Ở miền Tây, những buổi cơm chiều, gia đình quây quần bên nồi canh chua nóng hổi cùng chén nước mắm cay nồng tạo nên khung cảnh thật ấm cúng.
Lục bình thường gọi là bèo tây hay bèo Nhật Bản, có rất nhiều ở miền sông nước. Khi xưa, lục bình chỉ là loài thủy sinh, thân thảo, không hữu dụng, nhưng là hình ảnh quen thuộc với bà con đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, mới có câu ca dao: “Nước chảy liu riu/ lục bình trôi riu ríu/ anh thấy em nhỏ xíu anh thương…”.
Tôi nhớ hồi nhỏ, trước nhà có con kênh, lục bình hay tấp đầy kênh. Mỗi dịp nghỉ hè, những đứa trẻ như tôi hay ra kênh để ngắt ngó lục bình đem về cho má tôi chế biến các món ăn dân dã. Thời đó, món lục bình hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân vùng quê sông nước.
Thỉnh thoảng những ngày mưa, má hay kêu tôi ra kênh cắt thân lục bình về xào mớ tép đồng mà tía tôi đi xúc mang về. Cách làm món lục bình xào tép đồng đúng kiểu miệt vườn cũng không quá cầu kỳ.
Má nói, để món ăn thật ngon phải chọn những ngó non tơ xanh mơn mởn. Ngó lục bình mang về, cắt thành từng khúc ngắn, rửa sạch với nước muối pha loãng, sau đó bóp cho ráo nước. Mớ tép đồng còn tươi rói, má ướp chút tiêu, hành, tỏi, nước mắm ngon rồi cho vào chảo nóng xào cho săn lại. Sau đó, cho tất cả lục bình vào, tiếp tục xào thật đều và nêm nếm cho vừa miệng trước khi nhấc khỏi bếp, cho ra đĩa.
Món ăn này kèm thêm chén nước mắm cá linh, dầm chút ớt hiểm xanh, ăn cay tê đầu lưỡi. Món trở nên hoàn hảo khi ăn cùng cơm trắng nóng hổi. Hương thơm quyến rũ cùng vị đồng quê hòa quyện vào nhau khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản riêng, rất thi vị. Vì vậy, dân quê tôi có câu: “Lục bình trôi dọc triền sông/ Hái vào xào tép ngọt lòng dân quê”.
Dân thị thành còn khá xa lạ với những món ngon làm từ lục bình. Tuy nhiên, giờ đây các món ăn từ lục bình cũng đã xuất hiện trong thực đơn của một số nhà hàng với nhiều cách chế biến đa dạng như ngó lục bình luộc chấm mắm kho. Lục bình vừa mềm, vừa ngọt, tính mát và có mùi vị đặc trưng. Nhiều bà nội trợ sành ẩm thực dùng ngó lục bình và bông lục bình để làm gỏi chấm mắm kho ngon không chỗ chê. Lục bình non rửa sạch. Tốt nhất là ngâm với một ít muối loãng dùng để ăn sống chấm nước mắm kho, cá kho. Tuyệt vời nhất là chấm với nước cá kèo kho lạt.
Khi có mớ ốc gạo, má tôi bẻ ngó lục bình đem về gọt bỏ vỏ ngoài và dùng bàn bào, bào thành miếng mỏng sau đó ngâm nước có pha một ít phèn và nước cốt chanh khoảng năm phút để lục bình không sẫm màu và có độ giòn. Sau đó má vớt ra xả sạch, để ráo. Ốc gạo luộc chín lấy ruột, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng mỏng, để riêng mỗi thứ ra đĩa. Cuối cùng, cho các nguyên liệu đã sơ chế trên vào đĩa trộn đều cùng các gia vị như rau răm, chanh đường, ớt, nước mắm, đậu phộng rang giã giập. Má cũng làm thêm chén nước mắm chua ngọt. Gắp ruột con ốc gạo, miếng thịt luộc cùng với miếng ngó lục bình chấm vào chén nước mắm tỏi ớt, đưa lên miệng nhai chầm chậm, sẽ thấy vị ngọt, béo của ốc gạo, của thịt; vị giòn, ngọt cùng mùi thơm thoảng của ngó lục bình.
Mỗi lần gọi điện về cho má, tôi vẫn hay mè nheo: “Khi nào con về, má nấu món canh chua lươn với lục bình nha má!”. Muốn làm món canh chua ngon đặc trưng phải có tổ trứng kiến. Cho tổ trứng kiến vào rổ, nhúng nước sôi để lấy chất chua đặc trưng rồi vớt bỏ xác trứng kiến, thả lươn đã làm sạch vô cho sôi lại, nêm nếm vừa ăn mới thả ngó, bông lục bình vào. Có thể thêm vào nồi canh ít cọng bông súng hay nhúm bông điên điển để màu sắc thêm hấp dẫn, thêm ít lát ớt, ngò gai, ngò ôm lại càng thơm ngon, đậm đà hương quê: “Bắt lươn đem nấu canh chua/ Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng”.
Ở miền Tây, những buổi cơm chiều, gia đình quây quần bên nồi canh chua nóng hổi cùng chén nước mắm cay nồng tạo nên khung cảnh thật ấm cúng. Với những đứa con từng xa quê như tôi thì đây chính là hình ảnh không thể nào quên.
Diệp Linh
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/luc-binh-troi-vao-bep-cua-ma-a1455034.html” name=””]