Lâu lắm rồi tôi mới về sông Hậu, để được một lần qua chuyến đò ngang, nhìn ngắm dòng sông ngầu nước phù sa, nhìn ngắm xứ cồn; sang thăm cù lao và một sớm bình minh đi chợ nổi…
“Cà phê ghe” trên chợ nổi |
Qua sông Hậu
Bến phà An Hòa. Ban mai mưa. Bước lên chuyến phà qua sông Hậu, đến thăm cù lao ông Hổ, lòng thật bồi hồi khi đã rất lâu rồi tôi mới lại có dịp đi phà. Cảm giác gắn kết thân thuộc với những chuyến phà trong ký ức. Phà ngang qua sông Cần Giuộc – quê tôi – thuở còn đi học ở trường làng, phà qua Cần Thơ ngày còn bé con đi thăm chị gái học đại học, phà Bình Khánh về với Cần Giờ, phà Vàm Cống của ngày về An Giang nhiều năm về trước…
Những bến phà kỷ niệm đã đi vào thơ, nhạc. Sau này, khi những cây cầu hiện đại bắc qua sông, những chuyến phà đã kết thúc sứ mệnh của mình trên những dòng sông của miền Tây Nam bộ, lui về những bến sông xa để những người con của quê hương sông nước Cửu Long mỗi lần được qua sông trên một chuyến phà ngang lại bùi ngùi thương nhớ.
Ký ức dài như sông trôi, xuôi mãi về chân trời kỷ niệm. Trên sông Hậu một ngày mưa giăng, tôi nhìn mãi dòng nước phù sa, nồng hậu như đất lành. Trên khúc sông này năm xưa, từng có những chuyến đò ngang đưa đón những người con của cù lao ông Hổ qua sông đi học, trong đó có người con ưu tú của đất quê, người lãnh tụ vĩ đại của lòng dân: Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cù lao ông Hổ bây giờ đã trở thành địa chỉ văn hóa – lịch sử mà bất kỳ ai về thăm An Giang cũng nên đến một lần.
Cá linh non chiên bột |
Trên cù lao ông Hổ, hiện có Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng với ba không gian tưởng niệm: khu đền thờ, nhà trưng bày và ngôi nhà của Bác Tôn thời niên thiếu. Khuôn viên rộng 1.600m2 với hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước, những con rạch nhỏ… Trong không gian thiên nhiên ấy, có chiếc tàu giang cảnh từng là phương tiện đưa Bác Tôn từ Long Xuyên về thăm quê nhà, có chuyên cơ YAK 40 từng đưa Bác từ Hà Nội vào TP.HCM dự lễ mít-tinh mừng ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả chiếc xe từng đưa rước Bác đi làm mỗi ngày khi còn ở Hà Nội…
Từ bến phà vào khu lưu niệm chừng hơn 1km, khách sang sông có thể đi bộ trên con đường rợp bóng cây hoặc đi xe lôi với giá 30.000 đồng/người. Cồn đất bình yên, chỉ những ngày có du khách về viếng khu lưu niệm, con đường nhỏ mới rộn ràng đôi chút. Nếu có nhiều thời gian, du khách có thể đi thăm những ngôi nhà cổ, chùa ông Hổ, đình thần Mỹ Hòa Hưng, vườn táo… hoặc trải nghiệm tát ao, câu cá, vò lá sâm, trồng rau, nướng bánh…
Ngày chúng tôi về thăm, ngang qua những khu nhà bè giữa miên man sông nước, ngang qua cồn Phó Ba – một dải đất nằm đơn côi giữa dòng sông. Đứng nhìn cơn mưa mà thấy thương sao một miền sông đã trở thành một phần trong nỗi nhớ.
Món cá linh kho lạt |
Thắm tình vị… mắm
Sài Gòn, vài ngày trước khi về An Giang. Tôi được nhà văn Võ Diệu Thanh mời món bún cá “bùa ngải quê nhà” – đặc sản vùng Châu Đốc – chị tự tay nấu. Nồi bún cá công phu từ khâu sơ chế đến nấu nước lèo, với các nguyên liệu: cá lóc, ngải bún, củ nghệ, mắm ruốc, nước dừa… ăn kèm giá, rau muống/bắp chuối bào, bông điên điển…Thưởng thức món bún cá “chuẩn vị quê nhà”, cảm nhận sự tinh tế của hương vị như đặc trưng của một vùng đất. Có những món ta ăn thử một lần mà mùi vị sẽ còn vương vấn mãi.
Những ngày ở TP. Long Xuyên, bạn bè tôi nhiều người nhất định tìm ăn bún cá, lẩu mắm. Sài Gòn món gì cũng có nhưng chừng như những đặc sản mỗi vùng khi “di cư” vào Sài Gòn đều đã được nêm nếm khác cho phù hợp với khẩu vị chung, người xứ nào cũng có thể ăn được. Vậy nên mỗi khi được ăn những món ăn đúng chất mỗi miền, tôi đều cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt. Chính sự khác biệt trong từng hương vị đó làm nên niềm thương nhớ với món ăn của mỗi vùng đất. Với bún cá, lẩu mắm An Giang cũng vậy.
Món lẩu mắm đậm cả vị mặn và vị ngọt mà càng ăn lại càng ghiền. Trong đêm se lạnh, ngồi cùng nhau bên nồi lẩu mắm cá linh nghi ngút khói, trụng bông súng, bông bí, bông điên điển, rau nhút, rau đắng, kèo nèo… thì còn gì bằng. Bao nhiêu món ngon nhâm nhi cùng nhau là bao nhiêu câu chuyện kể nhau nghe về mùi vị quê nhà. Một bàn ăn đầy hương vị cũng làm đầy những ký ức thương nhớ của bao người.
Long Xuyên còn có nhiều món ăn làm lưu luyến lòng khách lạ. Lần đầu tiên tôi được ăn món lá sung cuốn nem chua: một sự kết hợp tài tình giữa vị chan chát của lá sung xanh và vị chua chua, dai dai của nem, chấm với nước mắm chua ngọt. Nhiều lúc ăn những món cuốn lá, tôi vẫn hay tự hỏi, ai là người đầu tiên đã phát hiện ra sự kết hợp hoàn hảo đến như vậy.
Lá sung, lá xoài non, lá cóc, đinh lăng… đều được đặt đúng nơi đúng chỗ trên bàn kèm với những món ăn không thể phù hợp hơn. Lại còn có món cá he kho lạt, ăn kèm rau là bông súng, bông điên điển, ăn với cơm hoặc bún; rồi cá linh non chiên bột, bánh tráng cuốn cá lóc nướng chấm mắm me…
Những ngày thắm tình hương vị mắm vẫn chưa đã thèm, chúng tôi còn mang theo về phố nào là mắm cá linh chưng, cá mè vinh, cá he kho lạt… Sản phẩm được đóng hộp, khi ăn chỉ cần làm nóng lại. Ngồi trong lòng phố, luộc rổ rau củ thập cẩm ăn với mắm cá An Giang, lại thấy như thể mình vẫn còn ở đâu đó giữa những mùi hương nồng vị miền sông nước…
Bình minh trên sông Hậu |
Bình minh sông nước
Bến phà Ô Môi. Chiều chạng vạng. Có những người khách lạ hiếu kỳ đi dọc quảng trường trung tâm từ phía nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, ngang qua tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến bến phà. Buổi tối, phà Ô Môi không hoạt động, khu chợ cũng không còn sáng đèn nhưng mùi sông còn thoảng lại trong gió vị mặn mòi của cá, mắm.
“Đi chợ nổi không mấy em?” – có tiếng hỏi vọng từ một quán nước nhỏ bên trái lối vào bến phà. Thoạt đầu, chúng tôi không có ý định đi chợ nổi Long Xuyên, bởi lịch công tác khá dày đặc trong những ngày lưu trú ở thành phố này. Nhưng sau khi nghe lời mời thân thiện của người quê, cả nhóm xiêu lòng. 300.000 đồng cho một chuyến đò (có thể chở đến 20 người) đi thăm chợ nổi, thời gian khởi hành lúc 5 giờ 30 và trở về trước 7 giờ sáng.
Chúng tôi đi từ buổi tinh mơ, khi ngoài sông vẫn còn lấp loáng ánh đèn soi bóng nước. Chiếc đò đưa khách đi dọc dòng sông, hướng về phía có mặt trời mọc. Trên sông nước, những câu chuyện cũng tự nhiên hồn hậu. Tôi ngồi nhìn những chuyến đò xuôi ngược, ngang qua bình minh đẹp như một bức tranh hữu tình.
Nắng ban mai soi ánh lân tinh diệu kỳ xuống dòng nước, thắp sáng vạn vật, làm đẹp dòng sông. Mỹ cảnh ấy có nhìn ngắm bao lần thì vẫn là vẻ đẹp diễm lệ làm mê mẩn lòng người.
Người ta đi xa đôi khi chỉ để nhìn ngắm những đời người xuôi ngược dòng sông. Ở TP.Long Xuyên không có nhiều điểm du lịch như ở các huyện vùng biên giới, chủ yếu là đình, chùa, bảo tàng… nhưng những ngày lưu trú tại đây, thấy thương thương một thành phố không ồn ào người xe. Phố nhỏ hiền lành như những sớm mai gió mùa thu se lạnh, đi từ bên này khách sạn sang bên kia góc quán cà phê thanh nhã và nhìn thấy phía góc phố nhỏ có bóng dáng chiếc xe lôi chờ khách. Một thoáng Long Xuyên đủ để lưu giữ lại dùm tôi rất nhiều kỷ niệm cùng bè bạn.
Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/mot-thoang-long-xuyen-a1471387.html” name=””]