái lựu. Củ sen thường xuyên có mặt trong các món kim chi ngon trứ danh.
Người Nhật lại coi trọng loại củ may mắn này đến mức đã mở các lớp dạy phụ nữ nấu ăn bằng củ sen. Các món ăn từ củ sen qua bàn tay đầu bếp Nhật trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Snack củ sen lắc phô mai – món ăn vặt thơm ngon |
Người Nhật quan niệm rằng những lỗ rỗng trong củ sen chính là con đường để người ta có thể tìm thấy ánh sáng và tương lai. Sự hiện sinh thể hiện rõ rệt trong loại củ kỳ lạ này khiến họ ra sức nâng niu. Vì vậy, ở những bữa tiệc trong ngày đầu năm mới, sushi thường được dọn kèm củ sen để “ăn lấy hên”.
Chỉ đến mùa tết năm nay, loại củ may mắn này mới thực sự “lên ngôi” tại Việt Nam.
Nếu trước đây, người Việt chỉ biết đến những món canh hầm củ sen với các loại thịt, công dụng bồi bổ sức khỏe thì nay, người ta chuộng những món ăn được biến tấu mới lạ, ngon miệng, đẹp mắt hơn. Đầu năm nay, thị trường đồ ăn vặt xuất hiện món củ sen sấy giòn kẹp nhân mứt thơm rất đẹp mắt.
Những củ sen được tuyển chọn gắt gao từ loại sen chất lượng cao miệt Đồng Tháp, bỏ vỏ, xắt khoanh tròn mỏng, chiên giòn rồi sấy bằng máy sấy chuyên biệt. Dầu được tách lọc trong quá trình sấy nhiệt, giữ cho lát sen khô giòn, ráo mà vẫn nguyên vẹn, không nát. Phần nhân thơm được sên kỹ với mạch nha, quết giữa 2 lát sen sấy. Miếng bánh củ sen kẹp nhân dứa vừa thơm ngon, giòn tan vừa tròn đầy, tượng trưng cho sự viên mãn.
Ngoài món củ sen sấy kẹp nhân dứa, món mứt củ sen cũng được đón nhận. Củ sen có tính ôn, rất dễ ra nước, teo tóp, hao hụt, biến dạng trong quá trình hấp thụ đường và gặp nhiệt độ cao. Để làm ra mẻ mứt củ sen nguyên vẹn, đẹp mắt rất công phu. Do đó, giá thành của món ngon đẹp mắt này không hề rẻ nhưng bù lại, mứt củ sen có độ dẻo, vị bùi… ăn đứt các loại mứt tương tự (mứt củ năng, mứt khoai…).
Củ sen kho chay thanh đạm – món ngon dịp rằm Nguyên tiêu |
Ngoài ra, củ sen còn được sáng tạo thành món snack ăn vặt rất bắt vị. Củ sen bào lát mỏng, rắc một lớp bột áo thật mỏng, chiên vàng giòn rồi lắc cùng bột phô mai. Đây là món ăn ngon – bổ – rẻ, dễ làm nên rất được lòng chị em nội trợ, có thể thực hiện cho con trẻ trong nhà bất cứ lúc nào.
Trong những bữa tiệc, củ sen đã nghiễm nhiên trở thành món ngon bắt mắt với nhiều biến tấu: gỏi củ sen tôm thịt, củ sen bóp thấu cùng thịt bò, củ sen kẹp chả cá, củ sen kẹp thịt bằm chiên giòn chấm tương ớt…
Rằm Nguyên tiêu năm nay, thực đơn dâng cúng rằm, lễ Phật của nhiều gia đình có khá nhiều món chay thanh đạm nấu từ củ sen. Củ sen hầm táo đỏ, nấm đông cô, đậu hũ… giải nhiệt. Củ sen kho chay cùng đậu hũ ky, hạt sen, cà rốt, nước dừa, nấm rơm… thơm ngon đậm đà. Củ sen còn được các nhà hàng chay ưu ái đưa vào danh sách thực đơn các món ăn ngon hàng đầu, chẳng hạn củ sen chiên giòn tẩm muối mè.
Món chè củ sen đường phèn táo đỏ, hạt chia ngoài ý nghĩa cầu may mắn còn là món chè dưỡng nhan nhẹ nhàng giúp chị em thêm nhuận sắc…
Không chỉ dừng ở các món ăn, củ sen còn cùng “cạnh tranh” với tim sen ở thể loại trà: củ sen tươi bào mỏng, phơi khô, rang vàng rồi hạ thổ. Một tách trà củ sen được hãm đúng nhiệt độ sẽ giúp cơ thể thanh lọc phổi, bồi bổ khí huyết, rất tốt cho phụ nữ.
Củ sen như một thứ thuốc bổ mà chúng ta cần khai thác và tận dụng đúng cách. Thiên nhiên đã ban tặng con người rất nhiều thực phẩm tốt ngang ngửa “thần dược”, như loại củ suốt mùa vùi mình trong bùn đất lấm lem này.
Trần Huyền Trang
(Ảnh từ Internet)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/cu-sen-than-duoc-bi-lang-quen-a1484229.html” name=””]