Những người đàn bà quê tôi luôn thấy vui khi được tự tay chăm chút bữa ăn cho những người thương quý. Họ thích ngắm những thành viên trong gia đình ăn ngon, tấm tắc khen những món kỳ công – một loại hạnh phúc giản dị trở nên sang trọng và lấp lánh lạ kỳ khi tết đến.
Bánh nhớ, bánh thương
Tết ở quê, bánh ăn hoài không biết ngán. Các bà, các mẹ thương con cháu đi làm xa cả năm mới về, xăng xái vô bếp làm hết thứ này tới loại kia. Họ làm trong hớn hở mừng, miệng không ngớt cười.
Bánh lá mít, bánh khọt, bánh xèo, bánh khoai… thường chưa đủ làm hài lòng các bà, các mẹ. Tết mà, ai cũng muốn con cháu mình được ăn món nào đặc biệt, lạ lạ hay hay một chút. Những cái khuôn tạo hình xinh đẹp được đem ra lau rửa để chuẩn bị làm món bánh nhúng. Cũng chỉ bột, sữa, trứng… được những người đàn bà đảm đang phối trộn thành hỗn hợp sền sệt rồi bắc chảo dầu lên chờ nóng. Dầu sôi già, họ nhúng những chiếc khuôn hình ngôi sao, hình bông hoa vào bột đã pha, thả vô chiên, canh vài phút vớt ra liền. Bánh nhúng giòn giòn, hình dáng đẹp, ăn thơm ngọt. Đám con nít thích thú khoe với nhau mình chọn được hình gì, tiếng cười rộn rã cả ngôi nhà quanh năm thưa vắng.
Cận tết, những gia đình người Hoa lục đục đem lò ra nhóm, khuấy bột chuẩn bị đổ bánh bông lan. Tôi không quên được hình ảnh những ý, những chế ngồi một mình bên bếp lò tí tách lửa, thuần thục cho bột vô khuôn, gương mặt ngời sáng nụ cười. Bánh bông lan muốn ngon phải nóng đều cả hai mặt, bên dưới lửa reo hừng hực, bên trên than hồng được đặt lên vỉ sắt. Loại bánh này, quê tôi chuộng kiểu nướng hơi khô để vỏ bánh giòn khấu bên ngoài, bên trong mềm thơm, ăn chục cái vẫn chưa thấy đã nhưng cẩn thận bởi quá khô dễ gây mắc nghẹn. Bánh bông lan càng hạp để dùng với trà, cho đám cháu quây quần bên ông bà chăm chú nghe kể chuyện hồi xưa.
Nhà nào đông người, rành nghề thì làm bánh in. Trộn không khéo, bánh in ra không bị bể cũng khó thành hình. Có bánh in vàng, bánh in trắng, bánh in đậu xanh, tùy sở thích mỗi người mà lựa chọn. Tôi mê bánh in vàng nhất, vị ngọt vừa và mềm, bỏ vô miệng ngậm xíu đã tan ra. Má tôi lại ưa bánh in trắng, loại khô khốc không nhân. Má thích những cái lớn, phải cắt ra ăn nhiều lần mới hết. Có lẽ với má, loại bánh đó gắn liền với một thời gian khó, má ăn để giữ lại những kỷ niệm, ôn lại ký ức.
Quê tôi người Hoa nhiều, tết còn là mùa bánh tổ. Thứ bánh lạ lùng, tưởng đặt lên bàn thờ rồi bị bỏ quên suốt những ngày tết từng khiến tôi nghĩ loại bánh này chỉ để dâng tổ tiên. Ngờ đâu, khi đã đủ mùng, người lớn hạ bánh, con nít háo hức xếp hàng chờ sẵn. Ai tin được thứ bánh đã cứng ngắc đó đem cắt mỏng ra chiên lên lại mềm dẻo và hấp dẫn khiến ai nấy vừa ăn vừa hít hà vị thơm béo, khó mà quên được.
Những món bánh quê như chuỗi pháo của tâm hồn, nhen thông điệp xuân rộn ràng trong lòng mỗi người xa xứ về thăm cố hương.
Có mứt nhà, cần chi tìm xa
Mỗi lần chuẩn bị từ thành phố về, gọi hỏi ba má ở quê coi mua kẹo mứt chi, người lớn hay cằn nhằn nhà có sẵn, mua làm chi cho tốn kém. Thiệt, kẹo mứt xứ quê phong phú không kém bánh, được mỗi nhà tự tay chuẩn bị, ăn vừa miệng lại an tâm chất lượng. Mấy ngày giáp tết, nhà như tổ mật, ngọt ngào trữ sẵn chỉ chờ ta về ôm lấy vị ngon.
Mấy buồng chuối chín vừa được gọi ra đầu tiên, tùy loại mà lột vỏ ép khô hay phơi nguyên trái. Những nải chuối xiêm sẽ trở thành những miếng chuối mỏng nằm gọn gàng trên sân phơi, đón từng cơn nắng xuân vàng đầy để chờ ngày tươm mật. Chuối sứ nhỏ nhỏ phơi cả trái làm mứt chuối, khi đủ nắng sẽ quắt lại ngả nâu, ăn vừa dẻo vừa ngọt lịm thơm nức như hít mùi dầu chuối. Cầu kỳ một chút, cắt lát chuối ra trải lên bánh tráng hong vài con nắng, để đêm tết se se thổi bếp lò bập bùng quây quần nướng ăn càng thích. Chuối già xanh thì được cắt mỏng theo chiều dọc, đem chiên cho giòn. Xong, má nấu nước đường cho kẹo lại bỏ chuối vô đảo. Những miếng chuối chiên ngào đường giòn tan, ngọt ngào như một món ăn vặt hấp dẫn, người lớn cùng con nít giành nhau trong tiếng cười.
Ba sẽ ra coi cây me cặp mé sông, cẩn thận móc sào hái hết vô cho má làm mứt dẻo. Me cạo vỏ cho sạch, ngâm với đường rồi đem sên trên bếp nóng. Những trái me nâu lột xác chuyển màu đỏ, chua chua ngọt ngọt, độ dẻo vừa phải, ăn sướng chân răng. Nhà nào ưa cay thì trộn thêm muối ớt vô, có vị mằn mặn the the càng khiến món này thêm quyến rũ.
Chị sẽ ra bên hông nhà ngó cây chùm ruột mà chị cố chừa không hái vô chấm muối ớt. Má tỉ mỉ ngồi rửa, vắt chùm ruột cho bớt chua, ngâm đường giống như me. Bí quyết của má nằm ở phần đường ngâm. Phải là đường vàng, chùm ruột sên mứt mới chuyển màu đỏ đẹp. Nhìn mẻ mứt chùm ruột tắm con nắng óng mật đỏ au, má chống hông cười nói với ba: “Nhìn màu này là thấy tết liền ha ông”.
Rồi mọi nhà sẽ đi hái dừa, đem vô nạo cơm dừa chuẩn bị cho những mẻ mứt dừa khô, dừa dẻo. Tùy sở thích mà chọn dừa non hay già nhưng dù là loại nào, những cọng mứt dừa mang màu lá dứa, lá cẩm xanh đỏ cũng khiến cả nhà khoái chí ăn hoài không chán. Những cọng mứt dừa co lại trên chảo nóng với lớp đường đọng dần như phấn trắng luôn là loại mứt quê mà khách ghé nhà nào cũng được mời.
Mấy năm gần đây, quê tôi trồng tắc nhiều, thành ra tết tới có thêm món mứt tắc. Trái tắc tròn bóng được cắt khía, bung 8 cánh như đóa mai vàng loại kép, nhìn thôi đã thấy xuân. Hồi trước nữa, cái thời còn trồng nhiều mận, xứ này lại ưa mứt mận. Loại trái này nhiều nước nên làm mứt cũng cực hơn. Mận trắng, mận đỏ, mỗi thứ lại cho ra hương vị riêng. Nhớ hồi nhỏ tôi còn cự nự với anh Hai bởi trong lòng tôi, mứt mận trắng là hoa khôi còn với anh tôi, mận đỏ mới là số một.
Nhắc mứt mận làm sao không khỏi nhớ chôm chôm. Năm nay, trái không đúng mùa tết chớ mấy năm trước, món mứt lạ miệng ấy dễ khiến người ta thương nhớ. Cách làm mứt chôm chôm hao hao mứt mận nhưng đặc biệt hơn, với sự tham gia của khóm thêm vào lúc ngào khiến món mứt dậy mùi thơm và dẻo ngon hơn. Chôm chôm bỏ vỏ, hột có thể bỏ hoặc không. Người biết ăn sẽ thấy còn hột mới ngon bởi vị hơi bùi béo và nhân nhẩn đắng. Vậy mới biết, xứ quê sáng tạo kém chi nơi nào, với những thức quà vườn sẵn có vẫn úm ba la ra biết bao kẹo mứt.
Tết chạm cây mai trước nhà khiến sắc vàng bung tỏa, ngồi bên nhau ăn miếng mứt, nghe vị ngọt thấm tận ruột gan.
Đậm nghĩa đậm tình, quý lòng thơm thảo
Ngày tết ngồi bên nhau ăn miếng mứt, nghe vị ngọt thấm tận ruột gan – Ảnh: Trần Huyền Trang |
Thứ ngọt ngào khiến tôi nhớ thương quá đỗi lại là vị mật của tâm hồn. Xứ quê chuộng tấm lòng thảo thơm, chuyện đem quà bánh qua chia sẻ với nhau như đã thành truyền thống. Tết đến, hành động đẹp đẽ ấy càng được phát huy, lan tỏa.
Có khi mỗi nhà chỉ làm vài loại bánh mứt, nhưng những vị ngọt ấy mọc cánh thâm tình, cứ bay từ nhà này đến nhà kia, khiến mâm bánh kẹo nhà ai cũng đủ đầy hương vị. Nhà nào neo người, hàng xóm sẵn sàng qua phụ. Có nhiều nhà tụ họp làm chung, vừa luôn chân luôn tay vừa trò chuyện rổn rảng, chưa chi mà đã nôn tết quá chừng.
Năm nào tôi cũng được gởi một bọc bánh bông lan với nhiều hình dáng dễ thương từ nhà bà Năm giữa xóm. Ngược lại, má cũng sai tôi đem qua cho bà ký mứt dừa. Gì chứ mứt dừa má tôi làm ngon có tiếng. Tết mà, đâu giữ khư khư riêng cho ai được.
Mùa xuân khiến tất cả đều tràn đầy yêu thương. Mùa những ngôi nhà mở rộng cửa chào đón ấm áp vào. Mùa của những vị ngọt lành đến từ đất đai, vườn tược xứ sở; đến từ những bà, những má – những người luôn yêu thương mong ngóng con cháu về thăm. Vị ngọt tảo tần chiu chắt, truyền từ người đến người, khiến ai cũng nhận thứ mật xuân làm lòng mình nở bừng như những đóa hoa.
Phát Dương
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/ngot-ngao-vi-tet-que-huong-a1483066.html” name=””]