Không cầu kỳ như các món bún thang, bún mọc; cũng không quá đơn giản như tô bún măng vịt, bún chả giò nhưng món bún suông miền Nam đã gợi sự tò mò không hề nhỏ với người ăn lần đầu ngay từ tên gọi.
Thật ra, đây là món bún chả tôm với nguyên liệu đang… “đua” trong tô nước lèo thơm ngon, nóng hổi.
Những viên chả tôm trong tô bún suông được tạo hình khá giống con đuông dừa – Ảnh: Tấn Tri |
Chả tôm “ôm” khá nhiều tôm, thịt
Theo lời giải thích của một số người am tường món này ở miền Tây Nam bộ, đúng ra phải gọi bún suông là “bún đuông” bởi phần chả tôm được tạo hình khá giống con đuông dừa. Thế nhưng, có lẽ do thói quen đọc biến âm của người Nam bộ, người ta đọc trại thành bún suông.
Vả lại, thành phần món bún suông không chỉ có chả tôm mà còn nhiều nguyên liệu bổ dưỡng khác như: giò heo, ba rọi heo luộc, huyết heo, tôm luộc, thịt vịt luộc… Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, TPHCM… đều có bún suông và nổi danh với món bún lạ này từ rất lâu. Trong đó, mùi vị muỗng nước lèo từ tô bún suông Trà Vinh thật khác biệt: thơm thoang thoảng mùi tương cùng độ chua nhẹ của bột me chín. Hương vị ấy như mời gọi cơn thèm ăn ập đến.
Trong khi món bún chả tôm hình con đuông ở xứ bún nước lèo khoái “rủ” giò heo, thịt ba rọi, tôm thẻ luộc… tụ họp thì bún suông Gò Công lại “kết” thịt vịt cỏ – giống vịt nặng chỉ chừng hơn 1,5kg/con, thường được chăn thả theo lối chạy đồng để ăn mót lúa, rỉa cua đồng, cạp ốc bươu… – kiểu có gì ăn nấy nhằm đỡ tốn chi phí cho người nuôi. Nhờ vậy, khi luộc lên, phần thịt nạc trắng ngà thường liền sát da. Sớ thịt của giống vịt này nhỏ nhắn nhưng độ ngọt bùi thì đậm hơn rất nhiều so với giống vịt siêu nạc.
Quán bún suông vịt Ao Thiếc ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang thường tấp nập thực khách ra vào. Quán mở cửa tầm gần 11 giờ trưa đến xế chiều. Dịp cuối tuần, lượng khách ở TPHCM đổ về đây do nhu cầu công việc hoặc đi du lịch khá nhiều. Phần đông, họ thường ghé ăn đặc sản bún suông vịt Gò Công. Có bữa Chủ nhật, khoảng 14 giờ, chúng tôi ghé lại đây thì đã hết hàng. Chị chủ quán đang lom khom lau dọn tủ kính bày thịt vịt, ngước lên cười nói: “Thông cảm”.
Trong số khách quen của quán có anh Nguyễn Văn Bình (kỹ sư điện lạnh, gốc thị xã Gò Công, nay sống ở TP Thủ Đức, TPHCM). Cứ khoảng một tháng tới một tháng rưỡi, anh tranh thủ chở vợ con về thăm nhà. “Từ hồi tôi 7-8 tuổi, cha tôi thường dẫn tôi tới quán này ăn. Hồi đó, quán Ao Thiếc rộng gấp 3-4 lần bây giờ. Nay tôi cũng muốn làm vậy với con trai 15 tuổi của mình để nó thêm yêu quý quê nhà” – anh Bình nói với vẻ mặt rạng rỡ.
Tuy vậy, công tâm mà nói thì chất lượng miếng chả tôm và độ hài hòa hương vị ở muỗng nước lèo của quán này chưa sánh kịp tô bún suông cô Mai trong chợ Bến Thành hoặc tô bún suông bà Lương ở Bến Vân Đồn, (quận 4, TPHCM).
Ấn tượng khó phai
Bún suông vịt cỏ – đặc sản Gò Công – Ảnh: Tấn Tri |
Mỗi sáng, từ 6-9 giờ, bà Lương bán được khoảng 5 – 6kg chả tôm. Cái quán vỉa hè với 5-6 bộ bàn ghế nhựa của bà trông giống một điểm bán hủ tíu gõ bình dân. Vậy nhưng tuổi đời của quán tới nay đã gần 30 năm.
Theo chia sẻ của bà Lương, thứ tạo nên vị ngọt thanh lẫn béo nhẹ và mùi thơm đặc biệt cho nồi nước lèo của bà gồm có: tương hột, nước mắm, khô mực, mỡ heo… Nhờ vậy, khách mối của quán không chỉ ở quanh khu vực quận 4, quận 1 mà còn ở tận Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền… Đa phần khách ở xa đặt mua bún suông của bà qua các ứng dụng mua – bán hàng qua mạng.
Cũng như chủ của hàng chục món bún đặc sản 3 miền khác ở TPHCM, người bán bún suông muốn chen chân và có chỗ đứng ở thành phố “thứ gì cũng có này” phải biết cải biến, nâng cấp đôi chút cho phù hợp khẩu vị và thị hiếu khách Sài Gòn. Nhờ vậy, chất lượng các tô bún suông có lịch sử từ 2 đời chủ trở lên ở thành phố năng động này thường vượt trội so với món bún cùng tên ở các tỉnh, thành miền Tây. Tuy nhiên bù lại, khung cảnh thoáng mát với người dân chất phác, thân thiện lại là một điểm cộng khác cho bún suông ở miền Tây.
Tấn Tri
[yeni-source src=”” alt_src=”https://www.phunuonline.com.vn/queo-vo-mien-bun-suong-a1485774.html” name=””]