Thông tin sẽ mở lại núi Bài Thơ khiến nhiều người dân và du khách háo hức. Nếu được khai thác xứng tầm, đây có thể là “thỏi nam châm” tiếp theo thu hút khách đến với Hạ Long bằng trải nghiệm độc đáo và khác biệt.
Đến Hạ Long (Quảng Ninh), từ rất nhiều địa điểm trong thành phố đều dễ dàng chiêm ngưỡng núi Bài Thơ, một ngọn núi đá vôi độc đáo bên bờ vịnh Di sản.
Chỉ cao hơn 100m nhưng núi Bài Thơ có địa thế đặc biệt, một bên là những con phố nhỏ tấp nập ôm sát chân núi, một bên nước biển bao quanh, nơi tàu thuyền ghé về quần tụ.
Từ đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ôm trọn một góc vịnh Hạ Long và toàn cảnh từ Hòn Gai sang Bãi Cháy. Lúc bình minh, khung cảnh càng trở nên tráng lệ với sương sớm la đà quanh những đảo đá nhấp nhô… và khi chiều xuống, phố xá lên đèn lung linh rực rỡ.
Núi Bài Thơ được nhắc đến nhiều trong thi ca. Nhạc sĩ Hoàng Vân viết “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ…”, gợi nhắc sự kiện công nhân mỏ Hòn Gai cắm cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi vào ngày 1/5/1930, thể hiện tinh thần cách mạng quật cường, thúc giục quần chúng nhân dân giành lại chính quyền từ thực dân Pháp
Trong lịch sử, nhờ vị trí bao quát cả tuyến đường bộ và đường thuỷ, núi Bài Thơ là nơi đồn trú canh gác vùng cửa ải Đông Bắc dưới các triều đại phong kiến. Đêm đêm, lính canh đốt đèn chỉ đường cho thuyền bè cập bến, khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô… Do đó, núi còn được gọi là núi Dọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng.
Mùa xuân năm 1468, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi tuần vùng biển An Bang, đóng quân dưới núi Truyền Đăng. Xúc cảm trước cảnh nước non, nhà vua cho khắc vào phía Nam của vách núi một bài thơ, trong đó có câu “Thiên nam vạn cổ hà sơn tại/ Chính thị tu văn yển vũ niên” (Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững/ Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sửa việc văn), không chỉ ngợi ca cảnh sắc mà còn tuyên ngôn về hòa bình, việc xây dựng đất nước lúc bấy giờ.
Sau này, chúa Trịnh Cương và nhiều thi nhân khác cũng đề thơ lên vách núi, tạo nên tên gọi núi Đề Thơ, sau gọi là Bài Thơ. Quanh vách núi có 12 bài thơ cổ, bài gần nhất được phát hiện năm 2021, trong đó du khách có thể chiêm ngưỡng bài thơ của vua Lê Thánh Tông trong đền Bài Thơ dưới chân núi.
Núi Bài Thơ, Trung tâm điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi, Chùa Long Tiên và Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (con thứ của Trần Hưng Đạo, vị tướng trấn giữ biên ải Đông Bắc) dưới chân núi tạo thành Khu di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bài Thơ, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Hiện nay, đường bao biển chạy vòng qua chân núi cũng là tuyến đường ngắm cảnh đẹp nhất của TP Hạ Long.
Núi Bài Thơ đã từng là điểm đến thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Có những thời điểm hàng trăm người lên núi vào cuối tuần. Năm 2019, khi tỷ phú người Anh Joe Lewis (ông chủ đội bóng Tottenham Hotspur) tới Hạ Long, cháu gái của ông đã dành nhiều ngày để xin phép được lên núi Bài Thơ ngắm cảnh và những bức ảnh check-in của cô cũng gây “sốt” trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, núi Bài Thơ lại chưa được đưa vào khai thác du lịch đúng nghĩa. Năm 2017, sau vụ việc lở đá nguy hiểm, UBND phường Hồng Gai đã tạm thời đóng cửa đường lên núi cho đến nay. Đường lên núi lọt thỏm trong con ngõ nhỏ âm u xuyên qua khu nhà dân, bậc thang bung vỡ, không có lan can bảo hộ, rác thải mất mỹ quan, các công trình đều xuống cấp nghiêm trọng…
Đầu tháng 2 vừa qua, TP Hạ Long đã có chủ trương và lên phương án khai thác, tổ chức tuyến tham quan núi Bài Thơ. Toàn bộ các công trình sẽ được tu bổ, tôn tạo, trong đó riêng đỉnh núi sẽ có khuôn viên với 2 sàn ngắm cảnh, có ống nhòm vọng cảnh, tạo cảnh quan đẹp, thuận tiện và an toàn và đảm bảo vệ sinh dành cho du khách.
Núi Bài thơ sau khi được trùng tu, tôn tạo sẽ đề xuất giao doanh nghiệp quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, kết nối với các điểm đến văn hoá, lịch sử, trung tâm thương mại khác ở trung tâm thành phố.
TP Hạ Long định hướng xây dựng Cụm di tích núi Bài Thơ trở thành trung tâm du lịch của vùng phía Đông thành phố, phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, trải nghiệm, mở rộng không gian phát triển du lịch bằng các tuyến phố đêm, phố đi bộ, citytour tham quan bằng xe điện…
Thông tin sẽ mở lại núi Bài Thơ khiến nhiều người dân và du khách háo hức. Nếu được khai thác xứng tầm, đây có thể là “thỏi nam châm” tiếp theo thu hút khách đến với Hạ Long bằng trải nghiệm độc đáo và khác biệt./.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/nui-bai-tho-danh-thang-sap-mo-cua-tro-lai-o-ha-long-co-gi-dac-biet-20230225090912014.chn” name=””]