Cà phê sữa đá, bạc xỉu, cà phê trứng, cà phê muối, cà phê dừa và cà phê trái cây đã được giới thiệu trên Guide Michelin. Theo họ, những loại cà phê này mang tính biểu tượng, thể hiện nét văn hóa và sự sáng tạo độc đáo của người Việt Nam.
Cà phê sữa đá tại một quán ở TPHCM – Ảnh: Thanh Trang |
Cà phê sữa đá: Biểu tượng của Việt Nam
Để có được ly cà phê sữa đá, trước tiên cho cà phê xay vào phin cà phê, chế nước sôi vào, chờ cà phê nhỏ từng giọt vào ly; thêm vào sữa đặc, đường và nước đá. Sự hòa quyện giữa vị đắng của cà phê với vị ngọt của sữa đặc đã khiến cà phê sữa đá gây ấn tượng với người yêu cà phê.
Bắt nguồn từ những con phố nhộn nhịp của thành phố, cà phê này đã đi từ các quán ven đường đến thực đơn trong các nhà hàng, khách sạn 5 sao. Cà phê sữa đá hiện là món không thể thiếu của các nhà hàng Việt Nam trên thế giới như một món ăn kèm được yêu thích cho nền ẩm thực phong phú của đất nước.
Ly bạc xỉu đá trở thành nước uống quen thuộc của người Việt Nam – Ảnh: X.B. |
Bạc xỉu: Cà phê hòa quyện 3 nền văn hóa
Được chế biến từ người Hoa khu Chợ Lớn ở TPHCM vào đầu thế kỷ XX, bạc xỉu là sản phẩm pha trộn văn hóa của Trung Quốc, Việt Nam và Pháp.
Tương truyền rằng, phụ nữ và trẻ em không quen uống vị đắng đậm đà của cà phê đen và cà phê sữa nên người Hoa đã điều chỉnh tỉ lệ cà phê và sữa để vị được ngon hơn. Nếu để nhiều sữa thì quá ngọt, còn cho nhiều cà phê thì quá đắng nên bạc xỉu đã cân bằng được 2 vị đắng và ngọt.
Cà phê trứng ở TPHCM – Ảnh: Thanh Trang |
Cà phê trứng: Tuyệt tác cà phê Hà Nội
Vào những năm 1940, khi giá đường và sữa tăng vọt, ông Giang, người sáng lập quán cà phê Giảng ở Hà Nội đã chuyển sang dùng lòng đỏ trứng. Ông lấy cảm hứng từ những trải nghiệm ở khách sạn Metropole (nay là Sofitel Legend Metropole Hà Nội) và cà phê cappuccino. Sự thay thế này đã tạo ra ly cà phê có một lớp kem vàng béo mịn của trứng, đan xen chút vị đắng của cà phê cùng chút ngọt tinh tế của mật ong.
Cà phê trứng được pha trong chiếc ly nhỏ và giữ ấm bằng 1 chén nước nóng. Điều này giúp giảm độ tanh của trứng và tạo nên vị cà phê đầy mê hoặc.
Cà phê muối có nguồn gốc từ Huế – Ảnh: Ngọc Bích |
Cà phê muối: Sự kết hợp sáng tạo
Có nguồn gốc từ cố đô Huế, đây là sự kết hợp giữa hạt cà phê robusta với một chút muối, tạo nên sự cân bằng tinh tế giữa đắng và ngọt, gợi nhớ đến caramen mặn đầy quyến rũ.
Ly cà phê muối có 3 lớp: sữa đặc ở đáy, cà phê ở giữa và kem bên trên. Khi khuấy tất cả lại với nhau, vị mặn sẽ làm nổi bật hương vị đậm đà của cà phê, đồng thời làm dịu vị đắng và tăng thêm vị ngọt, béo ngậy của sữa.
Cà phê dừa được pha rất tỉ mỉ – Ảnh: Thanh Trang |
Cà phê dừa: Nét truyền thống nhiệt đới
Pha chế được loại cà phê này đã chứng tỏ tình yêu của người Việt Nam với dừa. Sự hòa quyện giữa hương thơm đậm đà và vị đắng của cà phê nguyên chất với vị ngọt của sữa đặc, béo ngậy của nước cốt dừa đã tạo nên một bản giao hưởng hương vị ngất ngây.
Để pha được một ly cà phê dừa, trước tiên, lấy nước cốt dừa với sữa đặc và đá viên trộn với nhau đến khi đạt độ mịn mượt như nhung. Cà phê đen được lắc mạnh đến khi có bọt màu nâu nhạt nổi trên mặt. Rót cà phê vào ly thủy tinh, tiếp đó là cho hỗn hợp nước cốt dừa vào. Với mỗi ngụm, cà phê dừa đưa người uống đến một thiên đường nhiệt đới.
Cà phê ủ lạnh trái cây (Fruity cold brew) tại TPHCM – Ảnh: Mew Roastery |
Cà phê lạnh trái cây
Đây là nét mới của văn hóa cà phê Việt Nam và nhanh chóng chiếm được cảm tình của người TPHCM và Hà Nội.
Sáng tạo này là áp dụng phương pháp pha lạnh truyền thống, giúp cà phê arabica nguyên chất hòa quyện với hương vị của trái cây hoặc nước trái cây. Cho dù đó là vị nồng nàn của cam, vị ngọt lạ của vải thiều hay vị chua của mơ thì mỗi loại đều mang đến hương vị độc đáo và hoàn hảo cho những ai muốn nghỉ ngơi sảng khoái trong cái nóng nhiệt đới.
Xuân Bình (theo Guide Michelin)
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/michelin-gioi-thieu-6-loai-ca-phe-viet-nam-a1515257.html” name=””]