Thực ra tôi biết mẹ không về, nhưng vẫn bướng bỉnh ra đứng ngóng mẹ cùng một hy vọng mong manh.
Ngày ấy, cũng vào những ngày nắng vàng trên đỉnh ngọn cau chói sáng và kiêu hãnh. Tôi còn là đứa trẻ nghịch chơi tết hình thù con gà từ những sợi rơm vàng ngày mùa. Có những buổi chiều chạng vạng tối, vẫn le lói ở đâu ra chút ánh sáng hắt hiu. Không phải ánh sáng của mặt trời, không phải từ đèn điện, hình như là từ bếp lửa cơm chiều. Tôi chạy men theo ánh sáng leo lắt đó, bắt gặp cái nhìn trìu mến của bà.
Tôi ngồi cùng bà, ngọn lửa bập bùng và nồi cơm sôi. Bà cầm chiếc que cời bếp làm từ cây tre, gõ gõ xuống nền bếp. Một âm thanh của chiều quê, bà nói điều gì đó mà tôi quên mất rồi, quên vì cái ngày ấy tôi còn quá nhỏ. Chỉ có buổi chiều còn vẹn nguyên cảm xúc trong tâm trí tôi. Một buổi chiều đủ
ngọt ngào.
Ảnh mang tính minh họa – Ha Manh Nguyen |
Tôi lại nhớ những buổi chiều đợi mẹ về. Căn nhà tôi luôn vắng vẻ, tôi cố kiếm tìm sự bận rộn. Chẳng có gì ngoài mấy chú ong mật đang bay xè xè bên cánh hoa mướp màu vàng như nắng. Lũ côn trùng nhỏ bé nhưng thật bận rộn và sinh động. Tôi nghe tiếng í éo của mấy đứa trẻ bên nhà hàng xóm, gọi nhau nhóm lửa, nấu cơm, chiều rồi.
Mẹ tôi về khi chiều chạng vạng, tiếng nan xe đạp đan vào nhau tanh tách. Giọng mẹ ấm áp thân thương. Hai mẹ con rúc vào nhau trong căn bếp bừng lên ngọn lửa. Những buổi chiều ngày ấy bên mẹ của tôi, có điều gì đó lặng im và thân thương đến lạ kỳ.
Mẹ sẽ chẳng bao giờ biết, có một chiều tôi khóc. Là khi tôi đợi mẹ quá lâu. Tôi ra phía cổng ngóng cái dáng cao cao, gầy gầy của mẹ. Mẹ hay mặc chiếu áo sơ mi màu tím nhạt, mẹ đội chiếc nón lá trắng đã ngả màu nắng mưa.
Lòng tôi đã buồn sẵn những nỗi buồn giăng mắc, chỉ vì lúc chiều nay, ông ngoại cho tôi nghe câu chuyện trên đài phát thanh. Câu chuyện ấy có cô bé chạy miết theo buổi chiều tìm mẹ, mà bà không về. Tôi nghe và khóc. Thế rồi chiều hôm đó mẹ tôi không về thật.
Thực ra tôi biết mẹ không về, nhưng vẫn bướng bỉnh ra đứng ngóng mẹ cùng một hy vọng mong manh. Tôi chạy vào nhà khi trời sập tối, đến ngồi bên ông ngoại, giấu đi dòng nước mắt. Mẹ tôi về quê chồng, để lại cho tôi những buổi chiều đứng đợi.
Một buổi chiều khác, khi cơn gió bấc đầu mùa vừa đến, khi trong bếp chẳng còn bó rơm rạ nào để nấu cơm, tôi men theo hàng bạch đàn, nhặt từng chiếc lá nhét vào bao. Những chiếc lá bạch đàn khô có tinh dầu thơm khiến ngọn lửa cháy thật đượm. Tôi và ông ngoại ngồi bên nhau nấu cơm chiều. Tôi ít nói, ông ngoại cũng trầm mặc. Ông bảo: “Na đừng buồn! Tuần sau mẹ về thăm Na đấy!”. Lòng tôi chộn rộn những nỗi niềm vui khi nghe ông ngoại báo tin.
Buổi chiều hôm ấy thật đẹp! Hay có lẽ ông tôi thật khéo léo dệt những buổi chiều đáng nhớ thành kỷ niệm ngọt ngào như mật? Ông quàng thêm cho tôi chiếc khăn màu xanh của mẹ để giữ ấm cái cổ cho tôi kẻo ho. Đôi mắt đen, to tròn của tôi nhìn ông thổn thức.
Ảnh mang tính minh họa – Balak Nguyen |
Thời gian đi qua sẽ chẳng bỏ sót một ai để khiến người ta được nương theo tuổi thơ mà gan lì ở đó mãi mãi. Tôi cũng phải theo những buổi chiều mà lớn lên, mà trưởng thành. Tôi mang theo những vết sẹo chằng chịt trong lòng. Vết sẹo là khi ông tôi không còn nữa, ông ra đi sau một buổi chiều nắng nhạt vắng mặt tôi. Vết sẹo là khi bà cũng đi xa, buổi chiều mùa đông năm ấy, bà gọi tên ông rồi buông tay nhắm mắt. Vết sẹo là khi tôi đợi mẹ suốt cả chiều không thấy, rồi một ngày mẹ trở về bên chiếc xe đạp cũ với đầy vết thương lòng nát tan. Hai mẹ con tôi lại nương nhau mà đi qua đớn đau.
Những buổi chiều sẽ trở thành kỷ niệm. Tôi một mình ra ga tàu trong buổi chiều nhập nhoạng tối. Sân ga ngày hôm ấy có cả những vết thương lòng tôi nặng mang. Vài người đi về trong chiều sân ga vắng, tôi thu mình lại ngắm buổi chiều trôi qua ô cửa sổ tàu. Có ai đi mau, về mau cho kịp kẻo chiều rơi?
Thanh Nga
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nho-nhung-buoi-chieu-roi-a1470410.html” name=””]