Sau hai năm “bó gối” vì COVID-19, tôi chọn Ladakh (Ấn Độ) cho ngày trở lại. “Vùng đất thiên đường” Ladakh có lẽ chỉ thực sự là thiên đường với những vị khách du lịch ngắn ngày.
Cờ lungta mang phước lành |
Sau tất cả, tôi vẫn mang cảm giác lâng lâng như trong một cơn mộng đẹp. Vẻ đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp, những rặng núi ngàn năm tuyết phủ trắng xóa của Ladakh cứ cuốn lấy trái tim đam mê của tôi, khiến tôi rạo rực mãi.
Sau hai năm “bó gối” vì COVID-19, tôi lại được sống tiếp những ngày thanh xuân. Tôi chọn Ladakh (Ấn Độ) cho ngày trở lại. Đó là nơi chưa từng gợn lên trong tôi suốt nhiều năm theo đuổi đam mê xê dịch, bởi nó xa xôi và quá đỗi bí ẩn. Nhưng rồi với mục tiêu “thoát kén”, không muốn trở lại những nơi chốn quá quen thuộc, ngay khi xem một thước phim về nơi được người ta mệnh danh là “tiểu Tây Tạng của Ấn Độ”, tôi lập tức phải lòng Ladakh. Những sợ hãi, lo ngại trong tâm tưởng về sự khắc nghiệt của địa hình; khó khăn trong sinh hoạt, ăn uống cũng không thể ngăn được một trái tim đam mê khám phá tìm đến “vùng đất thiên đường”.
Nằm ở độ cao trên 4.000m thuộc bang Jammu và Kashmir (viết tắt là J&K), Leh Ladakh có nghĩa là “đất đèo cao”. Nếu đã từng say mê những bộ phim Ấn Độ, bạn sẽ vô cùng kinh ngạc vì Ladakh như thể một vương quốc khác. Vùng đất ấy khác rất nhiều về địa hình, cảnh quan, khí hậu, phong tục, con người… so với phần còn lại của Ấn Độ rộng lớn.
Do nơi đây tiếp giáp với Tây Tạng nên thừa hưởng rất nhiều cảnh đẹp và nền văn hóa đa dạng của vùng Tây Tạng, cũng như khí hậu của dãy Himalaya. Có lẽ vì thế, người ta ví von Ladakh là “tiểu Tây Tạng” trên đất Ấn.
Thật khó để diễn tả qua hình ảnh, con chữ, chỉ biết là cảm xúc của tôi sau khi được đặt chân đến Ladakh khác hoàn toàn so với những chuyến đi trước đó. Để rồi khi đã trở về, tâm hồn tôi như đã để lại Ladakh mất rồi.
Những tu viện cổ ở Leh
Tu viện cổ trầm mặc theo thời gian |
Ngay khi đường bay Việt Nam – Ấn Độ được nối lại, chúng tôi lên đường tới New Delhi. Qua rất nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt, tôi cũng lên được máy bay để tới Leh – Ladakh.
Tháng Năm, tuyết vẫn phủ trắng trên dãy Himalaya, mở ra một khung cảnh trắng xóa hùng vĩ cùng bạt ngàn gợn mây che phủ khiến bức tranh bên ô cửa sổ máy bay nửa thực, nửa mơ. Leh – Ladakh chiêu đãi tôi một bức tranh cảnh sắc đẹp siêu thực.
Dẫu vậy, “vùng đất thiên đường” Ladakh có lẽ chỉ thực sự là thiên đường với những vị khách du lịch ngắn ngày. Nơi đây khắc nghiệt, cằn cỗi, hanh khô giống hệt những điều tôi từng được cảnh báo trước khi đi.
“Ai đến Ladakh rồi cũng bị sốc độ cao vì khí hậu khắc nghiệt và địa hình quá cao” – một người bạn đã “cảnh báo” khi biết tôi sắp đặt chân tới Ladakh.
Thời tiết ở Ladakh khắc nghiệt, không phải qua một hai câu là mô tả được. Mới chỉ nửa hành trình, chúng tôi đã trải qua đủ mọi địa hình, thời tiết: đồng bằng, suối, sa mạc, thung lũng, mưa, nắng, lạnh lẽo, mưa tuyết, tường núi, bão cát…
Dường như mỗi ngày, cả đoàn đều ở trong trạng thái chảy máu mũi, đau họng, đau mũi, đau đầu và đau những chỗ nào đó không thể lường trước, do tác động của sự khắc nghiệt ấy. Nhưng bất chấp tất cả, chúng tôi vẫn nôn nao khi thấy dãy Himalaya phủ đầy tuyết trắng; chứng kiến nét văn hóa, trang phục, con người, món ăn… khác biệt và đầy thú vị nơi đây.
Đến Leh, hai ngày đầu được dành để làm quen với độ cao hơn 3.200m và khí hậu, chúng tôi chủ yếu chỉ khám phá quanh các tu viện.
Đá ước nguyện chất chồng những nỗi niềm |
Nằm cheo leo trên những đỉnh đồi có thể nhìn bao quát khung cảnh dòng sông xanh, dãy núi tuyết, những rặng cây mơn mởn, những tu viện hàng trăm năm tuổi ở Ladakh lưu giữ nhiều bộ kinh cổ, tàng thư, mang nét trầm mặc ghi dấu thời gian, dễ dàng đánh gục bất kỳ trái tim mộng mơ nào. Đi quanh những tu viện đẹp nhất ở Leh như: Likir, Shey Thiksey Monastery, Hemis Monastery, Shanti Stupa, Leh Palace… chẳng có mỹ từ nào diễn tả được những xúc cảm và niềm tin tín ngưỡng của tôi thời khắc đó.
Không chỉ choáng ngợp trước vẻ đẹp của kiến trúc hay sự đa dạng tôn giáo (đạo Phật, đạo Hồi, đạo Hindu…), nơi đây, chúng tôi còn được trò chuyện với những tu sĩ nhỏ tuổi, những người con trai trong các gia đình ở Ladakh được gửi tới quy y nương nhờ cửa Phật từ thuở lên năm, lên sáu.
Bên ô cửa sổ đỏ đặc trưng của những tu viện cổ, cờ lungta bay trong gió còn chúng tôi ngồi ở chính điện để được các vị tu sĩ già ban phước, để được nghe kể về hành trình cả đời nghiên cứu và tu tập của họ. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy hằn sâu vào tâm trí tôi, bình an đến lạ thường. Hôm đó, tôi đã mỉm cười, lòng nhẹ bẫng khi ngắm những lá cờ nguyện lungta đầy màu sắc vốn là nơi cất giữ những mong ước và hy vọng của con người.
Lạc đà và đêm sao
Vị tu sĩ nhỏ tuổi ở Leh |
Rời Leh từ sáng sớm, những cung đèo uốn lượn đưa tôi đến Khardung La cao hơn 5.600m – đèo cao nhất thế giới mà xe máy có thể chạy tới. Chúng tôi được cảnh báo chỉ nên dừng chân mười phút để tránh sốc độ cao và tê cóng vì tuyết. Dẫu vậy, cảm giác xung quanh toàn tuyết trắng đã khiến cả đoàn lạc lối ở Khardung La hơn cả thời gian được phép. Tôi lại có thêm một cột mốc “lần đầu tiên” đáng nhớ trong đời, khi có thể chạm tay vào tuyết ở con đèo cao nhất thế giới.
Qua những quãng đường một bên là núi cao chót vót, một bên là vách vực sâu thẳm, chúng tôi ghé chân lại Diskit Monastery và tượng Phật ngồi; rồi đến Nubra Valley – Hunder để cưỡi lạc đà vào những phút chót của buổi chiều muộn.
Đây là điểm nhấn trong hành trình mà nhiều người mong đợi suýt bị bỏ lỡ, do chúng tôi khá chậm chân. Thế nhưng, sau một hồi năn nỉ, tôi cũng đã có trong tay tấm vé 300 rupee (gần 100.000 đồng) cho mười phút cưỡi lạc đà.
Trong ánh hoàng hôn dần tắt, chúng tôi đi một vòng cồn cát rồi trở về để chủ lạc đà tiếp tục báo số, đưa đoàn du khách khác lên lưng của những “chiếc xe sa mạc”. Lần đầu thấy cảnh tượng này, tôi vừa thương, vừa sợ, vừa phấn khích, vừa tức giận. Việc cưỡi lạc đà không khiến tôi thực sự vui vẻ vì hình ảnh lạc đà con chạy theo khóc réo đòi mẹ và thần thái mất hồn của những con lạc đà lớn tuổi làm tôi ám ảnh mãi.
Cụ bà chăn cừu |
Đêm ấy, nghỉ chân tại thung lũng Nubra xinh đẹp với ly trà sữa kiểu Ấn Độ (chai) thơm hương gừng, chúng tôi ngồi bên đống lửa, ngắm nhìn bầu trời sao và rù rì trò chuyện. Cảnh tượng lãng mạn này luôn ở trong tâm trí tôi rất lâu, khi những chuyến đi chỉ còn là kỷ niệm. Hơn cả một chuyến đi, ở Ladakh, tôi thu lượm được nhiều bài học nhân sinh quý giá.
Chúng tôi tình cờ gặp một cụ già trên đoạn đường đến cồn cát – một phụ nữ thân thiện với nét mặt rất đặc trưng của người vùng núi. Khi một nhiếp ảnh gia trong đoàn xin phép chụp ảnh cùng đàn cừu, dù rụt rè, bà vẫn vui vẻ nhận lời… Thế rồi khi bà đang ngồi nghỉ trên cánh đồng nhỏ cạnh vách núi, chú chó chăn cừu cùng bà bước lại gần, nằm nhẹ lên đùi bà đầy tình cảm, còn bà đáp lại bằng những cái vuốt ve trìu mến… Có vẻ ở đâu cũng vẫn luôn tồn tại những “tình bạn” giữa con người và động vật, hay rộng hơn là thiên nhiên.
Hồ Pangong – nơi ưu phiền tan vào mây
Sau khi hàng loạt suy nghĩ về cuộc sống, tình yêu, tình bạn, tiền bạc, đam mê chạy ngang qua tâm trí cũng là lúc chúng tôi đến hồ Pangong – chốn huyền thoại bất cứ ai cũng muốn đặt chân đến khi tới Ladakh.
Nằm trên dãy Himalaya ở độ cao khoảng 4.350m, trải dài qua biên giới hai nước Ấn Độ và Trung Quốc, Pangong là một hồ nước rút có chiều dài khoảng 155km từ tây sang đông. Pangong trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “hồ đồng cỏ cao”.
Đây là địa điểm quay đoạn kết bộ phim bom tấn nổi tiếng của Bollywood – Ba chàng ngốc (Three idiots). Đặt chân đến đây, tôi như được bước vào một biển hồ có núi non trùng điệp, có mặt hồ xanh ngọc bích lấp lánh như kim cương dưới nắng chiều.
Hồ Pangong huyền thoại ở “vùng đất thiên đường” |
Cũng giống như mọi điểm đến khác trên đất Ladakh, những câu châm ngôn thú vị được ghi lại khắp đường đi. Ở Pangong, người ta để chiếc bảng: “Think Clean”. Câu chữ ngắn gọn ấy khiến tôi chột dạ vì những muộn phiền chất đầy ba lô mang tới Pangong lúc đó. Tôi đã ngồi ghi lại mọi thứ trong năm trang nhật ký và bật khóc giữa hồ vào ngày hôm sau, khi sức khỏe đủ tốt và tâm trạng ổn định hơn. Hóa ra, nếu mang theo nỗi buồn đến Pangong rộng lớn, mọi thứ rồi cũng dần tan biến, nhường chỗ cho niềm hân hoan trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật.
Khắp nơi trên vùng đất “tiểu Tây Tạng” này không chỉ có cờ nguyện lungta, những tu viện… Bạn cũng sẽ thấy sự hiện hữu của những viên đá được xếp chồng lên nhau, là nơi những lời nguyện cầu lặng thầm gửi vào trong đá.
Từ xa xưa, người Tạng đã dùng cách này để cầu nguyện khi họ thầm gửi vào mỗi viên đá lời tạ ơn, nguyện ước, chúc phúc hay một nỗi niềm nào đó muốn bày tỏ với đức Phật… Qua biết bao năm tháng, hàng vạn viên đá cứ xếp chồng, hiện hữu ngay trên mặt đất và tâm trí con người nơi đây.
Chẳng biết vì sao tôi lại mang nhiều suy tư đến Ladakh như vậy. Dưới những lá cờ nguyện lungta, bên mặt hồ băng Moriri lấp lánh, khi ngắm nhìn những viên đá xếp chồng thay lời cầu nguyện, tôi cảm thấy thật bình an, nhẹ nhõm như thể những nỗi niềm của tôi đã được trút bỏ hoàn toàn khi đặt chân đến miền đất này.
Bài và ảnh: Nguyễn Thùy Trang
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/nhung-ngay-rong-ruoi-o-vung-dat-thien-duong-a1470352.html” name=””]