Du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam đã vô cùng thích thú với cách chèo thuyền của những ‘hướng dẫn viên du lịch’ ở Tràng An, Ninh Bình.
Những núi đá vôi và hang động ở Tràng An, thuộc tỉnh Ninh Bình, tỉnh nằm ở phía Bắc Việt Nam từ lâu đã là địa điểm vô cùng thu hút khách du lịch. Không chỉ mỗi cảnh vật, những con người sống giữa núi đá nơi đây đang làm công việc chèo thuyền chở khách ngắm cảnh cũng chính là điểm ấn tượng đối với du khách, đặc biệt là những khách nước ngoài.
Cây bút người Canada Matthew Pike của trang Culture Trip đã có bài viết về kỹ năng chèo thuyền thú vị của những hướng dẫn viên du lịch ở Tràng An. Mở đầu bài viết, anh nhận xét, những người dân ở đây đã phát triển một phương pháp chèo thuyền vô cùng độc đáo qua rất nhiều năm.
Bắt buộc phải thay đổi
Matthew Pike đã có cuộc nói chuyện với chị Gấm, một trong số những người chèo thuyền chở khách ngắm cảnh. Matthew cho biết, chị Gấm đã chèo đò ở các hang động Tràng An hơn 20 năm. Trong khoảng thời gian đó, ngành du lịch Việt Nam đã đi từ giai đoạn sơ khai đến giai đoạn được du khách toàn cầu biết tới và công nhận.
Lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam đã tăng từ 1,5 triệu người vào năm 1998 lên tới hơn 18 triệu người vào năm 2019. Và Tràng An, một trong những điểm thu hút du lịch của Việt Nam, chắc chắn cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi này.
Khi số lượng khách du lịch tăng thêm, lượng tiền dành cho du lịch cũng tăng lên, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc những người như chị Gấm phải lao động trong nhiều giờ liền. Và lúc này, những người chèo thuyền ở Tràng An đã nghĩ ra một hướng giải quyết xuất sắc. Họ chèo thuyền bằng đôi chân của mình thay vì bằng tay như trước đây. Chị Gấm chia sẻ: “Chèo thuyền bằng chân nhanh và đỡ mệt hơn nhiều so với chèo thuyền bằng tay.”
Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
“Kỹ thuật” đặc biệt đã được phát triển qua nhiều năm Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Kĩ thuật vượt trội
Tác giả người Canada cho hay, tất nhiên chị Gấm không phải người duy nhất. Tất cả những ai chèo thuyền dọc theo dòng sông đều đã nắm được “tuyệt kỹ” chèo thuyền này. Thay vì phải vất vả dùng tay chèo thuyền và cần huy động cả cột sống, đĩa đệm hoạt động hết công suất, người ta dùng đôi chân khỏe mạnh để xử lý phần việc của mình.
Đối với những người dành hàng nghìn giờ để chèo thuyền một năm, phương pháp chèo thuyền bằng chân giúp họ ngăn ngừa được chứng đau lưng mãn tính.
Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Người chèo thuyền trông rất thư thái. Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Thư thái nhưng thật tập trung
Tác giả Matthew Pike quan sát và thấy rằng, những người chèo thuyền ở Tràng An trông có vẻ thư thái, nhưng thực ra họ vẫn luôn và vẫn cần quan sát rất cẩn thận đường đi ở phía trước để xử lý các tình huống có vật cản hoặc tránh đụng phải các thuyền đi bên cạnh.
Người chèo thuyền cần tập trung quan sát. Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Vào những mùa cao điểm của du lịch, trên sông có rất nhiều thuyền chở khách hoạt động cùng lúc. Ảnh: Vu Pham Van/ Culture Trip
Kỹ thuật thật đáng kinh ngạc
“Và khi cần thuyền dừng lại, tất cả việc họ cần làm là nghiêng người để nắm lấy mái chèo. Họ có thể không trở thành những vận động viên Olympic tầm cỡ, nhưng kỹ thuật thông minh này khiến họ có thể làm việc trong nhiều năm mà không bị đau người,” Matthew bày tỏ sự thích thú và cả sự ngưỡng mộ cho giải pháp sáng tạo của người dân Việt Nam.
Tài khoản Youtube của trang Insider cũng đã từng đăng tải video về những người chèo thuyền bằng chân tại Việt Nam. Video nhận được hơn 45 nghìn lượt xem cùng rất nhiều bình luận.
Dưới video, rất nhiều tài khoản Youtube nước ngoài bày tỏ sự thích thú và ngưỡng mộ. Tài khoản Xes Zki bình luận: “Tôi đã từng đặt chân tới đất nước này và tận mắt chứng kiến được cảnh chèo thuyền bằng chân ấy. Cách họ chèo thuyền đúng là rất đáng ngưỡng mộ.”
Một tài khoản khác cho biết: “Tôi thích những chuyến đi bằng thuyền ngắm cảnh như thế này. Tôi đã đi thuyền tới 3 lần rồi và vẫn chưa hết thích thú.”
“Đây là lần đầu tôi nhìn thấy người ta chèo thuyền bằng chân. Sự thư thái của người ta khiến cho tôi thấy vừa thích vừa ngạc nhiên quá đỗi. Sao có thể nghĩ ra cách làm như thế và sao có thể vận hành chiếc thuyền bằng chân như vậy. Họ thật sự rất tuyệt vời,” một người dùng khác bình luận.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/khach-tay-ngac-nhien-voi-tuyet-chieu-cheo-thuyen-cua-nguoi-viet-ky-thuat-qua-dinh-cao-20220824121708667.chn” name=””]