2 giờ đồng hồ sáng thứ Bảy trở thành nỗi “bất hạnh hôn nhân” của chị.
Mỗi lần anh nhắc “đi học yoga đi”, “đi spa đi” chị lại dấm dẳng: “Thì giờ đâu mà đi!”. Nhưng anh vẫn “ngoan cố”, hầu như tuần nào anh cũng vài lần nhắc chị tập yoga “hay môn thể dục nào đó cũng được”. Chị chán và bắt đầu im lặng. Anh thuyết phục thêm thì chị sẽ cáu và họ cãi nhau.
Mỗi lần chồng xúi đi tập tành, chăm sóc cơ thể, chị đều lặng lẽ “ghim” thêm một lần ấm ức. Vợ chồng chị khá vất vả so với bạn bè cùng trang lứa vì phải chăm mẹ bệnh nặng. Mẹ chị ở gần nhà, nên anh chị là người chăm sóc chính. Dù anh rất chịu khó và tâm lý, luôn sẵn lòng phụ vợ chăm mẹ, nhưng chị vẫn vất vả hơn, vì còn 2 con nhỏ.
Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK |
Suốt 7 năm hôn nhân, anh chị quần quật với chuyện nhà. Dù cùng là những nhân sự ưu tú trong đơn vị của mình, nhưng cả hai hiếm khi xuất hiện ở những cuộc vui của công ty, cũng không tụ tập cùng bạn cũ.
Thế nhưng, có 2 việc chị thấy bực về anh. Thứ nhất, về những lời rủ rê “yoga, spa” đầy vô cảm; thứ hai, lịch đi đá bóng đều đặn của anh vào sáng thứ Bảy hằng tuần. Ngày thứ Bảy trở thành một ngày đầy “tai tiếng” của anh. Nhà cửa con cái nheo nhóc, nhưng cứ tới giờ là anh lại mang giày đi. Nhiều lần chị hỏi: “Nghỉ một bữa được không?”.
Anh trả lời bằng cách gầy cuộc chơi cho các con “có việc làm”, sắp xếp việc nhà cho vợ rảnh tay chăm mẹ. Rồi anh vẫn đi.
Dần dà, các con tự lập và không mong chờ ba vào mỗi sáng thứ Bảy. Chỉ chị là chưa thông. Cứ tới cuối tuần chị lại than “hôm nay bận việc” để hỏi anh “nghỉ một bữa được không?”. Tất nhiên, anh từ chối. Chị nói dữ quá thì anh trả lời: “Anh đá bóng chỉ 2 tiếng thôi, mọi việc anh sẽ giải quyết sau”.
2 giờ đồng hồ sáng thứ Bảy trở thành nỗi “bất hạnh hôn nhân” của chị. Hễ tâm sự với họ hàng hay bạn thân, chị lại đem chuyện anh mê bóng đá ra diễn giải và kết luận anh “vô tâm”. Sáng thứ Bảy bọn trẻ ở nhà, vợ cũng cần nghỉ ngơi, vợ chồng cần gần gũi nhau qua những việc nhà, thì anh lại… đi mất. Nghe chị than nhiều, chị gái của anh cũng gọi điện khuyên anh “bớt ham đá bóng”. Nhưng anh tỉnh queo: “Có ham gì đâu!”.
Ảnh mang tính minh họa – Our-Team |
Chuyện lên đến đỉnh điểm khi anh đứt dây chằng trên sân bóng, phải vào viện mổ rồi tĩnh dưỡng cả tháng trời mới đi đứng được. Nghe chuyện, ai cũng nghĩ phen này chắc anh “đi tong” rồi.
Chẳng ngờ, những ngày tĩnh dưỡng của anh trôi qua rất êm đềm. Đến thăm anh, mọi người chẳng nghe chị than phiền quở trách điều gì. Dù cũng bận bịu, nhưng nhìn chị có vẻ tươi tỉnh ra, chị không còn cau có kể tội chồng như trước. Hỏi vì sao tươi trẻ ra, chị nói: “Mấy nay em có tập yoga”.
Nhưng yoga đâu có thần kỳ đến mức đó… Hỏi sâu về chuyện tai nạn của anh, chị mới kể lại cái ngày “rớt xuống hố tuyệt vọng”. Khi biết tin chồng sẽ nằm viện và sẽ lâu phục hồi, chị thực sự hoảng loạn. Nhưng khi trải nghiệm từng ngày, tâm trạng chị khá hơn. Từ việc lựa chọn gói điều trị đến đường đi nước bước trong bệnh viện, anh đều hướng dẫn cho vợ.
Sau ngày đầu, anh đã thuê được một người chăm sóc để vợ về nhà với con và mẹ. Việc ở nhà anh cũng sắp xếp bằng cách nhờ dịch vụ đưa đón các con, rồi nhờ các cháu của anh sang nhà phụ chị.
Nhưng, tất cả sự êm thấm đó cũng chưa phải là vấn đề. Mà chính trong cái ngày hoảng loạn đầu tiên đó, anh và chị đã nói với nhau thấu đáo về “ngày thứ Bảy tai tiếng”. Anh xin lỗi vợ vì đã không cẩn thận, để đứt dây chằng. Nhưng về 2 giờ đồng hồ mỗi tuần, anh kiên quyết giữ, anh nói đó là vì anh, vì vợ và vì gia đình.
Theo anh, vợ chồng đều là trụ cột gia đình. Trụ cột thì phải dẻo dai, tinh thần phải tinh tấn. Và cách để giữ sức khỏe không gì khác là phải thể thao, phải chăm sóc cơ thể. Dù ít, nhưng 1-2 giờ đồng hồ mỗi tuần là để mỗi người hít thở bầu khí quyển của riêng mình.
Anh phân tích, chị vẫn có thể trích ra 20 phút mỗi ngày để tập luyện, hoặc 2 giờ mỗi tuần để chăm sóc cơ thể. Nếu nghiêm túc ngồi xuống phân chia thời gian biểu, chắc chắn chị sẽ có thời gian làm việc đó. Chỉ là, chị không coi trọng sức khỏe và tinh thần của bản thân, lại bị cuốn vào hoàn cảnh, nên sẽ luôn thấy việc dành thời gian cho mình là phi lý.
Ảnh mang tính minh họa – Freepik |
Nghe vậy, chị chợt thấy cái chân bị thương của anh là tai nạn của người đàn ông có trách nhiệm, chứ không còn là hậu quả của một kẻ ham chơi. Nhìn lại mình, chị thấy cơ thể đã rệu rã, tinh thần nặng nề vì chỉ toàn nghĩ về những việc phải làm.
Chị chưa từng nghĩ đến những việc mình “được phép làm”, hay “nên làm” cho chính mình.
Chính vì vậy, cái ngày hoảng loạn đó, cũng là ngày thay đổi đời chị.
Phương Lâm
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/doi-thay-doi-sau-mot-ngay-hoang-loan-a1481281.html” name=””]