Nếu muốn ăn tại quán, thực khách phải dậy thật sớm, xếp hàng “săn” chỗ ngồi và chờ từ 20-30 phút.
Quán hủ tíu mì Phát Mập có tuổi đời gần 75 năm thường xuyên trong tình trạng kín chỗ |
Quán hủ tíu mì Phát Mập có tuổi đời gần 75 năm, do cha anh Phát, chủ quán hiện tại, mở. Gọi là quán nhưng chiều ngang quán chỉ khoảng hai mét, vừa đủ để kê chiếc bếp mở, đủ cho chủ quán trụng mì, trình bày tô hủ tíu mì theo phong cách vỉa hè của người Hoa… Không gian nhỏ nên để phục vụ nhu cầu ăn tại chỗ của thực khách, quán mượn mặt tiền của hàng xóm, kê vài bộ bàn ghế.
Các món của quán đều nấu theo công thức của người Hoa. “Thịt thà” ăn kèm có phi lê cá, xí quách, thịt viên… Dù quán bán từ 5g30 sáng nhưng khách đến khá sớm, chờ sẵn, nhân viên vừa xếp bàn ghế là ngồi vào ngay.
Dù đã được người bạn “thổ địa” dặn phải đến thật sớm, nhưng 6g30, khi tôi ghé, quán đã kín khách, chưa kể số người dựng chống xe đứng chờ. Sau khoảng 10 phút, khi thực khách ăn xong vội vã tính tiền rời đi để nhường chỗ cho người khác, tôi cũng có chỗ ngồi ghép bàn với một phụ nữ. Vài phút sau, người chồng đến ngồi cùng. Thì ra gia đình họ cùng rời nhà, người chồng đưa con đến trường còn người vợ đến quán, gọi món trước. “Nếu không sắp xếp như vậy thì phải chờ rất lâu mới có món, dễ trễ giờ làm” – thấy ánh mắt tò mò của tôi, vị khách cùng bàn chia sẻ.
Chén nước chấm theo công thức gia truyền điểm xuyết tóp mỡ được đặt lên bàn, tiếp đó là miếng bánh quẩy bé xinh, tô bánh lọt cá lóc nghi ngút khói.
Bánh lọt trong món ăn có hình dáng, kích thước khá giống con đuông, phình ở giữa và thuôn dài ở hai đầu. Bánh lọt có chiều dài non ngón tay người lớn, trắng ngà. Màu trắng của bánh lọt ẩn hiện giữa làn nước lèo trong vắt, những lát cá lóc phi lê xắt mỏng, màu xanh của hẹ.
Địa chỉ: Quán hủ tíu mì Phát Mập: 108/1 Calmette, quận 1, TPHCM. Giá bán: Từ 35.000 đồng – Thời gian: 5g30-10g30. |
Khẽ múc vài cọng bánh lọt với nước lèo đưa lên miệng, vị tươi thơm của bột, vị thanh của nước lèo, vị nồng nàn của hẹ… ngập trong khoang miệng, nhẹ nhàng chứ không ngán. Thỉnh thoảng, bạn có thể ngơi nghỉ với miếng quẩy béo mềm kết hợp vị chua nhẹ, thơm thơm của nước chấm. Còn nếu bạn nhúng hẳn lát cá vào nước lèo, vị beo béo mằn mặn ấy ôm gọn vị tươi thanh của cá.
Tô mì khô thập cẩm của người bạn đi cùng tôi bắt mắt hơn với màu vàng của mì; màu trắng nhẹ của cá lóc, của những lát thịt thăn được xắt mỏng, của thịt viên lấp ló sau những khúc hẹ.
Một phần bánh lọt cá lóc hay tô mì thập cẩm của tôi và người bạn không nhiều, đủ để no với người khảnh ăn như tôi nhưng với thực khách nam sẽ không đủ. Gọi thêm tô nữa thì hơi nhiều nên nhiều thực khách chọn gọi món thêm. Đó có thể là vắt mì, tô xí quách, chén bò viên hay thịt viên…
Huỳnh Hằng
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/day-som-san-cho-ngoi-o-quan-hu-tiu-gan-75-nam-tuoi-a1478062.html” name=””]