Thấy con nằm im, người mẹ tưởng rằng con đã ngủ. Thế nhưng khi trở vào, em bé đã tử vong.
Nằm sấp khi ngủ là một tư thế ngủ vô cùng nguy hại dành cho các bé sơ sinh. Trường hợp mới đây xảy ra với 1 bé sơ sinh ở Quảng Đông (Trung Quốc) vẫn khiến nhiều người rùng mình khi nhắc lại.
Theo chia sẻ, em bé 3 tháng tuổi xấu số được mẹ đặt nằm sấp trong cũi để rèn tự ngủ theo phương pháp Cry It Out. Sau khi đặt con nằm ở đó, người mẹ đã ra khỏi phòng và tham gia vào nhóm livestream để nhận hướng dẫn từ một trung tâm đào tạo rèn trẻ tự ngủ. Trung tâm này đã thu phí 6.999 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng) trong khoảng 10 ngày, mỗi ngày 1 giờ để hướng dẫn người mẹ rèn con tự ngủ bằng tư thế nằm sấp.
Thế nhưng khi đứa trẻ khóc suốt 1 tiếng đồng hồ, người hướng dẫn vẫn khuyên bà mẹ kiên nhẫn chờ đợi, con sẽ tự nín khóc. Suốt hơn 1 giờ đồng hồ nhìn con qua màn hình camera thấy bé khóc ngặt, người mẹ đã sốt ruột hỏi chuyên gia cũng như các bà mẹ có mặt trong nhóm livetream rằng “Có ai không? Tôi lo lắng quá. Con tôi vừa ngủ nhưng đã giật mình tỉnh dậy và không ngủ nữa, bé đang khóc. Tôi có nên vào đặt con nằm ngửa lại không? Tôi đang đứng trước cửa phòng con rồi, tôi sợ bé sẽ bị nghẹt thở mất”.
Thế nhưng người được cho là giáo viên hướng dẫn và tất cả các bà mẹ đều im lặng, không trả lời, thậm chí có người vẫn trấn an chị rằng bé khóc là bình thường trong quá trình rèn tự ngủ. Quả đúng như vậy, một lúc sau bà mẹ đã không thấy con khóc và cũng không cựa quậy nữa nhưng lại nghĩ rằng bé đang ngủ. Khoảng 3h chiều, đến cữ uống sữa người mẹ mới vào thì phát hiện con đã ngưng thở, môi tím tái nên đưa đi cấp cứu nhưng không kịp.
“Con tôi đã chết. Con không còn thở nữa, môi con chuyển sang màu tím. Tôi phải làm gì bây giờ. Đã gần 1 giờ trôi qua kể từ khi con nín khóc. Mẹ chồng tôi đã đưa con đi cấp cứu. Làm sao tôi có thể đối diện được với chuyện này?” – bà mẹ nhắn tin chia sẻ với trung tâm.
Câu chuyện đau lòng khiến cư dân mạng xôn xao và nhiều người rơi nước mắt.
Tư thế quỳ gối nằm sấp để ngủ là tư thế mà rất nhiều trẻ sơ sinh yêu thích. Thậm chí các bậc cha mẹ thấy con nằm ngủ như thế vẫn sẽ để yên bởi trông bé mông to, mặt phúng phính rất đáng yêu. Tuy nhiên, mẹ có biết tư thế này đem đến nhiều nguy hiểm với trẻ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Theo khuyến cáo từ hiệp hội Nhi khoa, trẻ sơ sinh nên nằm ngửa khi ngủ bởi đây là tư thế an toàn nhất, giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử (SIDS) ở trẻ sơ sinh.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, khi cho con đi ngủ, mẹ cần nhớ các quy tắc:
Trẻ nên được ngủ trong môi trường an toàn
Theo tiến sỹ James McKenna, bác sỹ khoa nhi tại bệnh viện bang California thì việc cho trẻ sơ sinh ngủ cùng phòng với bố mẹ hay người thân sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ gặp phải SIDS. Nếu bé thường xuyên được ngủ cùng mẹ sẽ tạo điều kiện để 2 mẹ con được tiếp xúc gần gũi hơn, đồng thời mẹ cũng dễ dàng theo dõi, quan sát các biểu hiện và thay đổi của bé hơn.
Ngoài ra, đối với những em bé được nuôi bằng sữa mẹ, có cha mẹ là người không hút thuốc, uống rượu và không chịu ảnh hưởng của các chất kích thích thì nguy cơ gặp phải hội chứng này cũng giảm đi khá nhiều. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ trẻ bị đột tử khi ngủ tăng lên khi phải sống trong môi trường chật chội, cha mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng.
Ảnh minh họa
Tuyệt đối tránh việc để bé bị ngã khi đang ngủ
Sofa là môi trường ngủ duy nhất mà số trẻ sơ sinh đột tử do SIDS tăng lên trong những năm gần đây, với tỷ lệ tăng từ 6% tại năm 1993 lên 16% tại năm 2003, tương đương với khoảng 24-42 ca tử vong mỗi năm. Một trong số những tình huống dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc nhất là khi ba mẹ để trẻ ngủ trên ghế sofa và đi ăn hay không may ngủ thiếp đi.
Ngủ với trẻ sơ sinh trên ghế sofa hay ghế bành có thể rất nguy hiểm cho trẻ bởi nguy cơ bị ngạt thở hay mắc kẹt ở ghế cao, thêm vào đó sofa có tay vịn thấp do đó trẻ còn có thể dễ dàng bị ngã xuống nếu trở mình khi đang ngủ.
Tránh các đồ vật che mặt và đầu của bé
Trẻ sơ sinh sẽ có một giấc ngủ an toàn hơn khi trên giường hay trong cũi ngủ có ít đồ vật chiếm diện tích hơn. Cởi bỏ yếm, mũ và cởi bớt quần áo khi cho bé đi ngủ để tránh tình trạng bé khó thở khi ngủ.
Ngoài ra, cũng nên sử dụng loại chăn mềm và nhẹ để đắp cho trẻ. Nếu mẹ có mái tóc dài và dày thì cũng nên thắt gọn hay để tránh vị trí đầu của trẻ, để tránh trẻ không may bị vướng vào tóc của mẹ khi ngủ.
[yeni-source src=”https://arttimes.vn/gia-dinh/me-chi-23-trieu-dong10-gio-hoc-cach-ren-con-tu-ngu-be-3-thang-tuoi-khoc-rong-den-tu-vong-c59a6105.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con/me-chi-23-trieu-dong-10-gio-hoc-cach-ren-con-tu-ngu-be-3-thang-tuoi-khoc-rong-den-tu-vong-c13a522107.html” name=””]