Không chỉ các thực khách lên tiếng về hình thức buôn bán gây tranh cãi, các chủ quán cũng vào cuộc giãi bày vấn đề khó khăn của mình.
Câu chuyện đi ăn hàng quán vỉa hè của cô nàng TikToker vẫn chưa có hồi kết, khi tranh cãi vẫn tiếp tục xoay quanh mô hình buôn bán “cộng sinh”. Để có nhiều ý kiến thực tế về vấn đề nóng hổi này, những bạn trẻ lẫn chủ quán tại TP.HCM đã có những suy nghĩ về hình thức “đặc biệt” này. Cảm thông có, ấn tượng xấu đều có, có những thực khách không có sự ủng hộ nhất định có kiểu buôn bán kết hợp. Còn về phía chủ quán, họ cũng có những lời trải lòng về việc buôn bán có bạn có bè đang gây sốt hiện nay.
Góc nhìn từ thực khách: khen – chê đều có đủ
Thực khách đến ăn ở những hàng quán cộng sinh này đa phần là người trẻ. Vì những món ăn ở khu vực buôn bán theo kiểu kết hợp thường có những món ăn vặt hợp với khẩu vị của giới trẻ hiện nay. Nhưng các vị khách đều cảm thấy hài lòng với hình thức buôn bán cộng sinh này?
Đến ăn uống tại khu vực cổng trường Marie Curie, nơi điển hình cho hình thức buôn bán cộng sinh tại TP.HCM. Nói sơ qua về nơi đây có hàng thịt xiên nướng, phá lấu và quán trà sữa tập hợp chung một địa điểm. Vì số lượng ghế và chỗ ngồi ở hai hàng ăn hạn chế nên chủ hai hàng ăn này thường hướng dẫn khách ngồi ghế ở quán trà, nhưng với điều kiện là phải mua nước ủng hộ họ. Cũng vì thế mà thực khách đến đây nếu muốn ngồi lại sẽ phải mua đồ ăn lẫn thức uống, còn không thì đành mua về hoặc ngồi tạm trên xe để ăn.
Khu vực điển hình của hình thức buôn bán “cộng sinh” tại TP.HCM.
Nhiều bạn trẻ cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều khi phải “đối mặt” với hình thức buôn bán này. Khi được hỏi về mô hình kết hợp ăn uống “cộng sinh” này, hai bạn sinh viên trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã bày tỏ như sau: “Ban đầu, mình không thoải mái lắm. Vì đôi khi mình không có nhu cầu uống nước, chỉ muốn ăn thôi nên lúc trước mình cho rằng như vậy khá phiền phức. Nhưng sau khi đến ăn nhiều lần, hiểu thêm về cách buôn bán của mọi người nên mình cũng thông cảm cho họ. Lâu lâu đi ăn thì mình cũng chấp nhận chuyện này, để không làm ảnh hưởng đến “chén cơm” của người bán.”
Ăn uống tại khu vực nay đã lâu, hai sinh viên cũng chấp nhận chuyện gọi đồ ăn đổi chỗ ngồi tại đây.
Tiếp nối câu chuyện phải gọi nước mới có chỗ ngồi, một bạn sinh viên cũng nhìn nhận những điều tích cực của hình thức buôn bán “cộng sinh”: “Khi mình đồng ý mua nước ủng hộ cả đôi bên, thì người bán họ sẽ nhiệt tình mang ghế, sắp xếp chỗ ngồi cho mình. Nếu đã muốn ăn uống ở khu vực đặc thù như này thì cứ mua đại một món gì đó đổi lấy chỗ ngồi thoải mái, không có vấn đề gì cả.”
Suy nghĩ của hai sinh viên với hình thức này vẫn khá dễ chịu, họ sẽ không bài trừ hiện trạng mua thêm đồ ăn, thức uống để đổi lấy chỗ ngồi. Nhưng đôi bạn ngồi đối diện lại không nghĩ như thế: “Khi đã xác định vào những chỗ như thế này rồi thì lòng không vui nhưng cũng phải uống thôi. Mình có nhu cầu ăn uống luôn hoặc món đó ngon “dữ thần” thì sẽ ở lại gọi nước để có chỗ ngồi. Nhưng hôm đó mà không khát là sẽ đi luôn, hoặc mua thịt nướng ra gốc cây đứng ăn.” (cười)
T. Quỳnh và A.Thơ không hài lòng với hình thức buôn bán “cộng sinh” trên địa bàn TP.HCM.
Khi di chuyển đến địa điểm chợ đêm Hồ Thị Kỷ, nơi cũng tồn tại hình thức buôn bán “cộng sinh” đặc biệt này. Hai thực khách nam tại chợ đêm đây cũng có ý kiến tương tự với hai cô bạn khá “gắt” phía trên. Một bạn nam thẳng thắn về hình thức này rằng: “Mình nghĩ chủ quán không nên nói thẳng với khách là mua nước mới được ngồi. Ý mình là khách mới ngồi xuống ghế, dù không biết chỗ đó là của ai nhưng chủ quán không nên “phủ đầu” khách như vậy, Vì khách khi vào ăn, nhìn thấy hàng nước bên cạnh cũng sẽ gọi nước uống thôi. Hoặc chủ quán cứ để khách ăn rồi mời nhẹ nhàng hoặc nhắc khéo khách tế nhị thì không ai mà không gọi nước cả.”
Hai nhân viên văn phòng lại có ý kiến trái chiều nhau khi gặp hình thức buôn bán “cộng sinh”.
Anh chàng còn cho biết thêm mình sẽ có ấn tượng cực xấu nếu gặp trường hợp như thế, lỡ ngồi thì đành làm theo nhưng sẽ không bao giờ quay lại địa điểm này nữa. Còn bạn nam đi cùng thì lại dễ tính hơn: “So với giá tiền thì nó sẽ không bao nhiêu hết, nếu được thì mình ủng hộ người ta để có chỗ ngồi thì mình sẽ mua”. Thế mới thấy hình thức buôn bán “cộng sinh” tuy thú vị nhưng cũng gặp phải nhiều sự khó chịu từ thực khách.
Góc tâm sự của chủ quán buôn bán theo mô hình cộng sinh
Tranh thủ người chủ hàng thịt xiên nổi tiếng rảnh tay, chị mới chia sẻ về hình thức buôn bán “cộng sinh” của mình và những hàng quán xung quanh. Vừa nướng thịt chị vừa nói: “Đôi lúc hàng mình hết ghế, chị phải mượn chỗ của quán nước để cho khách ngồi thì bắt buộc các em phải gọi nước. Đây là điều đương nhiên khi em ăn uống ở những hàng quán như thế này.
Có bạn bảo trà tắc, trà sữa bán chung với chị không ngon thì khách ủng hộ họ chai nước ngọt hoặc nước suối là cũng được rồi. Ủng hộ người ta thì họ xách ghế tận nơi cho ngồi luôn đó. Nếu bạn nào vẫn không chịu gọi nước thì chị đành nói các bạn mua mang về hoặc ăn tạm trên xe.”
Chủ hàng thịt xiên cho rằng việc mua nước mới có được chỗ ngồi là điều bình thường trong buôn bán.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra tại hàng ốc và hàng trà sữa trong khu vực chợ đêm, khi chỗ ngồi của cả hai bên đều hạn chế nên họ đành phải “cộng sinh” để phục vụ thực khách của mình. Nữ quản lý tại hàng trà sữa nhiều lần phải áy náy với thực khách vì vấn đề chỗ ngồi: “Bên mình chỉ có dăm ba bộ bàn ghế nên thường phải mời khách qua quán ốc đối diện để uống nước. Bên đó họ cũng vui lòng cho khách mình ngồi nếu khách mua thêm thức ăn của quán để thưởng thức” .
Nàng quản lý quán trà sữa cũng “đau đầu” về vấn đề chỗ ngồi của khách.
Về phía quán ốc, thường xuyên “tiếp nhận” những vị khách từ quán nước cũng bày tỏ: “Khách ăn ủng hộ mình cái gì thì mình đưa chỗ thôi chứ mượn chỗ hoặc mượn ghế thì mình không thể làm được. Mong các vị khách cũng thông cảm cho cả hai hàng vì khu này chỗ ngồi hạn chế lắm, hai bên chỉ phục vụ cho khách sử dụng đồ ăn, thức uống của mình thôi. Chỉ vậy thôi là đã không có chỗ rồi nói chi đến với ngồi nhờ hay mượn ghế.”
Chủ quán ốc mong khách hàng hiểu cho cả hai nơi.
Sau những lời tâm sự của chủ quán, có thể thấy mô hình “cộng sinh” này là điều bắt buộc mà người kinh doanh phải làm để có doanh thu và quyền lợi cho mình. Nên dù gây không ít sự buồn lòng hay thất vọng cho thực khách, thì mô hình này vẫn phải tồn tại để những chủ quán duy trì nguồn thu nhập của mình.
Mô hình “cộng sinh” diễn ra phổ biến trên địa bàn TP.HCM.
Và để cho mô hình này không gây khó dễ cho thực khách, thì chủ quán cũng nên tinh tế khi thông báo việc chỗ ngồi, mua bán cho khách hàng. Bên cạnh đó, mong những vị khách cũng có sự thông cảm cho các hàng quán nếu phải đi ăn ở khu vực buôn bán đặc biệt này.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/danh-chap-nhan-hay-tim-quan-khac-khi-thuc-khach-va-chu-quan-tran-tinh-ve-mo-hinh-cong-sinh-buon-ban-tai-tphcm-20230220191345148.chn” name=””]