Nhớ hôm nào bữa cơm có bí hoặc bầu, ba tôi hay đọc câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” để dạy chị em chúng tôi về tình đoàn kết, phải biết sống thuận hòa…
Mỗi khi nghĩ về ngôi nhà thân yêu, tôi lại nhớ giàn bầu, bí ba trồng. Giàn bầu, bí ba trồng suốt những năm khó khăn, trở thành món ăn chủ lực, đưa gia đình tôi vượt qua những ngày gian khó.
Bí, bầu là loại quả dễ chế biến |
Chẳng biết có phải do ba mát tay hay không, mà giàn bầu, bí luôn lúc lỉu quả. Giống bầu thời đó dài như cây đòn gánh, bí thì tròn vành vạnh, to bằng vòng tay ôm. Một thời chưa xa, nhiều nhà có cơm độn đã may, lâu lâu mới có bữa ăn toàn cơm trắng. Cái mền mỏng đắp hụt, chẳng ủ ấm đôi chân. “Thợ” cắt tóc cũng “thợ” nhà, chỉ cần dạn tay là thành thợ. Cái bàn ọp ẹp với chiếc đèn dầu thắp sáng ước mơ. Và món bầu, bí hiện diện đều đặn trong bữa ăn, chỉ khác là hôm nay xào thì mai nấu canh, có khi luộc hay nấu cháo.
Những quả bí, bầu to tròn, rải đều khắp giàn. Ba tôi sợ dây không cõng nổi thân, nên bện rơm thành dây làm giá đỡ cho bí, bầu. Giàn bí, bầu của ba rất kiên cố, mới đủ sức cõng những quả… siêu to khổng lồ.
Bí, bầu là loại quả dễ chế biến. Bí đỏ chỉ cần nấu canh nêm với chút muối, chút đường; bầu cũng vậy, có thể cho thêm chút bột ngọt, xắt mớ ngò gai rắc lên nồi canh là thơm ngon… nhức xương. Nhưng món gì ăn hoài rồi cũng ngán, phải tìm cách nâng cấp cho lạ miệng.
Như bí đỏ, có thể nấu với đậu phộng, với đường, gọi là cháo ngọt bí đỏ, hay làm gỏi bầu bằng cách cắt sợi bầu nhuyễn nhất có thể, rồi chần qua nước sôi, trộn với tép đồng.
Nhưng để nhanh gọn lẹ nhất, phải kể đến món bầu luộc. Món này dễ chế biến nhất quả đất. Một đứa trẻ lên năm cũng có thể làm được. Bầu xắt lát vừa ăn, gặp nước sôi là bầu chín. Nước luộc bầu có thể làm canh. Còn bầu thì chấm mắm cái đậm đặc có chút ớt tỏi cay vừa ăn.
Ngày ấy, ăn quả bầu nuôi lớn ước mơ là có thật. Chúng tôi lớn lên trong gian khó, ước mơ càng cháy bỏng. Tối đến, những mái tóc bum bê chụm lại, bên ánh đèn dầu leo lắt, đứa ê a đánh vần, đứa bịt tai đọc thầm, vì không muốn âm thanh ê a kia chi phối.
Ngày ấy, ba tôi còn trồng một giàn bầu trên mái nhà. Một đứa trẻ mới tám, chín tuổi như tôi đã biết bắc thang trèo lên mái tole hái bầu. Tôi còn nhớ cái thang có chín nấc, mỗi nấc có phần hơi dài so với sải chân tôi, vừa bước vừa sợ, nhưng vì nghĩ ba mẹ đi làm về mệt mà chưa có cơm ăn, nên tôi mạnh dạn trèo.
Vừa trèo vừa nhìn lên mái nhà, chứ nào dám ngoái nhìn phía dưới. Khi bước chân lên mái tole rồi thì sợ trượt chân té ngã, vì thế tôi cố bấu víu năm đầu ngón chân, vừa di chuyển để tìm trái bầu nào có thể ăn trước, trái non hơn thì để lại mấy ngày nữa hãy ăn. Có vài lần tôi di chuyển tới nóc mái tole, đó là nơi cao nhất để quan sát xung quanh.
Ở đó, tôi được nhìn sang các khu vườn hàng xóm, chỉ thấy những nóc nhà ngói âm dương rong rêu, và vườn chuối, vườn chanh biêng biếc một màu quen thuộc.
Mỗi khi nghĩ về ngôi nhà thân yêu, tôi lại nhớ giàn bầu, bí ba trồng |
Khi cắt được quả bầu, tôi quăng bầu nhẹ nhàng xuống đất, rồi cẩn thận xuống từng nấc thang. Quá trình bước xuống sợ gấp trăm lần bước lên. Sợ thang đổ, sợ độ cao, sợ rủi ro, vậy mà vài ba hôm tôi lại lên nóc nhà hái bầu. Sợ mà vẫn không từ bỏ. Lúc đó tôi chẳng nghĩ xa xôi gì ngoài việc phải có gì đó ba mẹ làm đồng về ăn.
Nhưng nếu biết tôi hái bầu trên nóc nhà, tôi bị ba mẹ rầy, thậm chí có hôm ba không thèm ăn món bầu luộc của tôi, để tỏ thái độ.
Nhớ hôm nào bữa cơm có bí hoặc bầu, ba tôi hay đọc câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” để dạy chị em chúng tôi về tình đoàn kết, phải biết sống thuận hòa dù mỗi người mỗi tính cách, quan điểm. Còn bây giờ, mỗi khi bí, bầu lên mâm, con gái tôi lại đùa: “Hôm nay mẹ ăn… kỷ niệm”.
Phi Khanh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/gian-bau-bi-sieu-to-cua-ba-a1477265.html” name=””]