Người ở quê “ăn tết” sớm lắm. Từ khoảng giữa tháng Mười âm lịch trở đi, nhà nhà, người người đã nôn nao chuẩn bị đón tết.
Chiều 30 tết, bàn tay chị em tôi thâm sì, dù dùng chanh chà xát cách mấy cũng để lại dấu vết. Đó là kết quả của mấy ngày liền hì hục cắt, lặt, bó rau để kịp những buổi chợ tết. Tôi từng tự hỏi những nhọc nhằn này bao giờ có điểm dừng. Thế nhưng, hạnh phúc đôi khi lại đến từ những điều vụn vặt mà chúng ta vô tình bỏ quên trong nhịp đời hối hả.
Cha tôi đều đặn tưới rau mỗi ngày 2 lần |
1.
Màn hình điện thoại lóe lên, báo hiệu tin nhắn đến. Chị gái gửi cho tôi vài tấm hình chụp cảnh sau nhà, kèm theo mấy chữ ngắn gọn: “Thấy đã không?”. Mấy trăm cây vạn thọ cha trồng từ rằm tháng Mười, nay xanh um, chuẩn bị trổ bông.
Xa xa là mấy liếp cải làm dưa cũng đương thì mơn mởn. Sắc xanh lại được tô đậm bởi những bờ rau thơm, diếp cá cao chừng 5-7 phân. Chỉ mấy ngày nữa, chúng sẽ vươn mình, cao cỡ 2 gang tay người lớn, rồi ra chợ để sống trọn một vòng đời.
Tiết trời mấy ngày gần đây khiến lòng người nôn nao chờ tết, từ con nít đến người lớn. Tôi ngấp nghé 30, cũng là ngần ấy năm chứng kiến những bộn bề, bận rộn của cả gia đình khi tết đã ở đầu ngõ, sát bên hiên nhà. Chưa có mùa tết nào cả nhà được rảnh tay trước chiều tối 30. Công việc cứ quấn tay, quấn chân đến cận kề thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới.
Tết về cha thường trồng các loại rau thơm, diếp cá |
Người ở quê “ăn tết” sớm lắm. Từ khoảng giữa tháng Mười âm lịch trở đi, nhà nhà, người người nôn nao chuẩn bị đón tết. Trong đó, sớm nhất là những nhà làm nông, chuyên trồng trọt bông tết, rau cải. Không khí tất bật này là một phần không thể thiếu của gia đình tôi mấy chục năm qua.
Rau thơm, diếp cá… là thứ không thể thiếu trong bữa ăn ngày tết của bất cứ gia đình nào. Mấy loại này, chấm nước thịt kho ăn cùng dưa cải càng đượm vị. Tô bún thịt quay hay con cá lóc tròn ủm nướng trui cuốn bánh tráng, chấm mắm me lại càng không thể thiếu rau sống đi kèm. Mùa tết, những loại này ngoài chợ đắt như tôm tươi, lại được giá.
Vì lẽ đó, năm nào cha tôi cũng trồng. Đời làm nông, điệp khúc được giá mất mùa, được mùa mất giá cứ nối tiếp, dường như lại càng khiến họ trân trọng những cơ hội này.
Khoảng đất trống ở dọc bờ mương được cha xới tung lên cho thật tơi xốp rồi làm sạch cỏ. Đống tro tàn chiều tối hôm trước được phủ nhẹ lên bề mặt đất. Để có được mớ tro này, cha phải hì hục quét lá, gom cành trong vườn mấy ngày liền. Mùi hương lá khô cháy trong buổi chiều se lạnh rất đặc trưng chỉ có thể tìm thấy nơi đồng nội. Xa quê, thi thoảng mùi hương khen khét đầy bùn đất ấy lại ùa về trong những nỗi nhớ không đầu không cuối.
Cơn gió liêu xiêu có lúc khiến tro bị hất tung, giăng lên tấm màn mỏng xám xịt. Một giây phút nào đó, tâm hồn trẻ thơ rất dễ hình dung đây là cảnh ông bụt, bà tiên trong cổ tích chuẩn bị xuất hiện.
Rau giống phải chọn thật kỹ, là những cành già, chắc khỏe, gốc chuyển màu tím thẫm hoặc xanh đậm, có một ít rễ “mồi”. Mỗi cành được cắm xuống đất cẩn thận, sau đó tưới nước. Giữa cái nắng chói chang, cha trầm mình xuống mương, hất lên từng thau sình xám xịt, nhão nhẹt. Mùi hôi của sình càng hăng giữa nắng trưa nhưng đây là thứ “thần dược” không thể thiếu để rau xanh tốt. Những cành rau xanh mởn vài phút trước, giờ nằm bẹp xuống đất, nhuộm xám màu sình đất. Chỉ ít ngày sau, những mầm xanh vươn mình, trỗi dậy từ đất.
Xen giữa các liếp rau là hành, mùng tơi |
2.
Chừng hơn 2 tháng, rau tới đợt thu hoạch. Những mầm xanh giờ mập mạp, mướt mát. Gió xuân mơn man, luồn nhẹ qua từng liếp, khiến mấy ngọn rau khẽ đưa mình. Mùi thơm của chúng cũng bẽn lẽn hòa vào trong gió tạo nên vị tết miệt vườn. Không khí thanh mát buổi sớm mai, mang đến cảm giác bình an, thư thái.
Nắng sớm vừa lên khỏi bụi tre già, soi xuống những vạt rau xanh, làm ánh lên những hạt sương còn sót lại. Cha lật đật ra vườn với bình trà nóng cùng chiếc radio cũ mèm, tranh thủ cắt rau cho kịp buổi chợ. Chợ tết buôn bán sôi động cả ngày nên các chủ vựa rau hối thúc liên tục. Một ngày có khi phải giao rau tới 4 – 5 bận.
Công đoạn cắt do cha tôi đảm nhận vì ông biết nên cắt bao nhiêu, chừa lại gốc dài bao nhiêu để ăn tiếp lứa sau. Đôi tay đen nhẻm lướt thoăn thoắt trên liếp. Chỉ trong chốc lát, cần xé đã đầy ắp rau. Tôi và cha hì hụi khiêng vào nhà để lặt, bó, rửa sạch.
Những khâu còn lại, phần lớn giao cho chị gái và tôi. Lặt rau không khó nhưng cần tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian. Rau buổi sớm mai còn giòn nên dễ gãy, phải nhẹ tay. Loại to, loại nhỏ xếp theo từng nhóm, để dễ dàng cân bó, sắp xếp.
Rau nào quá ngắn, không thể bó nhưng ngon lại phải lựa ra, để dành. Lá bị sâu ăn, lá úa, bông đều được lặt sạch, sau đó so cho thật bằng, rồi tề gốc cho tươm tất.
Dây buộc là dây chuối, được cha cắt từ chiều tối hôm trước, phơi sương cho dẻo. Ở quê, có gì tận dụng đó. Mùi rau tỏa khắp chái nhà, luồn vào kẽ tay, vương vấn áo quần.
Trong vườn, cha còn trồng thêm mấy giàn mướp trổ bông vàng rất đẹp, tươi tắn vào mùa tết |
Từ sáng sớm đến gần giữa trưa, chị em tôi cũng hoàn thành được chục ký rau, kịp buổi chợ trưa. Rau được rửa sạch, xếp ngay ngắn cho ráo nước, sau đó lại cho vào giỏ để cha đem ra chợ. Chỉ vài tiếng nữa, chúng sẽ tỏa đi nhiều nơi, lên mâm cơm của nhiều gia đình, góp thêm mùi, thêm vị cho bữa ăn ngày cuối năm.
Sau buổi cơm trưa, mấy cha con lại tất bật vào guồng quay như buổi sáng. Có ngày, vừa xong việc, trời đã nhá nhem, người ta đã nô nức đi chợ tết. Càng về đêm, gió càng lạnh. Có lúc rửa rau mà tay chỉ muốn rụt lại vì nước lạnh cóng.
Đôi tay cũng phồng rộp sau một ngày vất vả. Sình đất, mủ rau khiến 10 đầu ngón lúc nào cũng thâm đen, cố mấy cũng không thể rửa sạch.
Chiều 30 tết, khi mọi người đã tươm tất chuẩn bị đi chơi, nhà tôi mới tạm xong việc. Đó cũng là khi cha nhận được tiền rau sau mùa vụ vất vả. Số tiền không lớn nhưng đủ khiến cả nhà ấm lòng. Có lúc, nhìn người người, nhà nhà được đón tết, ăn tết trong tâm thế thong dong, tôi thầm trách và cũng tự hỏi liệu khi nào những nhọc nhằn này mới có điểm dừng.
Trong vườn, cha còn trồng thêm mấy giàn mướp trổ bông vàng rất đẹp, tươi tắn vào mùa tết |
3.
Tròn 10 năm sống ở TPHCM nhưng không khí tết quê luôn vấn vương trong tôi khi tháng Chạp vừa đến. Đứa trẻ mười mấy tuổi đầu và tôi của hiện tại khác nhau nhiều.
10 năm ấy, tóc cha bạc nhiều, đi đứng khó khăn hơn. Người đàn ông trụ cột của gia đình năm nào, nay phải chịu thua nhiều thứ khi tuổi già ập đến mà không cách nào tránh được. Một nỗi sợ vô hình trong ông ngày càng lớn, là phụ thuộc con cháu. Chăm sóc vườn tược, trồng ít rau trái trong khả năng dường như là cách để ông thoát khỏi thực tại này.
Có vài lần, chị em tôi tính cản, không cho ông làm vườn nữa bởi con cái đã lớn, gánh nặng tiền nong không còn đè nặng vai cha. Nhưng rồi, chúng tôi lại thôi vì ai nỡ cắt đi niềm vui, tia hy vọng của một người già có tâm hồn vốn rất nhạy cảm.
Mấy ngày trước, cha gọi khoe vạn thọ đã lên đọt xanh tốt, mấy liếp rau chuẩn bị vào mùa. Tôi biết chỉ mấy ngày nữa thôi, đôi tay cha lại đầy những vết xước, thâm sì. Dù vậy, lòng tôi lại lâng lâng niềm vui, hạnh phúc bởi vẫn có cha bên đời.
Bài và ảnh: Trung Sơn
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/hanh-phuc-ve-tren-nhung-ngon-tay-tham-si-a1483046.html” name=””]