Sốt siêu vi và sốt xuất huyết thường khiến nhiều người nhầm lẫn. Việc nắm rõ các đặc điểm phân biệt của hai loại sốt này sẽ giúp việc chăm sóc và điều trị cho trẻ kịp thời hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa.
Điểm chung của sốt siêu vi và sốt xuất huyết
Cả sốt xuất huyết và sốt siêu vì đều là những vấn đề về sức khỏe phát sinh do virus xâm nhập vào cơ thể, các triệu chứng thường thấy nhất là sốt cao đột ngột và có nhiều dấu hiệu tương tự nhau. Vì vậy, các triệu chứng của bệnh thường rất dễ bị nhầm lẫn. Việc phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết có thể giúp bé mau chóng có được các biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời. Từ đó, nâng cao khả năng phục hồi sức khỏe.
Sốt siêu vi và sốt xuất huyết khác nhau như thế nào? (Ảnh minh họa)
Phân biệt qua nguyên nhân gây bệnh
Sốt xuất huyết là bệnh do virus dengue gây ra. Muỗi vằn đốt lên người bị nhiễm virus và sau đó đốt người khỏe mạnh. Hai loại muỗi truyền bệnh thường gặp nhất là Aedes aegypti và Aedes albopictus.Căn bệnh này có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người nếu không được điều trị kịp thời.
Còn sốt siêu vi, nguyên nhân sốt siêu vi là do các loại virus khác nhau hay còn được gọi là sốt virus. Tình trạng sốt siêu vi thường lành tính và trẻ có thể khỏi sau khoảng 7 ngày nhiễm bệnh.
Phân biệt qua triệu chứng
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ
Tùy từng loại virus gây bệnh mà trẻ có thể gặp phải những triệu chứng bệnh nặng nhẹ khác nhau. Cụ thể là:
– Trẻ sốt cao từ 39 đến 40 độ C, cơ thể cảm thấy uể oải, mệt mỏi, đáp ứng kém với một số loại thuốc hạ sốt.
– Trẻ có thể gặp phải một số triệu chứng như đau họng, chảy dịch mũi, ho…
– Một số biểu hiện từ tình trạng rối loạn tiêu hóa như đi đại tiện phân lỏng,…
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ. (Ảnh minh họa)
– Trẻ có thể kèm theo dấu hiệu nôn và buồn nôn, nổi hạch ở vùng đầu mặt cổ, có thể phát hiện dễ dàng bằng cách sờ hoặc ấn bằng tay.
– Với trẻ nhỏ sơ sinh hoặc chưa biết nói sẽ thấy biểu hiện quấy khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí trẻ còn bị co giật vì sốt cao.
– Hạch nổi xuất hiện ở vùng đầu mặt cổ, có thể đau sờ thấy kích thước lớn hơn bình thường.
– Sau khi sốt khoảng 2 ngày, trẻ có thể có các biểu hiện nổi những mẩn đỏ trên da.
Triệu chứng của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thường trải qua từng giai đoạn khác nhau gồm:
– Giai đoạn khởi phát: Vào 3 ngày đầu tiên của bệnh, bé có biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt lên tới 39-40 độ và kèm theo tình trạng đau hốc mắt, mệt mỏi, đau đầu và cũng có các triệu chứng như đau họng, ho, chảy nhiều dịch mũi…giống như bị sốt virus.
Một số triệu chứng sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa)
– Giai đoạn toàn phát: Ở giai đoạn này, trẻ có thể hạ sốt nhưng có dấu hiệu giảm tiểu cầu trong mắt, bắt đầu có biến chứng xuất huyết nhẹ đến nặng. Tình trạng bị xuất huyết dưới da và kèm theo ngứa da, đi ngoài phân đen, lẫn máu hoặc nôn ra máu.
Một số trường hợp có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có thể xuất huyết não hoặc chảy máu trong ổ bụng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị sốc vì tình trạng giảm khối lượng tuần hoàn.
– Giai đoạn hồi phục: Vào giai đoạn này, bé hết sốt và cơ thể dần khỏe trở lại, tiểu cầu cũng tăng dần.
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt siêu vi và sốt xuất huyết
Đối với trẻ bị sốt siêu vi
Nhiều phụ huynh thường thắc mắc không biết sốt siêu vi uống thuốc gì. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu dành cho người bị sốt siêu vi. Vì thế, nếu trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C nên uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Khi sốt cao, trẻ rất dễ bị mất nước nên cần phải cho bé uống bù điện giải, nước lọc hoặc nước ép hoa quả. Bé nên ở nhà, không nên tiếp xúc với nhiều người để tránh lây bệnh cho người khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể bé, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin C bằng các loại quả.
Sốt siêu vi và sốt xuất huyết đều làm bé mệt mỏi. (Ảnh minh họa)
Sốt siêu vi kiêng gì? Trẻ bị sốt siêu vi nên kiêng tắm hoặc lau người bằng nước lạnh nhưng vẫn có thể lau người bằng nước ấm khi đang sốt để giúp cơ thể thoải mái hơn. Đồng thời, tránh cho bé hoạt động, vui chơi quá sức, uống nước đá, kiêng đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ăn sống và thức ăn chưa nấu chín…
Đối với trẻ bị sốt xuất huyết
Thực hiện cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng khăn ấm để chườm vào các vùng trán, nách, bẹn, có thể kết hợp dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ định của bác sĩ (không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt) liều 10-15mg/kg, 4-6 giờ/ lần. Chú ý, nếu trẻ có tiền sử bị co giật nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt từ 38 độ C.
Phụ huynh cũng cho trẻ uống nhiều nước, dùng điện giải oresol hoặc hydrit để bù nước. Thực hiện cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường vitamin C bằng các loại hoa quả. Thường xuyên theo dõi những triệu chứng của bệnh như sốt cao không hạ (không đáp ứng với thuốc hạ sốt), lơ mơ, li bì, nôn nhiều không uống được, đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen, chảy máu không cầm được….cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Cha mẹ cần biết cách phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Phương pháp phòng bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết
– Đối với sốt xuất huyết: Cách tốt nhất là nên phòng muỗi đốt bằng cách buông màn (mùng) khi đi ngủ, mặc quần áo dài tay nếu vào vùng có nhiều muỗi đốt. Đồng thời, diệt muỗi và hạn chế sự sinh sản của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín những dụng cụ chứa nước.
– Đối với sốt siêu vi: Thực hiện ăn uống đủ chất, thường xuyên tập luyện để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể, hạn chế sự tấn công của virus gây bệnh. Nếu gia đình, khu dân cư có người bị bệnh cần chủ động phòng ngừa lây nhiễm bằng cách hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh.
[yeni-source src=”https://phununews.nguoiduatin.vn/sot-sieu-vi-va-sot-xuat-huyet-o-tre-khac-nhau-nhu-the-nao-a567174.html” alt_src=”https://eva.vn/nuoi-con/sot-sieu-vi-va-sot-xuat-huyet-o-tre-khac-nhau-nhu-the-nao-c13a518423.html” name=””]