Chưa tới giờ mở cửa, quán bún bò nằm trên đường Hoàng Sa (Q.3, TP.HCM) đã chật kín bàn. Nhiều người đến chờ sẵn để giữ chỗ và ăn được đúng loại mình thích.
Quán bắt đầu mở cửa từ 17h thế nhưng 16h30 phút đã có nhiều vị khách đến sớm để có thể ăn được một tô bún bò đầy đủ “topping”. Trúc (học sinh lớp 12) sau nhiều lần “lỡ hẹn” với quán vì quá đông khách cho biết: “Cách đây vài năm, khi được bố dẫn đến ăn lần đầu, mình đã ‘ghiền’ bún bò của quán. Thế nhưng, tới hiện tại muốn ăn được bát bún trọn vẹn thì phải tới sớm để chờ đợi”.
Nhân viên tại quán luôn trong trạng thái hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ăn tại quán và mua mang về. Theo chia sẻ của Duy Anh – chủ quán: “Số lượng bún quán tôi phục vụ không thay đổi (khoảng 200 bát/ngày) nên có ngày trong 2 tiếng đã hết sạch”. Trong ảnh là những người đến muộn, hết bàn nên phải đứng chờ
Dù lượng khách đến quán ngày càng đông nhưng chủ quán vẫn không thay đổi số lượng bán ra mỗi ngày. Duy Anh cho biết: “Mỗi lần tăng số lượng thì phải điều chỉnh lại công thức, mất nhiều công nên hạn chế thay đổi”. Đây cũng là điểm được khá nhiều thực khách ưa thích vì giữ được nước dùng mang đậm hương vị qua nhiều năm.
Bên cạnh đó, các loại món ăn kèm với bún bò cũng là một điểm làm thực khách phải nóng lòng đến giành chỗ sớm. Với mức giá giao động từ 30.000 – 50.0000 đồng, các loại “topping” ăn kèm như: khoanh giò, chả quế, chả tôm. gân y, sụn sườn… được thực khách lựa chọn theo sở thích.
Anh Hùng (56 tuổi) – khách quen lâu năm của quán cho biết: “Hương vị không phải xuất sắc nhưng ở đây có nhiều loại ăn kèm đa dạng, đặc biệt có sụn bò, một thứ rất ít nơi bán khiến tôi phải ghé ăn nhiều lần”
Lượng khách đông đã kín hết bàn, thế nhưng nhiều vị khách vẫn đứng đợi để được thưởng thức. “Lần đầu đến quán, tuy đã phải chờ hơn 20 phút mới có chỗ ngồi thế nhưng dịch vụ ở đây khiến tôi thấy hài lòng”, chị Hiếu (23 tuổi) chia sẻ.
“Quán có từ thời của bà ngoại, sau đó được truyền lại cho mẹ tôi. Thế nhưng, 5 năm trước, vì tuổi cao cộng với việc bị thu hồi mặt bằng nên mẹ tôi định sang nhượng lại quán. Vì thế, tôi dừng việc làm luận văn thạc sĩ để tiếp nối”, chủ quán tâm sự
Trong quá trình khởi nghiệp, dù nhận phải nhiều phản đối từ người thân và gia đình vì cho rằng anh “quăng tấm bằng đại học vào nồi nước lèo”, thế nhưng công việc bán quán lề đường này lại cho anh nhiều giá trị trong cuộc sống hơn. Duy Anh chia sẻ: “Gắn bó với quán từ năm 8 tuổi nên đây như là “người thân” của mình. Quán ăn không chỉ mang lại mục đích kinh tế mà còn tạo ra công việc cho nhiều người khác. Tôi cảm thấy điều này ý nghĩa hơn là ngồi làm việc văn phòng”.
Trong năm đầu kế thừa, công thức món ăn và cách vận hành chưa hoàn chỉnh nên quán bún bị lỗ nặng. Tuy nhiên, Duy Anh vẫn không bỏ cuộc, anh chỉnh sửa và dần hoàn thiện trong từng công đoạn. Thời gian gần đây, quán bún bò 725 Hoàng Sa hút được nhiều vị khách mới ghé thăm bởi vì sự tò mò.
[yeni-source src=”” alt_src=”https://kenh14.vn/quan-bun-bo-sieu-dong-o-tphcm-khach-xep-hang-nua-tieng-moi-duoc-an-20220502130001024.chn” name=””]