Đây là giống bí cổ ở địa phương, chỉ khi được trồng ở Ba Bể mới cho mùi thơm tự nhiên ngào ngạt như vậy.
Bí xanh thơm Ba Bể nấu canh – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hơn 1 năm trước, tôi lần đầu được đến núi rừng Việt Bắc chơi. Đó là những ngày giữa tháng Tư, nắng nhẹ và mát. Sau 1 ngày đêm khám phá Cao Bằng, chiều hôm đó, đoàn chúng tôi gồm 7 người xuôi về Ba Bể (Bắc Kạn). Đường đi đèo dốc cheo leo, 2 bên là núi rừng trùng điệp. Khi chúng tôi đến homestay đã đặt trước ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, ngay cạnh hồ Ba Bể thì đã hơn 7g tối, cơm nước đã được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi tắm gội qua quýt rồi vào bàn thưởng thức mâm cơm rất địa phương.
Bữa ăn gồm những món khá giản dị như rau bò khai xào lòng, gà luộc, cá suối chiên. Nhưng ấn tượng với tôi nhất có lẽ là món bí xanh thơm luộc. Thoạt nhìn miếng bí xanh thơm Ba Bể không khác gì bí xanh ở quê tôi. Phần thịt bí khi nấu vừa chín tới sẽ trong, màu xanh trắng. Chỉ đến khi gắp một miếng cho vào miệng tôi mới nhận thấy sự khác biệt và độc đáo: bí có mùi thơm mát như cốm, thịt bùi dẻo và ngọt chứ không có hậu chua như những giống bí xanh được trồng phổ biến ở nhiều nơi. Được biết, đây là giống bí cổ ở địa phương, chỉ khi được trồng ở Ba Bể mới cho mùi thơm tự nhiên ngào ngạt như vậy.
Tôi hỏi người chủ homestay, chị cho biết cách chế biến bí xanh thơm không khác gì những loại bí xanh thông thường. Có thể luộc, xào, làm gỏi, nấu canh, nhồi với thịt băm đem hấp… Bí xanh vừa là loại dược liệu tốt cho sức khỏe vừa có giá trị dinh dưỡng cao.
Hôm sau, trên đường tản bộ từ homestay ra thuyền để thưởng ngoạn hồ Ba Bể, tôi bắt gặp rất nhiều hàng nhỏ bán bí xanh thơm. Có 2 loại bí thơm là bí phấn và bí xanh. Về hình thức, trái bí thơm khá lớn, vỏ dày với rất nhiều lông gai khá cứng. Khi cầm một lá bí lên ngửi thử, tôi khá bất ngờ vì lá cũng có mùi thơm. Chị bạn tôi, người Bắc Kạn, nói mỗi lần nhà nấu bí xanh thơm thì ai đến chơi đã rõ món ăn trong bếp ngay khi vừa tới đầu ngõ.
Tôi trở về phương Nam nắng ấm mà lòng cứ vấn vương món bí thơm. Một bữa, tôi đánh bạo hỏi xin chị bạn ít hạt giống về trồng. Chị gửi vào cho tôi 2 trái bí thơm. Tôi háo hức khoe với cả nhà đây là giống bí được trồng ở vùng đất có sự tích hồ Ba Bể ngày xưa. Trái bí sau cả tuần được gửi qua đường bưu điện vẫn còn nguyên vẹn. Tôi dùng dao gọt vỏ, rửa sạch mủ bí trước khi cắt đôi, cạo hết hạt để riêng. Xắt bí thành miếng vừa ăn cùng với thịt băm vo viên, tôi nấu món canh mọc. Đúng như lời chị bạn, khi thả vào nước sôi một chút là mùi thơm ngào ngạt bay lên. Tôi nêm nếm rồi hạ lửa tắt bếp, bày ra tô mời cả nhà, ai cũng tấm tắc khen ngon.
Nhưng những hạt giống ba tôi đem trồng, dù cây vẫn cho trái, nhưng chỉ lớn bằng ngón tay đã rụng héo. Có lẽ chỉ có khí hậu và thổ nhưỡng của riêng vùng đất kỳ lạ ấy, cùng với kỹ thuật canh tác chuyên biệt mới trồng nên những trái bí không thể tìm được ở đâu. Để bây giờ, thi thoảng tôi lại nhớ quay quắt món bí xanh thơm. Chỉ có một cách để thưởng thức trọn vẹn là sắp xếp một chuyến đi quay lại miền sơn cước.
Hiền Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngot-ngao-bi-xanh-thom-ba-be-a1523606.html” name=””]