Ngang qua Thanh Hóa nhân chuyến xuyên Việt, tôi cứ tiếc nuối mãi vì không kịp ghé Pù Luông – một chốn xinh đẹp nằm trong khu bảo tồn rừng nguyên sinh tự nhiên với nhiều suối, thác, hang động, ruộng bậc thang…
Thế rồi, trong một chuyến đi, sau hai ngày một đêm khám phá mảnh đất này, tôi đã bắt đầu “say” Pù Luông, mê đến toại ý nguyện lòng.
Kho Mường – Hang Dơi |
Chốn bình yên xanh mướt
Pù Luông dần hiện ra với màu xanh trong mướt mắt: xanh của núi rừng, xanh của mây ngàn, xanh của những thửa ruộng bậc thang nối dài vô tận đung đưa trong nắng và gió. Từ Quốc lộ 15C nhìn xuống, tôi không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp tựa bức tranh ở Pù Luông vào những ngày chớm hạ tháng Năm.
Theo chỉ dẫn của chị An, một người dân bản địa, chúng tôi đã vẽ được lộ trình của riêng mình trong hai ngày, một đêm. Hành trình khám phá Pù Luông bắt đầu đầy hứng khởi.
Thoang thoảng đâu đó hương lúa non ngọt dịu. Chúng tôi hít hà bầu không khí trong lành, nhìn những đồng bào dân tộc Thái vừa chăn trâu vừa cầm cành cọ che nắng. Qua một vài khúc cua gập ghềnh với một bên là vực sâu, một bên là vách núi dựng đứng; qua cả những con dốc thách thức nhiều tay lái, chúng tôi đến được bản Kho Mường – Hang Dơi nằm ở xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Sau ngần ấy thử thách, Kho Mường hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh sơn dầu đẹp bình dị. Nơi ấy có những nếp nhà nép mình trong thung lũng, bao quanh là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn xanh ngắt đón gió rầm rì. Nét hoang sơ ở Kho Mường khiến tôi cảm thấy hào hứng với những gì mình sắp được trải nghiệm.
Chiều buông trên Kho Mường |
Xuôi theo con suối róc rách chảy quanh Kho Mường, bà con người Thái thân thiện nhiệt tình chỉ cho chúng tôi đường vào Hang Dơi – nơi trú ngụ của nhiều loài dơi cùng với những khối thạch nhũ kỳ ảo. Đường lên Hang Dơi không quá khó đi đối với chúng tôi khi chỉ qua vài bậc đá thi công thô sơ là đã lên tới cửa hang.
Luồng không khí mát lạnh của hang động phả ra kết hợp cùng tiếng dơi và tiếng ve đầu hạ khiến không gian lúc ấy vốn chỉ có tôi và người bạn bỗng trở nên huyền hoặc khó tả. Những ụ đất trơn trượt sau mưa khiến tôi ngã uỵch ngay khi vào cửa hang. Nhìn khoảng không tối đen dưới miệng hang, chúng tôi vừa tò mò vừa sợ hãi nhưng vẫn kiên trì bám trụ để đợi những đoàn khách khác cùng đến khám phá Hang Dơi.
Chừng vài phút sau, âm thanh của vài đoàn khách vang lên. Chúng tôi được nghe thuyết minh từ hướng dẫn viên rằng nếu đi sâu vào 200 mét nữa có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp tựa như “hang Sơn Đoòng”. Lời khẳng định chắc nịch ấy khiến chúng tôi quyết tâm bước vào vùng tối, băng qua những bậc đá, chạm vào những thạch nhũ có hình thù kỳ lạ để vào sâu trong hang.
Qua nhiều đoạn dốc trơn trượt, người sau phải bám tay người trước để đi, thứ ánh sáng lấp ló nơi cửa hang khiến tất cả đều sửng sốt thốt lên vì kinh ngạc: “Giống Sơn Đoòng thật! Đẹp quá!”.
Tôi đã reo lên thích thú khi ngắm nhìn những chồi xanh mọc trên các mỏm đá, được ánh nắng mặt trời chiếu rọi, sáng lấp lánh như những viên ngọc bích hình lá cây. Dẫu chưa được đến Sơn Đoòng nhưng tôi đã ngắm qua không ít bộ ảnh về điểm đến nổi tiếng này. Cảnh sắc nơi đây khiến tôi cảm thấy thật thỏa mãn. Dù bị ngã và đường xuống không dễ đi nhưng tôi vẫn kịp thu vào tầm mắt một bức tranh phong cảnh sinh động, kỳ ảo.
Bình yên giữa thiên thiên |
Rời Hang Dơi, chúng tôi tiếp tục tìm đến những thửa ruộng bậc thang ở bản Đôn. Ở Pù Luông cũng có một địa điểm nổi tiếng mang tên bản Đôn nhưng lại chẳng có chú voi nào, chẳng bù với bản Đôn của Tây Nguyên.
Nếu Kho Mường, Hang Dơi mang lại cảm giác kỳ bí xen lẫn yên bình thì bản Đôn lại khiến du khách kinh ngạc bởi những triền ruộng bậc thang trải dài vô tận, uốn quanh những nếp nhà sàn tỏa khói giữa chiều vàng nắng. Xuống xe, chúng tôi phóng tầm mắt ra xa để ngắm nhìn những sóng núi nhấp nhô, bàng bạc màu dưới ánh chiều dần buông.
Người ta ví von bản Đôn – Pù Luông như Bali vì cảnh sắc giống nhau quá đỗi. Tôi chẳng bao giờ thích những so sánh như vậy bởi mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Thật tiếc vì không thể đến Pù Luông vào đúng mùa lúa chín, khi màu vàng óng bao phủ cả bản làng.
Chạy vài cây số trở lại homestay, bụng dạ chúng tôi càng trở nên cồn cào khi hương thơm của bữa cơm xế chiều xộc vào cánh mũi. Trên bàn ăn là những “cao lương mỹ vị” của Pù Luông: vịt Cổ Lũng nướng nguyên con trên than hoa thơm mềm, ngọt đậm vị; măng chua xào… Nghe danh những món đặc sản này đã lâu, nay chúng tôi đã thực sự có một bữa tiệc ẩm thực đặc sản địa phương ngay tại nhà sàn ấm cúng.
Bản làng nép mình bên triền núi |
Chợ phiên trăm tuổi từ thời Pháp thuộc
Sáu giờ sáng, mây vẫn giăng kín những triền đồi, tiếng gà gáy sau nhà làm chúng tôi tỉnh giấc. Tôi háo hức chuẩn bị cho sáu giờ cuối cùng ở Pù Luông, tranh thủ khám phá phiên chợ mà tôi từng lỡ hẹn trong hành trình xuyên Việt cách đây vài năm.
May mắn sao khi chúng tôi có mặt ở xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa vào Chủ nhật để kịp dự chợ phiên phố Đoàn (phố Đòn). Chợ diễn ra vào thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần, từ sáng sớm đến 11 giờ trưa, mang nét đặc trưng của một phiên chợ vùng cao với nhiều mặt hàng thô sơ tự cung tự cấp.
Chợ phiên phố Đoàn |
Phiên chợ này đã nổi danh từ thời Pháp thuộc, tồn tại cả trăm năm, đến nay vẫn là chốn buôn bán sầm uất của người dân địa phương. Từ bảy giờ sáng, chợ đã chật ních người. Ngồi trong quán ăn sáng, một bác gái vui vẻ kể với chúng tôi rằng nhiều người phải băng rừng lội suối từ rạng sáng, đi bộ hàng chục cây số để đến họp chợ dù chỉ mang theo vài con cáy, mớ rau hay ít hoa trái nhà trồng được.
Phiên chợ cây nhà lá vườn có sức hút rất lớn với người dân khắp các bản làng quanh đó cùng du khách thập phương tò mò muốn ghé thăm. Chợ không quá rộng nhưng các hoạt động buôn bán đều tấp nập. Len lỏi qua từng ngõ chợ, tôi có cảm giác như mình lạc vào một bộ phim Việt thời bao cấp. Những thước phim với cảnh người người tất tả đi chợ phiên, những gương mặt chân chất, thuần phác đậm nét hân hoan cứ thế hiện rõ trong mỗi khung hình.
Nguyễn Thùy Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hang-son-doong-giua-long-thanh-hoa-va-mot-ban-don-khong-nuoi-voi-a1463620.html” name=””]